‘Trạng thái bình thường mới phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn’
Theo Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng TS Nguyễn Đức Kiên, trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho DN làm ăn và người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh.
Mỗi địa phương đang hiểu một cách khác nhau
Xin hỏi, ông hiểu thế nào là trạng thái bình thường mới, và làm sao áp dụng nó?
Cả thế giới nói về trạng thái bình thường mới nhưng mỗi nước hình dung một cách khác nhau. Việt Nam cũng vậy. Cách hiểu bình thường mới ở Hà Nội khác với Hải Phòng và Hải Dương. Tôi tin rằng các địa phương này hiểu trạng thái bình thường mới là không giống nhau.
Theo tôi, trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn và người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh trong điều kiện đã hiểu rõ hơn về dịch.
Phương án phòng chống dịch năm 2020 là thành công nhưng kéo dài quá sẽ thành khuyết điểm. Đây là thời điểm thay đổi để phù hợp với tình hình mới, vừa có Chính phủ mới. Chúng ta phải thay đổi cách phòng chống dịch khác trước đi, nếu không sẽ lại bỏ lỡ năm 2021 này.
Ông và Tổ tư vấn có sáng kiến gì trong lĩnh vực này?
Làm sao hài hòa hóa chính sách chống dịch với phát triển kinh tế là khó, đặc biệt là với tư duy tuyệt đối hóa của Việt Nam tư duy chỉ được đúng không được sai.
Đến lúc này, chúng ta chấp nhận coi virus này là một loại dịch bệnh, có lây lan như nhiều dịch bệnh khác. Tất nhiên, chúng ta cần hiểu đúng bản chất cơ chế truyền dịch lây nhiễm và không nên quá sợ hãi, phải tỉnh táo, bình tĩnh nhìn đúng vào bản chất vấn đề mới đưa ra được giải pháp tốt và chính sách đúng.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang thay đổi nhận thức về dịch bệnh. Họ dự báo với sự phát triển nhanh của vắc-xin thì hết quý 2 sẽ đảm bảo miễn dịch cộng đồng và quý 3 năm sẽ mở cửa. Vậy, chúng ta có kế hoạch mở cửa không, có sẵn sàng để mở cửa chưa?
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị thực hiện ngay chính sách visa vắc-xin để người có chứng nhận đã tiêm chủng sẽ được nhập cảnh. Điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết nên có thể khởi động ngay từ tháng 5 để bắt kịp mùa du lịch 2021, đón làn sóng du lịch tháng 6, tháng 7 và cố gắng hy vọng đến hết mùa Noel 2021, ngành du lịch sẽ phục hồi được 80%.
Ngành dịch vụ và du lịch nhà hàng khách sạn tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Khi ngành này phục hồi thì người lao động có thu nhập sẽ hình thành một cầu mới. Có cầu mới thì sản xuất ổn định. Nếu ta không chủ động mở cầu nội địa và đón cầu nước ngoài thì kinh tế trì trệ và khó phục hồi nhanh.
Thưa ông, các tỉnh, thành đang xin cơ chế để nhập vắc-xin về cho dân. Ông có ủng hộ chính sách này?
Nếu Chính phủ lo được hết việc nhập khẩu và tiêm vắc-xin cho toàn dân là tốt nhất nhưng trong bối cảnh hiện nay, điều này là không thể. Vì thế, theo tôi, vắc-xin do Chính phủ nhập khẩu về nên ưu tiên cho những lực lượng chống dịch dễ bị tổn thương, và tạo điều kiện để các địa phương, DN mua về tiêm cho người dân và công nhân của họ.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch không cần phải ngồi họp để phân ra mỗi tỉnh được bao nhiêu liều. Cách làm này sẽ giúp tiêm chủng rất nhanh và chúng ta có thể mở cửa trong tháng 6 này. Như trong chiến đấu, khi cần vượt sông phải vận dụng hết mọi khả năng để đưa đơn vị qua sông, mà không nhất thiết phải đợi thuyền tới đón.
Ngân sách có hạn nên cần hỗ trợ bằng cơ chế
Như vậy triển vọng kinh tế tới đây sẽ như thế nào?
Hiện có nhiều tổ chức kinh tế quốc tế dự báo, kinh tế thế giới khôi phục không phải năm 2022 mà năm 2023, thậm chí một số ngành còn chậm hơn nữa. Như vậy là khả năng phục hồi kinh tế chậm hơn so với dự báo đến 2022 sẽ cơ bản phục hồi khi chúng ta xây dựng văn kiện.
Trong năm nay, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% với chúng ta cũng rất nặng nề vì nếu tiếp tục cách chống dịch như ở Hải Dương, Quảng Ninh vừa rồi thì rất khó cho phát triển kinh tế.
Hiện nay có thảo luận về việc có cần hay không gói hỗ trợ. Vấn đề là Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá tác động về ngành nào thiệt hại nặng nhất. Và đây là căn cứ để có thể ra được quyết định hỗ trợ ngành nào.
Đành rằng ngành du lịch khách sạn thiệt hại nặng nhất, nhưng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho họ là rất khó, nên chúng tôi mới đề nghị vắc-xin visa cho những người nhập cảnh vì mục đích du lịch, nghỉ dưỡng. Nếu tiêm rồi mà vẫn phải cách ly 14 ngày thì lại mâu thuẫn với chính sách nhập vắc-xin của chúng ta hiện nay.
Phải biết được ngành nào khó khăn, có đặc thù gì để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngân sách có hạn nên cần hỗ trợ bằng cơ chế. Tôi hi vọng là gói hỗ trợ này được thiết kế và đề xuất kịp thời trong kỳ họp tới của Quốc hội, nếu không DN sẽ rất khó khăn.
Ông ghi nhận thế nào về tâm lý, quan điểm của DN trong lần gặp gần đây?
Phần đông DN tự tin tự họ vượt qua được sóng gió này với điều kiện là nếu Chính phủ không hỗ trợ được thì đừng làm thêm khó khăn quá cho họ. Một số DN lớn khẳng định họ tự vượt qua được khó khăn này nhưng Chính phủ cần rõ ràng trong chính sách. Ví dụ, để xây sân bay theo mô hình PPP, DN đề nghị Nhà nước phải lo thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thiết kế còn DN bỏ tiền làm đường băng, nhà ga.
Hay như Vietnam Airlines đưa ra đề án củng cố và phát triển. Vậy các cơ quan quản lý nhà nước là chủ sở hữu có duyệt sớm không? Phải duyệt sớm thì họ mới làm kịp, nếu không cơ hội sẽ mất đi.
Các DN bất động sản trong TP.HCM kêu ca rất nhiều về thủ tục pháp lý. Vậy các cơ quan nhà nước có rà soát lại thủ tục để tháo gỡ cho họ không? Đó là trách nhiệm của Nhà nước.
Qua đối thoại, DN chia sẻ khó khăn với Chính phủ nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ cần linh hoạt hơn, năng động hơn trong quá trình ra quyết sách. Tình hình đặc thù cần chính sách đặc thù mà điều đó mới mang lại hiệu quả cao nhất, lợi ích lớn nhất cho người dân và DN thay vì phải bơm tiền.
Tư Giang/ VNN