Trải lòng của nữ Trưởng Công an phường đầu tiên ở Thái Bình
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2019), Dân Việt đã gặp gỡ, trò chuyện với Trung tá Cao Thị Minh Toàn – Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo (TP.Thái Bình, Thái Bình). Nữ Trưởng Công an phường đầu tiên của tỉnh bộc bạch, điều khiến chị lao vào mảng miếng gai góc này chỉ có thể nói rằng “đã ngấm vào máu rồi”.
Nhờ chữ “duyên”, tôi được gặp Trung tá Cao Thị Minh Toàn – Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo (Thái Bình) vào một ngày giữa tháng 8 khi chị đang bộn bề công việc. Được mệnh danh là “bông hồng thép” trong ngành, nữ Trung tá đang là khắc tinh với tội phạm ở mảnh đất quê lúa Thái Bình.
Câu chuyện giữa PV với nữ Trung tá Công an này bị ngắt quãng liên tục bởi những cuộc điện thoại của chị. Lúc thì lãnh đạo chỉ đạo công việc, khi thì cấp dưới báo cáo. Câu chuyện cứ xuôi theo dòng cảm xúc thực tế, và khi nhắc đến nghề, đến công việc, chị như một con người khác, tập trung, say mê chia sẻ đến từng góc cạnh của vấn đề.
“Tôi đã chứng minh được mình say nghề thế nào”
Tại sao đồng đội cũng như nhiều người gọi chị là nữ Trung tá “3 nhất”?
Đồng đội hay mọi người gọi tôi “3 nhất” là bởi vì tôi là nữ điều tra viên đầu tiên của Công an tỉnh Thái Bình, nữ Phó Trưởng Công an phường đầu tiên của tỉnh và cuối cùng là nữ Trưởng Công an phường đầu tiên của tỉnh.
Về nữ điều tra viên đầu tiên, vào năm 1997, tôi về công tác tại Đội điều tra, Công an tỉnh Thái Bình. Lúc này trên cương vị đó thì các đồng chí lãnh đạo rất e ngại khi nữ ôm án. Nói chung là thấy nữ làm điều tra, lúc bấy giờ anh em ngạc nhiên lắm.
Tuy nhiên, Đội trưởng cũng tin tưởng, giao cho một vài vụ để thử. Khó khăn, chông gai đấy nhưng trong thời gian làm điều tra viên, tôi tiếp xúc với nhiều đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, và mỗi khi nhớ lại tôi đều có những kỷ niệm, cảm giác rất nguyên vẹn như ngày đầu tiếp xúc.
Có một đối tượng trộm cắp đã khiến tôi nhớ mãi trong thời gian làm nghề. Đó là Nguyễn Thị Phú (SN 1975, ở Đề Thám, TP.Thái Bình). Phú lấy trộm 7 chiếc xe đạp ở chợ, thời điểm đó (năm 1997) giá trị những chiếc xe này rất lớn, đối tượng nhất quyết không khai về hành vi của mình.
Sau đó tôi có mời người nhà lên, bố Phú nói tối nay nhà không có gì ăn cả. Không nghĩ gì cả, mình gửi cho bác 20 nghìn, bác xúc động cảm ơn. Lúc này, Phú sụp xuống, không cứng đầu nữa và chia sẻ về vụ việc.
Điều tôi trăn trở nhất đến bây giờ là Phú có nói với tôi: “Ai cho em làm điều tốt?”. Thực sự câu nói của Phú cho tôi biết rằng mặc dù Phú trộm cắp, nhưng lương tri của họ vẫn còn, vẫn cảm hoá được.
Cái nhất thứ 2 là nữ phó Trưởng Công an phường đầu tiên của cả tỉnh. Lúc đó là năm 2005, tôi làm phó Trưởng Công an phường Đề Thám, 28 tuổi, chưa lập gia đình.
Hình ảnh mọi người rất ấn tượng đó là một nữ phó Công an phường ra giữa vườn hoa của thành phố để bắt đối tượng nghiện ma tuý. Đối tượng có hỏi “mày là ai?”, tôi nói là “Tao là phó phường”.
Cũng có những mảnh đời bán ma tuý, bán dâm. Để đấu tranh thì phải thâm nhập thực tế, phải làm đêm, tôi phải cho anh em tuần tra liên tục để đảm bảo an ninh. Mọi người lúc đó lại nhầm lẫn, nghĩ rằng một nữ phó công an phường, mà lại phụ trách hình sự thì lại nghĩ là tôi là đàn ông chứ không phải phụ nữ.
Là phụ nữ, đấu tranh trên mảng hình sự rất vất vả. có những đối tượng gây tai nạn bỏ trốn, mình đuổi theo, trách nhiệm trước hết của một người công dân, thứ 2 là màu cờ, sắc áo.
Thứ 3 là nữ Trưởng Công an phường đầu tiên, lúc này có kinh nghiệm rồi. Tuy nhiên cũng không nhận được sự tin tưởng hoàn toàn vì là nữ. Nữ lại làm công tác dân vận, xuống cơ sở rất khó khăn. Chả ai tin tưởng, mọi người nói là “để xem cái cô này cô làm thế nào”.
Là nữ lại “ôm” mảng hình sự, rồi giữ vị trí phó Trưởng Công an phường, rồi Trưởng Công an phường, bị áp lực, bị đồng đội, cơ quan cấp trên nghi ngờ về năng lực, chị làm sao để thuyết phục được họ?
Năm 2013, khi tôi xuống phường đầu tiên thì được lãnh đạo rất tin tưởng, bên ngành các anh đã hiểu. Nhưng cơ sở lại chưa tin tưởng, đặc biệt là chính quyền địa phương.
Thực ra áp lực rất lớn vì mình là nữ. Nếu chia sẻ ở một góc độ nào đó, trong công việc sẽ có lúc không thể bằng nam giới, điều này đặt ra là mình phải làm thế nào để chứng minh được với các đồng chí về năng lực của mình.
Để chứng minh, việc đầu tiên tôi làm là gần gũi với anh em, gần cơ sở, gần chính quyền. Tôi tuyên truyền, vận động là chính. Với trách nhiệm là người đứng đầu, mình phải đặc biệt quan tâm tới đời sống, tình cảm của anh em. Cấp dưới của tôi là những anh em trẻ, có thể đôi khi anh em buồn chuyện yêu đương chẳng hạn, “đóng cửa” không chia sẻ, lúc đó mình phải là người khéo léo động viên anh em.
Thế rồi vợ cán bộ chiến sĩ, những ngày lễ, Tết tôi đều chủ động nhắn tin động viên, chia sẻ, hay tạo những cuộc giao lưu để được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ với những hậu phương của chúng tôi.
Việc gần dân, sát dân là điều tiên quyết, hình ảnh một đồng chí chỉ huy trực tiếp xuống địa bàn chia sẻ, nắm bắt tình hình cùng nhân dân sẽ khiến cho nhân dân có được sự yên tâm, từ đó góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh địa bàn.
Với bản thân tôi, tôi đã làm riêng một quyển sổ liên lạc. Liên lạc ở đây là các bác góp ý kiến để chúng tôi nắm bắt, góp phần giúp chúng tôi tốt hơn. Từ đó có các biện pháp giải quyết triệt để, ở cơ sở không để xảy ra những mâu thuẫn nhỏ. Đặc biệt là giữ bí mật, chúng tôi đã và đang làm hiệu quả việc này.
Năm 2000, khi đi dự lễ tuyên dương điển hình của tỉnh, khi mọi người hỏi sao trẻ thế, lúc đó tôi mới thiếu uý, 23 tuổi. Anh em thắc mắc tại sao lại lấy 1 điển hình quá trẻ như thế này, chưa có kinh nghiệm cuộc sống cũng chưa có kinh nghiệm đánh án thế này. Nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng không nên tuyên dương nhân vật như vậy. Nhưng rồi về sau, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy mình đã làm việc và say nghề thế nào.
“Nhiều lúc tủi thân, chỉ muốn khóc”
Điều gì khiến một người phụ nữ lại lao vào những mảng miếng gai góc như thế này?
Chỉ có thể nói là nó đã ngấm vào máu của mình rồi. Khi vào trường công an, tôi đã chọn chuyên ngành điều tra. Thực sự hình ảnh của người chiến sĩ đời thường đã đi sâu vào trong suy nghĩ của tôi. Đi học trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ sẽ lựa chọn trường công an.
Tôi muốn mang sức của mình chia sẻ với mọi người, lan toả điều gì đó với cộng đồng. Lúc tôi chọn nghề công an, gia đình ủng hộ hoàn toàn. Nếu cho chọn lại vẫn lựa chọn, thực sự là yêu nó, yêu nghề. Hầu như các anh các chị nói sao em có thể say nghề đến như thế.
Được mệnh danh là “bông hồng thép”, chị cảm thấy thế nào?
Danh hiệu đó được mọi người ưu ái đặt cho thôi. Bản thân tôi thấy mình cần phải cố gắng phấn đấu, mình phải học hỏi, để phù hợp với niềm tin của nhân dân với lực lượng, với cá nhân.
Trong 10 năm đánh án ma tuý, va với hàng nghìn đối tượng cộm cán, hình sự, rồi chuyển về phó rồi Trưởng Công an phường, có lẽ chứng kiến những việc làm và con đường tôi trải qua, anh em gọi thế như một kiểu động viên, khích lệ.
Tôi cá tính mạnh mẽ, nhiều người trêu gọi là “anh Toàn”. Anh em gặp lại xã giao “anh Toàn ơi, chào anh Toàn”. Hay có đồng nghiệp cấp trên trêu “thôi lần sau mày đừng mặc váy nữa, tao không quen hình ảnh mày mặc váy”.
Thực ra trong công tác, người ta nói tôi phù hợp với giới tính nam hơn, không phải là nữ nữa.
Anh em trêu mình thấy bình thường. Tôi còn bảo với đối tượng là phải coi tôi như một người đàn ông thì mới làm việc được, còn nếu coi như phụ nữ thì không làm việc được, đấy không phải phong cách của tôi.
Quá trình công tác, từ nữ điều tra viên, điều tra hình sự, rồi đến đánh án ma tuý, thân phận là nữ có tạo thuận lợi gì cho chị không?
Nếu mà nữ để đi trinh sát, đi tiếp xúc với mặt trái của xã hội thì chẳng có gì thuận lợi. Cái thuận lợi duy nhất là được anh em đồng đội ủng hộ, hỗ trợ và sát cánh. Khó khăn thì đương nhiên nữ khó khăn nhất. Có chăng thì là sự mềm mỏng của phụ nữ cũng đôi lúc giúp ích trong công việc.
Có những thời gian nằm trong phòng từ sáng đến tối không dám quạt, không đám đuổi muỗi, lúc đó đi trinh sát. Rồi có những vụ việc phải là nữ phải đi vào. Đường độc đạo, khi đối tượng giao dịch, mình phát hiện rồi, rất khó khăn cho việc mình rút. Liên hệ đồng đội tiếp ứng thì hơi xa, lúc đó tủi thân lắm, chỉ muốn khóc thôi.
Khi lập gia đình rồi có con nhỏ. Có hôm đi kiểm tra một giờ đêm mới về con khóc hết nước mắt luôn. Có lần mẹ phải để con ở trong nhà, khóa cửa để chạy vội đi làm. Nhiều hôm con khóc hàng xóm gọi mãi cho mình không được. Đó là những cái khó khăn mà tôi cùng gia đình đã phải trải qua. Nhiều lúc cũng muốn xin chuyển phụ trách lĩnh vực khác nhưng rồi vì yêu nghề mà không dứt ra được.
Chị đã có lúc nào yếu lòng vì áp lực công việc?Đâu là động lực lớn để chị có thể cống hiến hết sức mình cho công việc, cho nhân dân?
Trong thâm tâm thì chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình nhụt chí với nghề. Thực sự nếu mình cố gắng, quyết tâm, anh em cùng nhau đồng lòng hỗ trợ nhau. Chúng tôi đã coi nhau như gia đình vì thế công việc luôn hiệu quả.
Tôi về làm việc tại Phường 5 năm, thì 4 năm liền được là đơn vị Quyết thắng và nhận nhiều bằng khen. Trong thời gian lãnh đạo, có những đối tượng ban đầu rất cứng đầu, tuy nhiên trước sự chân thành chia sẻ của mình, họ đã biết đúng, biết sai và còn viết thư cảm ơn mình. Lúc đó mình cảm thấy rất tự hào vì đã góp phần nhỏ của mình vào hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân.
Nếu con trai muốn theo và xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an như chị, chị thấy thế nào?
Quan trọng nhất bây giờ định hướng cho các con là con ra cuộc sống như thế nào, xử lý ra làm sao, không nhất thiết phải theo một khuôn mẫu nào hết. Thực sự nếu con muốn đi theo con đường của mẹ, mẹ hoàn toàn ủng hộ.
Xin cảm ơn chị!
Nữ trường công an phường sở hữu hàng chục danh hiệu, bằng khen, thành tích như Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011 – 2015;
Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015; Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác quốc phòng, an ninh…
(Theo Dân Việt)