+
Aa
-
like
comment

Trang Daily Star nhận định Bangladesh tụt hậu so với Việt Nam

Bảo Trâm - 17/11/2021 14:14

Trang Daily Star của Bangladesh vừa có bài viết với tiêu đề “Bangladesh lags behind Vietnam in reforms to attract FDI” (Bangladesh tụt hậu so với Việt Nam trong cải cách thu hút FDI) với nhận định nhận định, những cải cách đồng loạt và cởi mở trong chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam đi đến giai đoạn phát triển như hiện nay, trong khi Bangladesh vẫn đang tụt hậu trong các lĩnh vực đó và không theo kịp sự phát triển của Việt Nam.

Mở đầu bài viết, trang Daily Star đã trích dẫn ý kiến của các nhà phân tích nhận định, nhờ có những cải cách và đổi mới liên tục trong chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam thu hút được lượng lớn FDI và có nền kinh tế vô cùng phát triển, trong khi Bangladesh vẫn đang tụt hậu không theo kịp sự phát triển của Việt Nam.

Ví dụ, Việt Nam đã áp dụng Doimoi, một chương trình đổi mới chính sách kinh tế vào năm 1980, mang lại một cuộc cải cách lớn về chính sách kinh tế và thu hút rất nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cuối cùng Việt Nam trở thành một hình mẫu về điểm đến FDI.

Theo Daily Star, mặc dù vị thế kinh tế của cả Bangladesh và Việt Nam tương đương nhau vào thời điểm đó, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã đạt được thành công đáng khen ngợi trên nhiều lĩnh vực, còn Bangladesh vẫn bị tụt lại rất xa.

Ví dụ, xuất khẩu của Bangladesh và Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD trong những năm 1990, nhưng năm ngoái, con số này là gần 38,75 tỷ USD đối với Bangladesh và đối với Việt Nam là 280 tỷ USD.

Đồng thời, trang Daily Star cũng trích dẫn nội dung bài báo “Câu chuyện đơn giản về các sản phẩm phức tạp” đã thảo luận về huớng đi khác nhau của xuất khẩu hàng điện tử từ Bangladesh và Việt Nam để cho thấy việc Việt Nam đã vượt xa Bangladesh như thế nào. ​

Theo bài báo, hàng điện tử là một ví dụ về một sản phẩm phức tạp. Năm 1995, tổng thu nhập xuất khẩu hàng điện tử của Bangladesh tương đương với Việt Nam, cả về giá trị (khoảng 30 triệu USD) và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 1%). Hiện nay gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là hàng điện tử còn Bangladesh, tỷ trọng vẫn ở mức dưới 1%.

Cuối những năm 1980, Bangladesh ngang bằng Việt Nam, với dòng vốn FDI hai nước đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDP. Kể từ đó, tình hình đã được cải thiện đối với Bangladesh, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ; dòng vốn FDI vẫn ở mức dưới 2% GDP. Trong khi đó, Việt Nam mở cửa nền kinh tế, đặc biệt chú trọng đến việc thu hút vốn FDI. Cùng với đó, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó tỷ trọng xuất khẩu điện tử cao hơn nhiều.

Một trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam là Samsung. Tính đến cuối năm 2017, Samsung đã đầu tư 14 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 100.000 người Việt Nam. 30% sản lượng điện thoại di động toàn cầu của Samsung đến từ Việt Nam và chỉ riêng công ty đã chiếm gần 25% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Với Samsung, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, Intel đã mở cơ sở lắp ráp và kiểm tra trị giá 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam có vị trí vững chắc trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Câu chuyện về sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam thực sự là đáng suy nghĩ đối với Bangladesh. Khoảng một thập kỷ trước, công ty đã muốn đầu tư lớn nhưng Bangladesh không thể dung nạp do thiếu mặt bằng lớn. Khi Bangladesh tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và để lĩnh vực sản xuất cạnh tranh trên toàn cầu, cần nghiên cứu thật tốt và học những gì Việt Nam đã làm.

Trang Daily Star trích lời ông Mustafizur Rahman, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD), cho biết Việt Nam đã cải cách thông minh luật đầu tư và áp dụng các chính sách thương mại chiến lược, giúp Việt Nam thu hút FDI.

Một chính sách thương mại thông minh và chiến lược cũng góp phần tạo ra một cơ chế thuế quan thuận lợi cho Việt Nam đối với thương mại nước ngoài. Ví dụ, chế độ thuế quan Tối huệ quốc (MFN) đối với Việt Nam trung bình là 11,09%, trong khi mức thuế MFN của Bangladesh lại cao ở các quốc gia khác nhau.

Ông Syed Nasim Manzur, Giám đốc điều hành của Apex Footwear Ltd, nhà xuất khẩu giày dép hàng đầu và là nhà bán hàng trong nước cũng có ý kiến tương tự về việc Bangladesh đang ngày càng tụt hậu so với Việt Nam. Điển hình là việc hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu giày dép lớn thứ hai trên toàn thế giới với kim ngạch xuất khẩu giày trị giá 22,07 tỷ USD trong năm ngoái trong khi Bangladesh đứng thứ 17 về xuất khẩu giày trên toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu chỉ hơn 1 tỷ đô la.

Trích lời ông Manzur, cũng là cựu chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Metropolitan (MCCI), cho biết Bangladesh cần phải cải cách rất nhiều mới có thể theo kịp Việt Nam, bởi vì nhiều nhà đầu tư nổi tiếng toàn cầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì môi trường kinh doanh tốt và sự cởi mở trong các chính sách kinh tế và thương mại.

Ông cũng cho biết việc kinh doanh dễ dàng hơn, kết nối tốt hơn, tỷ giá hối đoái tốt hơn, chế độ thuế quan tốt hơn và chính sách hải quan tốt hơn đã giúp Việt Nam thu hút FDI trong khi Bangladesh không thể hoạt động tốt trong các lĩnh vực đó.

Ví dụ, ông cho biết thời gian thông quan hàng hóa trung bình từ hải quan Việt Nam là 2 đến 3 ngày trong khi ở Bangladesh thời gian trung bình để thông quan hàng hóa từ hải quan là 2 đến 3 tuần, theo Daily Star.

Rubana Huq, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, cho biết năng suất trong lĩnh vực sản xuất của Bangladesh cũng cần được cải thiện và học hỏi những kinh nghiệm từ Việt Nam.

Theo Daily Star, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đáng ghen tị của Việt Nam. Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) sắp có hiệu lực.

Nazneen Ahmed, chuyên gia kinh tế quốc gia của Văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Bangladesh, cho biết mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp với các nước cũng chính là điểm mạnh giúp Việt Nam thu hút vốn FDI. Trong khi Bangladesh tại quá tụt hậu.

Bảo Trâm (Theo Daily Star)

Bài mới
Đọc nhiều