“Trảm” dự án treo từ Ban chỉ đạo đặc biệt
Tại một đô thị sôi động như TP.HCM, việc huy động các nguồn lực để phát triển, trong đó có nguồn lực từ đất đai là hết sức quan trọng. Tuy vậy, đến nay TP.HCM đang có 302 dự án đã quá thời hạn được phê duyệt 3 năm nhưng chưa thể thu hồi đất. Trước sự sốt ruột của người dân, lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo đáng chú ý.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, HĐND TP đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án. Tuy nhiên, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai, có địa phương có đến 30% số dự án chưa thực hiện.
Các công trình, dự án “treo” là những “cục máu đông” cản trở sự phát triển của thành phố và đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Không điện, không nước, có tiền cũng không được sửa chữa, người dân phải sống thuê trên chính mảnh đất của mình vô thời hạn. Cứ nhìn bán đảo Thanh Đa hơn 20 năm quy hoạch thì sẽ thấy. Có ai tin được ngay giữa nơi đô thị sầm uất nhất, chỉ cách một con sông là những tòa nhà trọc trời của Quận 2 thì nơi đây vẫn còn những mái nhà, những lối sống của 20 năm trước… Người dân không có sự lựa chọn, biết bao phóng sự và rồi 20 năm đối với người dân Thanh Đa chỉ còn là con số chứ không phải là tương lai. Mà không chỉ có ở Thanh Đa, người dân Thủ Thiêm, Vĩnh Lộc cũng khổ sở không kém.
Thực ra treo dự án treo luôn quyền lợi người dân có đất trong quy hoạch, treo luôn cơ hội khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế xã hội. Từ dự án “treo”, đến dự án “bêu” chỉ là khoảng cách ngắn. Việc kéo dài “vô thời hạn” triển khai, hoặc để dở dang dự án sẽ bêu xấu không chỉ cảnh quan, môi trường, tiền của, uy tín nhà chức trách… Điều này đặt ra trọng trách rất lớn, yêu cầu các cơ quan chức năng làm quyết liệt, ai làm không được thì giao cho người khác chứ không thể kéo dài nữa.
Trong bối cảnh đó, vào tháng giữa tháng 9/2022, UBND TP. Thủ Đức đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các hộ dân trong khu 4,39 ha, (thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 cũ) nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Thông báo số 1483/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM tìm giải pháp khắc phục sai sót, trả lại quyền lợi cho các hộ dân thuộc khu này.
Đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, dù đã đền bù hơn 99% với khoảng 15.000 hộ, nhưng vẫn cần giải quyết thỏa đáng cho những trường hợp còn lại trên các nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định pháp luật, chỉ đạo cấp trên, chỉ đạo của thanh tra, kiểm toán. Để giải quyết những khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư của người dân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng đã yêu cầu chính quyền TP. Thủ Đức quan tâm, phấn đấu làm sao trước Tết Nguyên đán 2023 phải giải quyết một số vấn đề cơ bản trước mắt cho các hộ dân ở các dự án tồn tại kéo dài.
Năm 2022, UBND TP.HCM đã thực hiện hủy bỏ 108 dự án (không thuộc trường hợp có nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua thu hồi đất có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng quá ba năm không thực hiện, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng). Đồng thời, UBND TP.HCM cũng trình HĐND Thành phố thông qua hủy bỏ 61 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được HĐND Thành phố quyết nghị trước đây.
Mới đây nhất, thành phố đã thành lập tổ công tác giải quyết các dự án treo tại từng quận, huyện tiến tới xây dựng Ban chỉ đạo giải quyết các tồn đọng về dự án treo. Đây là một động thái quyết liệt của chính quyền thành phố nhằm giải quyết vấn nạn về dự án treo đang tồn đọng. Và cũng như là một tín hiện đáng mừng để rút ngắn con số 302 dự án đang lơ lửng thi gan người dân và thách thức chính quyền. Cứ phải lăn xả làm thì mới thấy hiệu quả chứ cứ “đúng quy trình” thì có lẽ 40,50 năm sau dự án treo vẫn hoàn treo.
Công Luân