Trần Bắc Hà, quyền lực khuấy động tỷ USD, cuối đời lao lý đột tử
Ông Trần Bắc Hà cựu chủ tịch BIDV là một trong số rất ít đại gia ngân hàng nổi tiếng rộng khắp và có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, cuối đời ông lại sa cơ và sụp đổ.
Ông trùm ngân hàng
Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có lẽ không mấy ai không biết đến cái tên Trần Bắc Hà. Không dưới 2 lần xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt đã khiến TTCK lao dốc, bốc hơi nhiều tỷ USD.
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, tại Hà Tây, nguyên quán Bình Định, tốt nghiệp cử nhân Tài chính kế toán. Ông bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (BID) từ đầu năm 1981. Khoảng 10 năm sau đó, ông trở thành Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.
Tháng 10/1999, ông trở thành Phó Tổng giám đốc BIDV. Từ tháng 5/2003 đến tháng 12/2007, ông Trần Bắc Hà là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV.
Sau gần 9 năm ở vị trí ghế nóng, ông Hà nghỉ hưu từ 1/9/2016.
Ông Trần Bắc Hà được xem là người quyền lực nhất ở BIDV trong một thời gian dài và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BIDV một trong 4 ngân hàng nguồn gốc quốc doanh có ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính.
Trong 35 năm làm việc tại BIDV, ông Trần Bắc Hà giữ vị trí chủ tịch HĐQT gần 9 năm. Trước đó, ông có thời gian dài gắn bó với BIDV từ lãnh đạo chi nhánh lên đến Tổng giám đốc.
Hồi tháng 8/2017, TTCK Việt Nam rúng động, các cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) giảm sàn sau khi có tin đồn cựu chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà bị bắt. Tin đồn sau đó đã được bác bỏ nhưng cổ phiếu BIDV vẫn “trắng bên mua”. Vốn hóa trên TTCK bốc hơi tổng cộng 1,8 tỷ USD với hầu như toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng tụt giảm mạnh.
Đầu năm 2013, giới đầu tư cũng truyền tai nhau tin đồng ông Trần Bắc Hà bị bắt. TTCK trong cùng ngày đã giảm chung khoảng 4%, bốc hơi khoảng 1,6 tỷ USD.
Ông Trần Bắc Hà là người có nhiều phát ngôn gây bão dư luận.
Cuối năm 2012, đánh giá về thị trường bất động sản sau khi bong bóng vỡ, ông Hà cho rằng, bệnh của thị trường BĐS khi đó “nặng lắm rồi” và “nếu nó chết lâm sàng thì làm sao mà cứu nổi”.
Ông Trần Bắc Hà cũng cho rằng không nên quản lý tín dụng BĐS nữa (siết room tín dụng ở mức 16%), không nên xem BĐS như tội đồ và cần xem như các đối tượng chính sách.
Ở vào thời điểm đó, phần lớn cổ phiếu trên sàn đồng loạt bị bán tháo; giá vàng, đồng USD rầm rập tăng. Các nhà đầu tư gọi điện khắp nơi hỏi thông tin và nhìn nhau bấm nút bán vì không hiểu chuyện gì sẽ đến, điều tồi tệ sẽ đến đâu.
Những giai thoại về ông Trần Bắc Hà khá nhiều, từ những mối quan hệ ở tầm cao, khối tài sản ngầm khổng lồ cho đến những hành động mà ít người có thể tưởng tượng. Trong cả thập kỷ, quyền lực của ông Trần Bắc Hà ở BIDV là số 1 nhưng ở bên ngoài ngân hàng này có lẽ cũng là hiếm có.
Cuối đời sóng gió
Gần 1 năm sau khi ông Hà nghỉ hưu, TTCK vẫn còn rúng động với tin đồn ông trùm ngân hàng một thời bị bắt. Tin đồn rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông Hà có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng dưới thời Phạm Công Danh. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Hà nói vẫn bình thường.
Dưới thời Trần Bắc Hà, BIDV gặp một số vấn đề, đó là khoản nợ khổng lồ của CTCK Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức).
Ông Trần Bắc Hà không có mặt trong cả 3 lần tại tòa với tư cách người có nghĩa vụ liên quan trong đại án Phạm Công Danh với lý do điều trị bệnh ung thư.
Sau khi Trần Bắc Hà nghỉ hưu, vợ con nguyên chủ tịch BIDV cũng đã đồng loạt rút khỏi vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp lớn. Cuối 2017, bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) không còn đảm nhiệm cương vị TGĐ kiêm người đại diện pháp luật của Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, đơn vị chủ sở hữu Khu nghỉ dưỡng 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn (Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhon).
Hồi đầu tháng 11/2017, con trai ông Trần Bắc Hà Trần Duy Tùng cũng từ chức sếp lớn Cảng Quy Nhơn sau một thời gian nắm giữ chức vụ lãnh đạo tại doanh nghiệp quê nhà.
Trong một kết luận cuối tháng 5/2018, ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra TƯ kết luận có những vi phạm rất nghiêm trọng và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đó có sai phạm trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Hai năm sau khi nghỉ hưu, cái tên Trần Bắc Hà vẫn chưa hết hot. Và cũng sau ngần ấy thời gian khi ông Hà rời chức, các vị trí lãnh đạo cao cấp BIDV mới được hoàn thiện.
Tới cuối 2018, vợ con ông Trần Bắc Hà thoái lui hoàn toàn khỏi vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp lớn và các khối tài sản ngàn tỷ, không đứng tên hầu như toàn bộ các tài sản, bao gồm cả khu nghỉ dưỡng ngàn tỷ tại Bình Định.
Trước khi bị Uỷ ban Kiểm tra TƯ đề nghị kỷ luật, ông Trần Bắc Hà và vợ, con có khối tài sản khổng lồ với hàng loạt tài sản, dự án khủng được triển khai từ Việt Nam sang đến Lào.
Một trong những tài sản lớn từng thuộc sở hữu của nhà ông Trần Bắc Hà là Khu nghỉ dưỡng 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn, tọa lạc trên khu đất có diện tích hàng chục ngàn mét vuông, nằm sát và dọc theo khoảng 500m bờ biển trung tâm TP. Quy Nhơn. Khu resort này nằm ngay trên khu đất vàng, nơi có giá thị trường cả trăm triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, gia đình ông Hà còn sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn như CTCP Tập đoàn An Phú do con trai ông Hà là Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng do con gái Trần Lan Phương đứng tên,…
Các công ty này đều có vốn vài trăm tỷ đồng và có trụ sở tại 01 Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, Bình Định, trùng với địa chỉ của Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhon.
Các công ty này được giao đầu tư dự án khu đô thị tại khu đất vàng nhiều hecta tại thành phố Quy Nhơn, nhưng sau đó đã bị thu hồi.
Trước đó, năm 2009, khi đang giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà cũng triển khai xây dựng dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định với số vốn 500 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai xây dựng dự án đều do những người trong gia đình ông Hà điều hành.
Theo báo NLĐ, năm 2016, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Trần Bắc Hà cùng một số người trong gia đình sang nước Lào thuê một ngôi biệt thự rộng hơn 1.000 m2 tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak để ở và thành lập Công ty Sy Bun Huong. DN này triển khai hàng loạt dự án trồng cây nông nghiệp.
Tuy nhiên, cuối tháng 11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Trần Bắc Hà cùng 3 thuộc cấp bị khởi tố và điều tra về những sai phạm liên quan đến việc cho dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh vay vốn gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Cuối tháng 3/2019, con trai ông Hà là Trần Duy Tùng, cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
(Theo Vietnamnet)