+
Aa
-
like
comment

Tràn lan video nhảm trên mạng: Mấu chốt không chỉ là xử phạt

21/10/2020 07:05

“Mấu chốt quan trọng ở đây không phải chỉ là xử phạt, xử lý theo sự vụ mà là thay đổi được nhận thức và hành vi không đúng của những chủ kênh YouTube, hướng họ cung cấp các nội dung tích cực”.

Hưng Vlog (người cầm con gà) hai lần bị xử phạt vì đăng tải các nội dung không phù hợp, trái thuần phong mỹ tục lên mạng xã hội

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên.

Dưới góc độ người làm công tác quản lý nhà nước, bà đánh giá thế nào trước tình trạng ngày càng nhiều video có nội dụng phản cảm, nhảm nhí được chia sẻ trên mạng xã hội?

Qua phản ánh của báo chí cho thấy tình trạng trên mạng xã hội, YouTube có xuất hiện một số video thực hiện các trò “troll” (tạm dịch là chơi khăm- PV) nhằm câu view, câu like có nội dung nhảm nhí, phản cảm, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ. Thậm chí một số kênh, video dành cho trẻ em nhưng có hình ảnh, hành động không phù hợp, kích động bạo lực… Nhiều kênh YouTube như vậy lại được giới trẻ theo dõi đông đảo và được chia sẻ tiền quảng cáo lớn từ phía YouTube.

Cục PTTH&TTĐT nhận thấy đây là tình trạng cần được cảnh báo, lên án từ các cơ quan truyền thông và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm từ cơ quan quản lý nhà nước.

Cục PTTH&TTĐT đã có biện pháp kiểm soát, xử lý như nào đối với những trang mạng và kênh Youtube cá nhân vi phạm?

Thực trạng này đã được Cục PTTH&TTĐT nhiều lần cảnh báo và yêu cầu Công ty Google tăng cường xử lý các kênh YouTube không phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, tuy nhiên việc xử lý của Google còn chậm và chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh việc yêu cầu Google tăng cường kiểm soát, xử lý các nội dung không phù hợp, Cục PTTH&TTĐT cũng đã phối hợp với các cơ quan quản lý tại các địa phương rà soát, theo dõi, nắm bắt để xử lý nghiêm các vụ việc đăng phát các video trên YouTube vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ngày 12/10/2020, Cục đã có văn bản gửi các Sở TTTT các địa phương đề nghị tăng cường rà soát, chủ động xử lý các cá nhân, tổ chức tại địa phương có hành vi sản xuất, phát hành các kênh, video có nội dung vi phạm trên Youtube và Facebook.

Đối với vụ việc xử lý cụ thể, gần đây nhất Cục đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang để xử phạt YouTuber Hưng Vlog hai lần vì những clip phản cảm như “nấu cháo gà nguyên lông” và “lấy trộm tiền trong heo đất”. Hiện tại, sau khi được Cục yêu cầu, YouTube đã tắt chế độ kiếm tiền của kênh Hưng Troll.

Bà có khuyến cáo gì với phụ huynh trong việc giúp họ quản lý, hạn chế con em mình xem các video nhảm trên mạng?

Mấu chốt quan trọng ở đây không phải chỉ là xử phạt, xử lý theo sự vụ mà là thay đổi được nhận thức và hành vi không đúng của những chủ kênh YouTube, hướng họ cung cấp các nội dung tích cực. Đây là mới là điều cơ quan quản lý nhà nước muốn hướng tới và là điều cần thiết vai trò đồng hành của các cơ quan truyền thông trong việc phát hiện, phê phán các trường hợp vi phạm và định hướng, khuyến khích phát triển các nội dung hay, kênh hữu ích để người sử dụng, đặc biệt là trẻ em tiếp cận.

Cục PTTH&TTĐT cũng mong người sử dụng chủ động sử dụng chức năng thông báo (report) vi phạm do YouTube cung cấp để yêu cầu YouTube xử lý các video, kênh không phù hợp và đồng thời thông báo cho Cục các trường hợp vi phạm để theo dõi, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc theo sát và chấn chỉnh hành vi cho con em mình do ảnh hưởng của các nội dung tiêu cực trên môi trường mạng. Môi trường mạng là ảo nhưng các tác động của nó đến con em chúng ta là thật. Rất mong các bậc phụ huynh và gia đình quan tâm, kịp thời chấn chỉnh cho các cháu. Có thể sử dụng YouTube Kid hoặc cơ chế kiểm soát nội dung đối với con trẻ  do YouTube cung cấp như một công cụ giúp hạn chế tình trạng các cháu tiếp xúc, học theo các ngôn từ và hành vi tiêu cực.

Cảm ơn bà!

Điều 101 – Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) quy định: 

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.

Xuân Ân – Dương Lê/TP

Bài mới
Đọc nhiều