Trận chiến phải thắng dù không dễ thắng
Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có nhận thức thống nhất khá sâu rộng về sự cần thiết phải đối phó với tin giả. Tin giả không chỉ là chuyện truyền thông thuần túy mà còn là chuyện chính trị, kinh tế, văn hóa và đạo đức, động chạm đến an ninh quốc gia và chính trị thế giới.
Cách ứng phó
Về lý thuyết cũng như trên thực tế, muốn đẩy lùi và thậm chí tiêu diệt nạn tin giả, cuộc chiến chống tin giả phải được tiến hành đồng thời nhằm vào nguồn phát của tin giả, tức là gốc của tin giả, nhằm vào quá trình phát tán tin giả và nhằm vào nơi sử dụng tin giả. Vấn nạn tin giả vận hành theo chu trình “sản xuất – lưu hành – sử dụng” tin giả và do vậy liên quan trực tiếp đến con người sản xuất ra và sử dụng tin giả cũng như môi trường phát tán tin giả như các mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông đại chúng.
Mỗi nước có cách thức và biện pháp chống tin giả khác nhau, ban hành luật pháp và quy định với mức độ chế tài khác nhau. Đồng thời các quốc gia còn có các quy định chung về chống tin giả trong khuôn khổ những thỏa thuận song phương cũng như đa phương giữa các quốc gia và tổ chức với nhau.
Trận chiến này không dễ thắng bởi sự phân định giữa thật và giả không hề dễ dàng, bởi việc truy sát tận gốc không đơn giản, bởi việc kiểm soát “thế giới ảo” vốn là vùng đất thánh chính của tin giả rất phức tạp, kỳ công và tốn kém.
Cách thức ứng phó với tin giả của các nước trên thế giới gần như đều bao hàm những yếu tố sau:
Thứ nhất, luật hóa việc chống tin giả. Cơ sở pháp lý là cần thiết để bảo đảm tính nhà nước pháp quyền trong cuộc chiến với tin giả. Luật pháp liên quan mà các quốc gia như Đức, Nga, Pháp hay Singapore… ban hành đều bao hàm những quy định rất cụ thể và rõ ràng về định tính hóa và định lượng hóa những tiêu chí để chế tài mọi hành động và cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sản xuất tin giả, phát tán tin giả cũng như sử dụng tin giả. Điều quan trọng, các quy định đều phân loại các loại tin giả để có cơ sở đánh giá mức độ nguy hại của tin giả, sau đó xác định mức độ trách nhiệm của các bên liên quan trước pháp luật.
Thứ hai, các nước đều thành lập một cơ quan chuyên trách hoặc không chuyên trách hoặc nhóm tư vấn cho Chính phủ về vấn nạn tin giả và cuộc chiến chống tin giả. Nhóm hoặc cơ chế này thường có hai nhiệm vụ chính là tư vấn chính sách cho chính phủ và tư vấn cho chính phủ về giải pháp cho các vấn đề nảy sinh trên thực tế trong quá trình thực hiện luật về chống tin giả.
Thứ ba, các nước đều rất coi trọng việc ràng buộc các hãng cung ứng dịch vụ và hoạt động kinh doanh trên mạng Internet mà có thể được sử dụng vào việc sản xuất, lưu hành và sử dụng tin giả. Đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đa phương tiện. Thứ tư, cuộc chiến chống tin giả được nhìn nhận là một trong những biện pháp quan trọng và quyết định nhằm bảo vệ an ninh mạng cho các quốc gia. Tức là coi chống tin giả không khác gì đối phó với chiến tranh trên mạng.
Để “cuộc chiến” thắng lợi
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc siết chặt luật pháp liên quan và chế tài nghiêm minh còn có hai tác nhân quyết định và quan trọng khác góp phần vào chiến thắng trong cuộc chiến chống tin giả.
Một là hợp tác quốc tế. “Thế giới ảo” không có biên giới và đối thủ phải đối phó trong cuộc chiến chống tin giả thường vô hình. Nếu không hợp tác hiệu quả với nhau, các nước không thể giành được phần thắng trong cuộc chiến tranh chống tin giả. Điều này đòi hỏi các nước cần có mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương tin cậy, chặt chẽ và hiệu quả cũng như những thỏa thuận pháp lý với nhau về hợp tác cùng chống tin giả.
Ở đây thể hiện rõ cách tiếp cận, phải coi việc chống tin giả là nhiệm vụ của quốc gia đối với chính quốc gia ấy và là trách nhiệm của quốc gia ấy đối với các đối tác của mình trên thế giới.
Vì thế, nhìn vào thực trạng hiện tại trong hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới về chống tin giả có thể thấy, mức độ hợp tác chưa đủ chặt chẽ để góp phần bảo đảm các nước sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống tin giả.
Hai là tăng khả năng đề kháng của người dân, xã hội và nhà nước trước tác động của tin giả. Chống tin giả thành công đòi hỏi phải có nhận thức tỉnh táo và lành mạnh về mọi thông tin khi tiếp cận thông tin hoặc bị thông tin tiếp cận để phát hiện và loại trừ tin giả chứ không để cho bị tác động bởi tin giả hoặc vô tình tiếp tay cho việc lưu thông hay sử dụng tin giả. Việc này có thể diễn giải ra một cách đơn giản, nhưng thực hiện cụ thể lại rất khó khăn và phức tạp.
Trong thời đại tin giả hoành hành và phát tác, điều có ý nghĩa quyết định là gây dựng và phát triển cái gọi là văn hóa tiếp cận thông tin lành mạnh, đúng đắn và khoa học. Ví dụ, cần phải tạo ra được thói quen sử dụng thông tin nguồn, kiểm chứng thông tin trước khi xử lý và sử dụng thông tin…
Tin giả sử dụng báo chí và truyền thông đa phương tiện để phát tán. Vì thế, bản thân báo chí và truyền thông đa phương tiện có vai trò và cả trách nhiệm đặc biệt to lớn trong cuộc chiến chống tin giả, nếu như không muốn nói là phải đi đầu trong cuộc chiến này./.
(Theo Người Làm Báo)