‘Trạng cờ’ Vũ Huyên giúp vua Lê thắng trận trong bang giao cuộc cờ
Trong cuộc cờ đấu trí phân tài cao thấp, cũng là để tỏ rõ trí tuệ, Vũ Huyên giúp triều đình giữ được bản lĩnh nước Nam, mà sứ người cũng không bị thẹn vì thua.
Đất Bắc Hà nói về sự học, không đâu vượt nổi làng Mộ Trạch, người tài danh kẻ khoa bảng nhiều vô kể. Những vị danh khoa ấy của làng Mộ Trạch lại có nhiều tài năng vượt trội so với người thường, nên trong Công dư tiệp ký phần viết về Vũ Phòng, Vũ Phương Đề mới ghi là: “Người ta nói rằng huyện Đường An có bốn Trạng nguyên, một làng Mộ Trạch chiếm được cả. Tức Lê Nại là Trạng chữ kiêm Trạng ăn, Vũ Huyên là Trạng cờ.
Dân gian ta còn có câu“Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch” để chỉ làng Mơ bán rượu, mà từng có việc ông Nghè tương lai Nguyễn Bá Dương nhờ được gái kẻ Mơ trả tiền nợ ăn chịu rồi sau nên duyên vợ chồng. Còn việc cờ Mộ Trạch, cứ xem gương Vũ Huyên hẳn rõ.
Trong danh sách những ông trạng đất Mộ Trạch được nói tới ở trên, Vũ Huyên (1670-?), nhờ tài năng cao cờ xuất chúng mà ông giúp vua, giúp nước trong trận tỉ thí tay đôi trên bàn cờ khi tiếp sứ Trung Hoa. “Trạng cờ” là danh hiệu được phong, chứ không phải danh hiệu có được từ thi cử mà nên, bởi Vũ Huyên trong thực tế, đỗ tiến sĩ năm Ất Mùi (1715). Năm đó khoa thi Hội theo ghi chép của Đại Việt sử ký tục biên, ông là một trong 20 cống sinh đỗ tiến sĩ.
Tài đánh cờ của ông, theo ghi chép trong Hải Dương phong vật chí, đã toát lên từ ngay dáng hình khi mới chào đời: “từ khi sinh ra, ở giữa trán có gồ xương nổi lên như hình con cờ, lớn lên rất tinh thông về môn đánh cờ”. Kiến văn tiểu lục cũng có ghi chép tương tự thế. Tài năng phát tiết của ông, hẳn có nguồn gốc từ tông tộc họ Vũ đất Mộ Trạch, bởi Vũ Huyên là cháu tiến sĩ Vũ Đôn.
Câu chuyện về ván cờ lịch sử mà Vũ Huyên giúp vua Lê đánh thắng sứ Trung Hoa, được chép lại trong quyển 12 “Tùng đàm” nơi Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, xin dẫn ra đây cho được tỏ: “Lúc ấy có sứ thần Trung Quốc sang nước ta, tự phụ là tay cao cờ, yêu cầu đấu cờ với quốc vương, nhà vua muốn áp đảo viên sứ thần kia, bèn bí mật tìm tay cao cờ. Đình thần tâu là có Vũ Huyên, nhà vua sai chọn những tay cao cờ lúc bấy giờ, trước hết cho cùng Vũ Huyên so đọ, thì không ai có thể giỏi bằng Vũ Huyên cả”. Thế là chọn được tay cờ kiệt xuất trong cả nước, vua Lê bèn thi hành đắc kế.
Đắc kế ấy, vua dùng Vũ Huyên làm đường dẫn trong cuộc đấu cờ với sứ Trung Hoa. Vẫn sách trên, Lê Quý Đôn chép tiếp việc ấy như sau: “Nhà vua bèn cùng sứ thần Trung Quốc giao hẹn sẽ đấu cờ vào lúc giữa trưa ở sân rồng. Khi vào cuộc, mỗi bên đều để một người cầm dù che; còn các người khác đều phải tránh đi nơi khác. Cái dù che cho nhà vua đã chọc thủng một lỗ nhỏ ở bên trên từ trước, có thể thông được bóng nắng, Vũ Huyên cầm dù đứng hầu, nếu gặp nước cờ nào có thế lợi, Vũ Huyên liền dùng bóng nắng ở lỗ thủng chiếu xuống dẫn đường cho vua đi, quả nhiên nhà vua được thông luôn mấy ván, sứ thần Trung Quốc sợ phục. Nhà vua khen nghề đánh cờ của Vũ Huyên, ban cho danh hiệu là “Trạng cờ”, trong nước suy tôn là bậc cao cờ thứ nhất. Vì thế tục ngữ có câu: “rượu Hoàng Mơ, cờ Mộ Trạch”.
Có một điều gây thắc mắc ở đây là “Vũ Huyên liền dùng bóng nắng ở lỗ thủng chiếu xuống dẫn đường cho vua đi” trong cuộc đánh cờ với sứ Trung Hoa. Bóng nắng Vũ Huyên soi chiếu qua lỗ thủng vua nhìn thấy được, chẳng lẽ sứ Trung Hoa lại không thấy được ư? Nên lời kể của Bảng nhãn họ Lê, có phần gây việc ngờ lắm.
Riêng về thực tế diễn biến những nước cờ thần diệu ấy của vua tôi nhà Lê, Trần Lê Sáng trong bài viết “Về hai ván cờ nổi tiếng được chép trong kỳ phả nước ta” đăng trong Thông báo Hán Nôm học 2002 cho hay hai bộ kỳ phả là bộ Tương kỳ huyền bí cục và bộ Việt Nam Tượng kỳ phả đều có ghi lại chi tiết ván cờ bang giao ấy với sứ Trung Hoa là người cầm cờ đi trước:
“Từ khai cục, Trạng cờ Vũ Huyên đã dùng thế thắng trận Mã tiên phong, ý nhường khách, nhưng vẫn cơ động; tiếp đến cho Pháo quá cung đứng sau Mã, một lối xuất quân đặc biệt của danh thủ nước ta; Tốt 3 tiến nhưng không quá ép khách. Ở nước thứ 18, Xe 2 thoái 5 là nước cờ được sách Hải Dương phong vật chí do Đạm Trai Trần Huy Phác soạn rất khen ngợi, quả là nước cờ rất khiêm tốn mà cũng cao tuyệt. Từ trung cục cho đến tàn cục, Trạng cờ Vũ Huyên vẫn tỏ ra nhường khách, ít mưu tử (ăn cây) mà tập trung vào thế cờ; cuối cùng thắng trong không khí vui vẻ. Người xưa vẫn cho rằng, kỳ đạo với nhân sinh tương thông; giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật chơi cờ có lẽ là ở chỗ ấy vậy”.
Từ sau lần giúp vua đánh thắng sứ Trung Hoa trong cuộc cờ, không chỉ danh tiếng của Trạng cờ Vũ Huyên nổi như cồn, mà đất Mộ Trạch cũng theo đó thơm lây. Ca dao nay vẫn còn truyền:
Trạng cờ Mộ Trạch càng ghê
Sứ Yên thua cuộc rút xe về thành.
Trần Đình Ba
(Theo Zing News)