Trang bị súng cho CSGT để làm gì?
Liên quan đến vụ một nam thanh niên dùng kéo đâm chết bạn gái ngay giữa đường, đại diện lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo, giáng bậc hàm đối với một Trung tá CSGT do thiếu trách nhiệm trong tình thế cấp bách cần bảo vệ tài sản, tính mạng của người khác. Thẳng thắn thừa nhận, cái chết của cô gái trẻ ấy có một phần trách nhiệm của CSGT nhưng nhìn một cách tổng quan thì đó lại là một câu chuyện khác. Phải chăng tại thời điểm đó CSGT thiếu công cụ can thiệp vào sự việc? Cụ thể là vũ khí, trang thiết bị chống trả và cả những quy định về nổ súng,…
Trung tá CSGT bất lực trước việc nam thanh niên sát hại bạn gái dã man giữa đường.
Mới đây thôi, trong “Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông”, Bộ Công an đã đề xuất và lấy ý kiến đóng góp việc trang bị thêm súng trường, tiểu liên và súng bắn đạn cao su cho CSGT khi làm nhiệm vụ. Đề xuất này không chỉ nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo dư luận mà còn là cái cớ để một số tài khoản cá nhân, trang mạng rêu rao “Bộ Công an trang bị vũ khí sát thương cho CSGT để trấn áp người dân”.
Chưa rõ, “CSGT trấn áp dân” như thế nào nhưng thực tế thời gian qua CSGT đối mặt với không ít người vi phạm thuộc dạng “đầu gấu”, không chỉ là hành động chạy trốn, lẩn tránh mà khi bị phát hiện vi phạm, nhiều trường hợp còn chống trả, tấn công các chiến sỹ. Dù lúc đó anh CSGT có một khẩu súng AK trong tay thì cũng chẳng được phép bắn chỉ thiên. Thứ duy nhất có thể làm đó là dùng nó đập vỡ cửa kính, cứng rắn yêu cầu thanh niên vi phạm chui ra khỏi xe mà thôi.
Xem những tình huống như vậy, tôi chỉ ước CSGT Việt Nam sẽ được trang bị súng đạn cao su hay súng trường gì đó như CSGT Mỹ để tăng tính răn đe. Ở Mỹ, chỉ cần có dấu hiệu manh động thôi, cảnh sát với khẩu súng trong tay đã lao tới khống chế, thậm chí trong tình huống khẩn cấp, họ được toàn quyền bắn cảnh cáo hoặc bắn thật luôn chứ không phải thực hiện từng bước thuyết phục, giáo dục, cưỡng chế như ở nước ta.
Ở Nhật, CSGT cũng được trang bị súng ngắn bởi lực lượng này gánh vác rất nhiều trọng trách khác nhau. Việc cấp súng cho CSGT ở các nước tiên tiến là chuyện rất bình thường, vậy mà một số kẻ cơ hội chính trị và trang mạng phản động vẫn cố tình đưa ra luận điệu “gia tăng quyền lực cho CSGT trấn áp người dân” để kích động tâm lý người dân. Nếu cứ tìm lý do thay vì góp ý cơ chế quản lý súng thì đừng hỏi vì sao CSGT nước ta không thể khống chế được tội phạm nguy hiểm. Nói đơn giản trong hoàn cảnh vụ nam thanh niên đâm chết bạn gái ở giữa đường, nếu anh ta được trang bị thêm súng kèm theo nguyên tắc sử dụng thì có thể đã có một kết cục khác. Chứ mọi người đừng xem CSGT là thánh thần nhất nhất hy sinh bảo vệ người khác tuyệt đối, họ cũng là một người đi làm nhận lương, một người có quyền sống bình thường như bao người khác mà thôi.
Việc truy bắt, khống chế tội phạm ngày nay cũng giống như cha ông ta đánh giặc trong quá khứ, không thể tay không bắt giặc được, khi xưa có gậy gộc, chông tre, súng, đại bác thì ngày nay cũng cần có công cụ hỗ trợ đắc lực như vậy. Đại biểu Quốc hội khóa XIII Phạm Trường Dân khẳng định: “CSGT là một bộ phận trong lực lượng công an nhân dân đã được hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo về việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ. Do vậy, khi được giao công cụ hỗ trợ thì sẽ làm tốt hơn chức năng phòng ngừa và trấn áp tội phạm”. Còn luật sư Đặng Văn Cường thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Tình hình an ninh trật tự trên các tuyến giao thông hiện nay có những diễn biến phức tạp, tình trạng buôn bán ma túy trước kia tính bằng cân, bằng lạng, còn hiện nay, tính bằng tấn. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc đối tượng buôn bán ma túy chống trả lực lượng CSGT quyết liệt, dẫn đến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Vì vậy trang bị vũ khí để tăng cường sức mạnh của lực lượng CSGT khi khống chế, bắt giữ đối tượng phạm tội”.
Rõ ràng, việc trang bị thêm súng cho CSGT nhằm hướng đến tội phạm chứ hoàn toàn không có dân ở đây. Trên thực tế, chúng ta đã thấy trường hợp nào CSGT tùy tiện bắn vào người dân hay chưa? Hay thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là một số cán bộ, chiến sỹ mâu thuẫn rồi bắn hạ nhau ở đâu đó? Chúng ta không thể dùng lỗi sai của một cá nhân để quy kết tội cho cả tập thể hay bác bỏ mọi sáng kiến phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội tốt hơn được. Mà cũng nói thật lòng thật dạ thế này, nếu “CSGT đã muốn trấn áp dân” thì liệu có cần phải sử dụng đến súng?
Chúng ta đã Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, nếu giờ đây có thêm một quy định cụ thể địa bàn, trường hợp được dùng phương tiện kỹ thuật hay vũ khí để ngăn chặn, bắt giữ đối tượng hoặc trường hợp được phép nổ súng,… thì có lẽ không ai dại dột mà sử dụng súng một cách tùy tiện, thích nổ là nổ để lãnh án kỷ luật, giáng cấp hàm, mất chức hoặc đi tù.
Đặng Trường