+
Aa
-
like
comment

Trầm Bê thừa nhận ‘bút sa’ và xin khắc phục hậu quả

08/04/2020 14:18

Trầm Bê đề nghị xin được nộp tiền khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra để được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

Viện trưởng VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Trầm Bê (SN 1959, tại Trà Vinh) cùng các đồng phạm liên quan 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Dương Thanh Cường (SN 1966, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Bình Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trầm Bê (cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Nam) và thuộc cấp bị truy tố về tội vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng có khung hình phạt từ 10 -20 năm tù.

Quá trình điều tra, ông Bê cho rằng “việc Cường chiếm đoạt tiền ngân hàng là khách quan, không lường trước được nên đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét”.

Ông Bê cũng đề nghị cơ quan tố tụng tính giá trị tài sản thế chấp theo hướng tăng lên để giảm nhẹ trách nhiệm cho mình. Đồng thời ông xin được nộp tiền khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra để được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

Làm việc với CQĐT, Trầm Bê khai biết Cường từ năm 2008 thông qua người đàn ông tên Ánh. Người này dẫn Cường đến hội sở ngân hàng gặp Trầm Bê giới thiệu và xin vay tiền thực hiện dự án trung tâm thương mại tại quận Tân Phú, TPHCM.

Giữa Trầm Bê và Cường chỉ có quan hệ quen biết với tư cách là khách hàng công ty đến vay tiền ngân hàng, không nói chuyện riêng tư.

Trầm Bê thừa nhận 'bút sa' và xin khắc phục hậu quả - ảnh 1
Ông Trầm Bê trong một lần hầu toà đại án ngân hàng.  

Đến tháng 4-2008, Cường đề nghị được vay tiếp để thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn Thanh Phát với danh nghĩa Công ty Thanh Phát. Tài sản thế chấp là 23 GCNQSDĐ ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Thực tế tài sản này đã được Cường thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh 6.

Ông Bê đã ký duyệt cho công ty của Cường vay 3 lần. Do Cường không có khả năng tài chính nên các hợp đồng sau đều dùng để trả nợ cho hợp đồng trước. Đến năm 2010, Cường gán toàn bộ 23 bất động sản ở Bình Chánh cho Ngân hàng Phương Nam để thanh lý tổng cộng 331 tỷ đồng gốc và lãi các khoản nợ.

Tại CQĐT, ông Bê thừa nhận việc cho công ty của Cường vay thế chấp bằng 23 GCNQSDĐ chủ yếu do mình cùng Phan Huy Khang (cựu tổng giám đốc ngân hàng Phương Nam, bị can trong vụ án) và Nguyễn Thị Xuân Trang (cựu giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam đang bị truy nã) bàn bạc, tính toán số tiền vay dựa trên định giá tài sản để quyết định.

Các nhân viên khác chỉ làm theo quy trình và chỉ đạo. Ông cũng cho rằng khi ký duyệt cho công ty của Cường vay hoàn toàn không biết các tài sản thế chấp đã được Cường thế chấp cho ngân hàng khác để vay tiền.

“Thời điểm ký đồng ý cho vay và giải ngân cho Cường, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có tài sản thì cho vay, ngân hàng không mất tiền, bảo toàn được vốn. Tuy nhiên khi làm việc với CQĐT, tôi nhận thấy việc ký duyệt cho vay là không đúng quy định”, Trầm Bê thừa nhận.

Trầm Bê thừa nhận 'bút sa' và xin khắc phục hậu quả - ảnh 2
“Siêu lừa” Dương Thành Cường với thành tích nhiều lần hầu toà do chiếm đoạt tài sản hiện đang chấp hành chung mức án chung thân.  

Cưu tổng giám đốc ngân hàng, bị can Khang thừa nhận đã cùng với ông Bê ký duyệt cho công ty của Cường vay trái quy định. Hàng loạt các cán bộ cấp dưới cũng thừa nhận sai phạm trong quy trình phê duyệt hồ sơ, tuy nhiên tất cả đều làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Đáng chú ý, ông Trầm Viết Trung (cựu giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng) khai bản thân là người làm công ăn lương nhưng bất đồng quan điểm với lãnh đạo ngân hàng.

Do chịu áp lực lớn từ ông Trầm Bê, để tránh mâu thuẫn với Hội đồng quản trị và không muốn tiếp tay cho việc cấp tín dụng không có kiểm soát, nên ông đã xin nghỉ việc sau 12 ngày ký duyệt biên bản Hội đồng tín dụng.

Ban đầu ông Trung không bị khởi tố, truy tố. Tuy nhiên, sau đó, VKS cho rằng ông Trung phải chịu trách nhiệm cùng Trầm Bê và các đồng phạm khác trong việc ký duyệt hợp đồng cho vay lần đầu để Cường chiếm đoạt 127 tỉ đồng.

Liên quan tới việc Cường thế chấp 23 GCNQSDĐ tại xã Phong Phú đang được thế chấp tại Agribank Chi nhánh 6, Cường bị xử phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bồi thường cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 1.100 tỉ đồng. Lãnh đạo và cán bộ Agribank Chi nhánh 6 cùng các bị cáo khác trong vụ án nhận 8-25 năm tù.

Hoàng Yến/ PLO

Bài mới
Đọc nhiều