Trái phiếu doanh nghiệp lại ‘nóng’
Lãi suất ngân hàng thấp khiến kênh trái phiếu doanh nghiệp được nhiều khách hàng lựa chọn vì có mức lãi suất khá hấp dẫn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Đại Cồ Việt, Hà Nội) chia sẻ, chị có khoản tiền nhàn rỗi 1 tỷ đồng, nếu gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất cao nhất cũng chỉ 6,5%/năm, trong khi nếu mua trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất sẽ từ 10 – 12%/năm.
Theo chứng khoán BVSC, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng đang ở mức 4,85%/năm và 5,69%/năm, cùng giảm xấp xỉ 1,5% so với cùng kỳ 2020 và gần như đi ngang so với tháng trước đó.
Trong khi đó, sản phẩm trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao, từ 10,5-12%/năm.
Cụ thể theo thông báo của chứng khoán BVSC, trong kỳ tính lãi đầu năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Pung được tính lãi suất 12%/năm. Tương tự, TPDN của Công ty sản xuất thép Úc SSE trong kỳ tính lãi đầu năm 2021 cũng được tính lãi suất lên tới 11,5%/năm.
Chứng khoán VnDirect cũng vừa chốt danh sách để thanh toán lãi trái phiếu do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển bất động sản Thế kỷ và Công ty cổ phần năng lượng Bắc Hà với cùng mức lãi suất là 10,5%/năm.
Có thể thấy, hiện kênh huy động vốn bằng trái phiếu đang hấp dẫn nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm mạnh và đang đứng ở mức thấp nhất gần 1 thập kỷ qua.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng 430.000 tỷ đồng, trong đó: phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019
Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty bất động sản vẫn là 2 loại hình có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất trên thị trường.
Nhóm phân tích FiinGroup đánh giá, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh và quy mô sớm tiệm cận với thị trường cổ phiếu.
Ở góc độ cung, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất lớn, nhưng năng lực đáp ứng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại là không đủ. Theo đó, chủ trương chung của các cơ quan điều hành vẫn là ưu tiên kênh vốn trung, dài hạn qua trái phiếu và qua huy động trên thị trường cổ phiếu.
Yếu tố thứ hai, theo nhóm phân tích, nhiều lĩnh vực hiện nay chịu tác động của COVID-19 làm ảnh hưởng tạm thời đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do đó, nhu cầu tái cấu trúc kỳ hạn nguồn vốn nợ vay theo hướng dài hạn hơn để phù hợp với dòng tiền kỳ vọng từ kinh doanh rất lớn. Điều này đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và khó có khả năng được ngân hàng gia hạn hay tăng hạn mức tín dụng.
Ở góc độ cầu, nhu cầu đầu tư và sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lên trong môi trường lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, các quy định mới, ví dụ giới hạn người mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, sẽ làm thay đổi đáng kể khả năng hấp thụ nguồn cung trái phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cá nhân không nên mạo hiểm chỉ nhìn vào lãi suất để đầu tư trái phiếu vì rủi ro cao.
Bởi lẽ, đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ, do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Khả năng trả nợ của DN lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.
Trong năm vừa qua, nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Thực tế, có không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chưa hẳn là huy động vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của mình, có khi chỉ để cơ cấu lại các khoản nợ. Kênh đầu tư này khác với tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro.
Ngọc Vy/ VTC