Trang bị vũ khí cho CSGT có cần thiết hay không?
Đề xuất cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ được trang bị vũ khí trong những ngày qua thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Có nhiều người ủng hộ và cũng có người phản đối. Mấu chốt của việc này ở chỗ: Trang bị vũ khí cho CSGT có cần thiết hay không?
Trước thực tế tội phạm hoạt động ngày càng manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí, tước đoạt tính mạng bất cứ ai cản đường, thì việc cấp vũ khí sát thương, súng ngắn, súng trường cho CSGT là cần thiết.
Thứ hai: Trong 6 tháng đầu năm, CSGT cả nước xử lý hơn 250 tài xế dương tính với ma túy; trên 78.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng này cũng phát hiện, bắt giữ 340 vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ 962 bánh heroin, hơn 50 kg ma tuý đá và gần 98.000 viên ma tuý tổng hợp. Vậy thì trong trường hợp CSGT đi tuần hoặc đang chốt trạm mà phát hiện đối tượng buôn bán – vận chuyển ma túy có vũ khí, hay đối tượng khủng bố có vật liệu nổ, chúng sẵn sàng làm mọi cách để tẩu thoát thì CSGT phải làm sao? Nếu không có súng đạn thật thì có kịp ngăn chặn bọn chúng? Luật hình thành không phải chỉ bởi vì sai phạm đã xảy ra, mà luật ra đời còn vì mục đích cao hơn là ngăn chặn, răn đe, để giảm thiểu những mất mát.
Với đề xuất cảnh sát giao thông được trang bị thêm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông cũng đã cho biết, nếu đề xuất này được thông qua, Bộ Công an còn phải căn cứ trên tình hình thực tế mà quyết định trang bị vũ khí gì cho phù hợp. Điều này có nghĩa, không phải CSGT nào cũng được cấp đầy đủ các loại súng đề xuất nêu trên.
Còn về việc làm sao để giải tỏa nỗi lo của người dân lo ngại việc tăng công cụ cho CSGT sẽ có sự lạm quyền, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể những trường hợp nào CSGT được phép nổ súng đạn thật mà không cần cảnh báo, không cần xin ý kiến; Sử dụng vũ khí nào, trong trường hợp nào để vô hiệu hóa đối tượng, và được bắn vào đâu trên cơ thể người vi phạm cũng cần quy định rõ.
Nói thêm về việc cấp vũ khí cho CSGT, ai được cấp súng và trách nhiệm của người được cấp súng như thế nào phải được quy định chi tiết. Cơ quan chức năng cũng phải đảm bảo công tác quản lý cần phải được siết chặt. Cơ quan chức năng cần phải vừa đảm bảo người thi hành công vụ có thêm sự chủ động trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, nhưng cũng phải vừa đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm của người dân. Nếu có những quy định cụ thể về việc CSGT được cấp, sử dụng vũ khí, thiết nghĩ sẽ đảm bảo tính mạng con người hơn, xã hội yên tâm hơn và nó cũng sẽ đảm bảo sự giám sát của người dân, việc truy cứu trách nhiệm của người nổ súng cũng sẽ dễ hơn. Có như vậy, an ninh trật tự mới ngày càng được đảm bảo và sự phục vụ, cống hiến của CSGT nói riêng, ngành Công an nói chung sẽ toàn diện hơn, ngày càng chất lượng.
Tường Vi