+
Aa
-
like
comment

“Trái ngọt RCEP” đã chứng tỏ vị trí “cầm đuốc” của Việt Nam

Thế Khoa - 18/11/2020 14:04

Sau một chặng đường dài 8 năm, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11/2020, bao gồm 15 quốc gia trong đó 10 nước thuộc khối ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN có Hiệp định tự do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định quan trọng này.

Một thỏa thuận lớn như RCEP đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của các bên tham gia. Để có được thành quả này, RCEP đã phải vượt qua nhiều rào cản. Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng; căng thẳng thương mại leo thang khiến nhiều nước muốn từ bỏ chiến lược tự do hóa thương mại. Ngay trong nội bộ các nước thành viên cũng có sự khác biệt về xuất phát điểm và đàm phán phải đổi mặt với nhiều bất đồng khó giải quyết. Như vấn đề thuế quan; chính sách, lợi ích, chênh lệch trong năng lực cải cách và trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên…

Thế nhưng, bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, ngay từ khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 kiêm nhiệm Chủ tọa đàm phán Hiệp định RCEP, Việt Nam đã chủ động thuyết phục sự đồng thuận của các nước trong ASEAN và thúc đẩy các nước đối tác. Một mặt tìm các giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ, thuyết phục Ấn Độ quay lại đàm phán Hiệp định RCEP, mặt khác vẫn thúc đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán và rà soát pháp lý giữa 15 nước còn lại, nhằm thực hiện mục tiêu ký kết Hiệp định trong năm 2020. Minh chứng thấy rõ là việc Việt Nam linh động, tổ chức các hội nghị, đàm phán sang hình thức họp trực tuyến, một phương thức đàm phán phi truyền thống về ngoại giao thương mại lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới. Hình thức họp này giúp khắc phục những trở ngại, tiết kiệm thời gian và đem lại những động lực mới.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại, duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch Covid-19 và củng cố vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực và trên quốc tế. Đến nay, ASEAN đã đạt được các mục tiêu đề ra. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Gắn kết và chủ động thích ứng”, không đơn thuần là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, giúp khu vực tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên.

Việc RCEP được ký kết thành công đã cho thấy vai trò trung tâm và khả năng gắn kết của ASEAN với các nền kinh tế khu vực. Có thể khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò “cầm đuốc” – Chủ tịch ASEAN 2020 với những nỗ lực từ chính sách đến thực tiễn đầy linh hoạt và sáng tạo, điều hành các mối quan hệ giữa thành viên và đối tác, cũng như tạo sự cân bằng lợi ích để tìm tiếng nói chung giữa các bên. Mà như lời ông Thongphan Savanphet, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào nhận định: “việc Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc trong năm 2020 đã nói lên vai trò của mình trên trường quốc tế”. Còn ông Tim Evans, Tổng Giám đóc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá: “chúng ta có thể thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay và một phần thông qua quyết định áp dụng một cách tiếp cận phi truyền thống để thúc đẩy hiệp định được ký kết (hình thức trực tuyến)”.

Thế Khoa 

Bài mới
Đọc nhiều