+
Aa
-
like
comment

Trận ‘so găng’ đầu tiên Trump-Biden quan trọng tới mức nào?

29/09/2020 06:00

Cuộc tranh luận đầu tiên trước tổng tuyển cử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với đối thủ Joe Biden có thể trở thành tâm điểm chú ý.

Theo lịch đã công bố, ông Trump và ông Biden sẽ tham gia tổng cộng 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước ngày bỏ phiếu quốc gia 3/11. Ủy ban Tranh biện Tổng thống Mỹ cho hay, các sự kiện sẽ lần lượt diễn ra ở Cleveland, bang Ohio vào ngày 29/9 (giờ Mỹ); ở Miami, bang Florida ngày 15/10 và ở Nashville, bang Tennessee ngày 22/10.

Trận 'so găng' đầu tiên Trump-Biden quan trọng tới mức nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với đối thủ Joe Biden tại Cleveland vào ngày 29/9. Ảnh: Nikkei

Dư luận đang ngóng chờ màn thể hiện của hai chính khách này trong trận “so găng” đầu tiên ở Cleveland, sự kiện được tin có thể ảnh hưởng lớn đến cơ hội thắng cử năm nay của họ.

Nội dung tranh luận

Chris Wallace, biên tập viên chương trình tin tức Fox News Sunday, người đóng vai trò dẫn dắt cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden đã lựa chọn 6 chủ đề cho trận so găng này, bao gồm hồ sơ của hai chính khách, tòa án tối cao, kinh tế, đại dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố cũng như tính toàn vẹn của bầu cử.

Sputnik trích dẫn lời Eric S. Heberlig, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Bắc Carolina nhận định, sự kiện diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Thứ nhất, Tổng thống Trump đang tạm thua đối thủ về tỉ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, nên ông cần thể hiện tốt trong các cuộc tranh luận để thay đổi động lực của chiến dịch vận động tranh cử.

Thứ hai, vì là đương kim lãnh đạo chính phủ, nên ông Trump dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều câu chất vấn về thành tựu cũng như các quyết định trên cương vị điều hành đất nước, đồng nghĩa với việc ông Biden có cơ hội tấn công còn ông Trump phải sẵn sàng ở thế phòng thủ và biện hộ.

Thứ ba, mặc dù ông Trump đã cố gắng khắc họa ông Biden là người già cả, không đủ minh mẫn để lãnh đạo Nhà Trắng, nhưng nếu gương mặt đại diện đảng Dân chủ thể hiện mọi chuyện với ông vẫn ổn, mọi người có thể kết luận rằng ông đã chiến thắng trong cuộc tranh luận vì đã vượt được kỳ vọng, ngay cả khi màn thể hiện đó không đặc biệt ấn tượng.

Theo chuyên gia phân tích chính trị Scott Bennett, ông Trump nhiều khả năng sẽ “dẫn dắt nhịp độ và chiều sâu của cuộc tranh luận”. Ông Bennett cho rằng, lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm không chỉ quen với bối cảnh xung đột vào thời điểm này, mà còn có thể biến nó thành lợi thế. Ngược lại, ông Biden có thể chứng tỏ bản thân không thể chống chịu được xung đột hay sự giám sát và có khả năng trở nên “bối rối, phòng thủ và thù địch trong lúc tranh luận”.

“Ông Trump sẽ cố gắng chĩa búa rìu công kích vào tuổi tác và tính cách của ông Biden như từng làm với bà Hillary Clinton hồi năm 2016. Ông Trump cũng sẽ tìm cách hướng cuộc tranh luận tránh xa khỏi chủ đề đại dịch, điều ông được cho là làm không tốt theo kết quả khảo sát dư luận”, David Schultz, giáo sư chính trị học tại Đại học Hamline bình luận.

Giáo sư Schultz tin rằng, ông Trump sẽ tận dụng cơ hội để gắn đối thủ với làn sóng biểu tình bạo lực khắp toàn quốc nhằm đòi công bằng sắc tộc sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd trong tay cảnh sát da trắng hồi tháng 5. Về tòa án tối cao, ông Trump dự kiến sẽ tìm mọi cách kêu gọi thêm sự hậu thuẫn của người ủng hộ đối với quyết định chọn một thẩm phán bảo thủ thay thế nữ thẩm phán lừng danh Ruth Bader Ginsburg qua đời mới đây.

Học giả Schultz cho rằng, để thắng ông Trump, ông Biden “trước tiên cần phải chứng minh rằng ông ấy sẵn sàng cho trọng trách” và “bơm thêm hứng thú vào chiến dịch vận động tranh cử nhàm chán và mờ nhạt của mình”. Cựu phó Tổng thống nhiều khả năng sẽ nhắm công kích ông Trump về cách ứng phó đại dịch Covid-19, nền kinh tế đang suy yếu, quyền nạo phá thai và vấn đề chăm sóc y tế để giành được sự ủng hộ của các cử tri tại những bang còn đang do dự.

Tầm quan trọng của trận so găng đầu tiên

Rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh sự kiện sắp tới, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố hồi tháng 8 rằng, bà không nghĩ nên có bất kỳ cuộc tranh luận nào giữa hai ứng viên tổng thống. Tuyên bố từng làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Biden.

Mặc dù nhóm vận động tranh cử của ông Biden nhiều lần khẳng định cựu Phó tổng thống sẽ chấp nhận mọi cuộc tranh luận do Ủy ban Tranh biện tổng thống lên lịch, nhưng xuất hiện trên chương trình This Morning của kênh CBS hôm 25/9 vừa qua, bà Pelosi vẫn nhất quyết phản đối các sự kiện như vậy với lí do “ông Trump sẽ không nói sự thật”.

Tuy nhiên, các học giả như chuyên gia phân tích Bennett đánh giá, dư luận luôn chờ đợi những cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tổng thống, đặc biệt là trận so găng đầu tiên để “chốt” gương mặt họ sẽ chọn bỏ phiếu ủng hộ làm lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo.

Cùng quan điểm, giáo sư Schultz cho rằng, cuộc tranh luận Trump Biden đầu tiên vào ngày 29/9 có thể thu hút lượng khán giả theo dõi lớn hơn nhiều so với trận so găng Clinton Trump cách đây 4 năm và có thể quyết định kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Ông Schultz tin, khán giả Mỹ sẽ chú ý tới cả những chi tiết nhỏ nhất của cuộc tranh luận cũng như các phát biểu “sảy miệng” hay sai lầm của hai ứng viên.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát khác, các trận so găng trực tiếp chủ yếu chỉ tác động đến những cử tri độc lập, vẫn còn do dự. Lí do vì đa số các cử tri Cộng hòa hay Dân chủ đến thời điểm này đã có quyết định về ứng viên họ ủng hộ.

Có thể thay đổi cơ hội thắng cử?

“Trong 60 năm qua, các cuộc tranh luận giữa những ứng viên tổng thống đã trở thành những sự kiện chính trị quan trọng trong bầu cử Mỹ. Cuộc tranh luận Nixon Kennedy nổi tiếng năm 1960 đã mở ra kỷ nguyên truyền hình của nền chính trị Mỹ”, học giả Schultz nói. Ông nhấn mạnh rằng, các sự kiện tranh luận trực tiếp như vậy thường tạo ra những phát biểu, hình ảnh trực quan hoặc cảnh tượng đáng nhớ, có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

Đến nay, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, Richard Nixon đã thất bại trước đối thủ Dân chủ John Kennedy, một phần vì ông Kennedy có màn thể hiện tốt hơn trong các trận so găng trên truyền hình. Trong khi đó, ông Nixon, do mới ra viện và không trang điểm khi lên hình nên trông nhợt nhạt và đổ mồ hồi thấy rõ trong lúc tranh luận với đối thủ, dù nhiều người nghĩ cách lập luận của ông khá tốt.

Tương tự, trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa Jimmy Carter và Ronald Reagan năm 1980, ông Reagan được tin đã ghi điểm trước đương kim tổng thống nhờ hỏi công chúng Mỹ rằng liệu họ có khấm khá hơn thời điểm cách đó 4 năm hay không, gợi nhắc tình trạng ảm đạm của nền kinh tế vào thời điểm hiện tại. Và đây được coi là một bước ngoặt góp phần đem lại chiến thắng trong bầu cử năm đó cho ông Reagan.

Giáo sư Schultz cũng đề cập đến sự kiện năm 1992, khi Tổng thống George H.W Bush không thể mô tả các vấn đề trong nền kinh tế ảnh hưởng đến cá nhân ông như thế nào và sau đó nhìn đồng hồ giữa cuộc tranh luận trực tiếp trước bỏ phiếu với đối thủ Bill Clinton. Theo ông Schultz, hình ảnh đó đã vẽ nên bức tranh của một lãnh đạo Nhà Trắng xa rời thực tế, không còn gắn kết với người dân Mỹ.

Mặc dù không thể chứng minh bất kỳ khoảnh khắc nào như vậy đã thay đổi quỹ đạo của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chúng chắc chắn là những hình ảnh ấn tượng, có thể phần nào tác động đến suy nghĩ của các cử tri khi họ đi bỏ phiếu.

Tuấn Anh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều