Trại Davis và ký ức vị đại tá những ngày chiến đấu giữa lòng Sài Gòn
Đại tá Đào Chí Công chia sẻ kỷ niệm trong thời kỳ hoạt động ở Trại Davis “trận địa tiền tiêu” ngay giữa lòng Sài Gòn những ngày tháng lịch sử năm 1975.
Ngày 27/1/1973, hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết giữa 4 bên: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam cộng hoà. Ban liên hợp quân sự 4 bên được thành lập để bảo đảm việc thực hiện hiệp định.
Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự 4 bên, sau là trụ sở Ban Liên hợp quân sự 2 bên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa từ 28/1/1973 30/4/1975. Đây nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất đặt theo tên của một quân nhân Mỹ tử trận.
Trong bối cảnh Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm cách phá hoại tiến trình thực hiện hiệp định, tại trại Davis, 2 phái đoàn ta dựa trên các điều khoản đã được ký kết của hiệp định để đấu tranh giành thắng lợi trên lĩnh vực ngoại giao pháp lý quân sự và trận địa dư luận; đồng thời biến trại thành một “trận địa tiền tiêu” ngay giữa lòng Sài Gòn.
Món quà lương khô và chai rượu lúa mới
Đại tá Đào Chí Công, người lính từ mặt trận Quảng Trị được lệnh tham gia Ban liên hợp quân sự với vai trò sĩ quan liên lạc, phụ trách đối ngoại chia sẻ những kỷ niệm trong thời kỳ hoạt động ở Trại Davis.
Sáng 29/4/1975, Đại sứ Mỹ Martin mấy lần bắn tin muốn gặp Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam nhưng ta không trả lời.
Tới trưa, có đoàn giới thiệu là phái viên của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đến bàn việc quan trọng. Lãnh đạo đoàn ta cử cán bộ ra nói là đoàn không được ủy quyền bàn bạc bất cứ vấn đề gì.
Đến khoảng 17h30 có luật sư Trần Ngọc Liễn cùng với ông Châu Tâm Luân và linh mục Chân Tín xin gặp lãnh đạo đoàn. Đây là những người thuộc lực lượng thứ ba lâu nay đối lập với Nguyễn Văn Thiệu, đoàn ta báo lại có thể tiếp họ với tư cách cá nhân.
Ta đón 3 người vào Trại Davis. Phó trưởng đoàn, Đại tá Võ Đông Giang tiếp họ tại hầm chỉ huy dự phòng.
Lúc ấy đạn pháo bỏng rát trên đầu, ta khuyên họ ở lại cho tới khi ngớt nhưng để tránh hiểu lầm là giữ họ làm con tin, ta đồng ý cử người tháp tùng nếu họ muốn về. Cuối cùng 3 người xin ở lại. Đêm ấy, Đại tá Võ Đông Giang tiếp họ dưới hầm chỉ huy trong sân bay Tân Sơn Nhất với chuối tăng gia, chè Thanh Hương, thuốc lá Điện Biên ngoài Hà Nội gửi vào. Gần sáng, anh em cảnh vệ nấu cháo gà mời 3 ông.
Sáng 30/4, khi chia tay họ, ta tặng mỗi người một chai rượu lúa mới và 2 phong lương khô, cấp giấy giới thiệu để 3 người trở về an toàn.
Cánh quân thứ 6
Khoảng 8 9h sáng ngày 30/4, bộ đội ta do Tiểu đoàn trưởng của Quân đoàn 3 dẫn đầu tiến vào Trại Davis gặp Tướng Hoàng Anh Tuấn (Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN) xin chỉ thị bảo vệ trại.
Không thể diễn tả được những giây phút xúc động đến nghẹn ngào khi ấy. Đó là sự tự hào, niềm sung sướng vô bờ vì đất nước thống nhất xen lẫn sự cảm động, tình thương, nỗi xót xa các đồng đội vừa hy sinh đêm trước những người chỉ được chôn cất vội vàng bằng dao, xẻng giữa mưa bom bão đạn…
9h30, lá cờ cách mạng được treo lên đỉnh tháp nước chỗ cao nhất của Trại Davis. Khoảng 1 tiếng sau, cờ cách mạng kéo lên tại Dinh Độc Lập. Khoảng 10h, đoàn Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào Trại Davis họp bàn về việc tiếp quản.
Sau ngày 2/5, Thượng tướng Trần Văn Trà vào gặp anh em trong phái đoàn đã nói “các đồng chí là những người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao quân sự trong chiến dịch”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng sau này trong hồi ký gọi Đoàn là cánh quân thứ 6. Ông viết rằng, khi Quân đoàn 3 đánh vào Tân Sơn Nhất gặp một cánh quân của ta trụ sẵn ở đấy (tham gia Chiến dịch HCM gồm 5 quân đoàn 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với đủ các binh chủng hợp thành).
Đại tá Đào Chí công nhớ lại, những ngày cuối tháng 4, các thành viên trong phái đoàn không ít lần ở ranh giới sự sống và cái chết. Ngoài doanh trại tiểu đoàn huấn luyện dù bố trí ngay trước cổng chính của Trại Davis, quân đội Sài Gòn còn điều thêm xe tăng, thiết giáp đến chĩa hỏa lực vào bên trong.
Đêm trước giờ khắc lịch sử 30/4, anh em trong phái đoàn ta còn nói vui với nhau sống chết bao nhiêu phần trăm, ai cũng sẵn sàng cho tình huống xấu nhất…
Đã có một kế hoạch để đặc công đột nhập vào Trại Davis đưa phái đoàn của ta ra ngoài nhưng các anh em xin cấp trên không rút. Ta trụ lại bằng cách bí mật đào hầm chiến đấu từ dụng cụ thô sơ. Chỉ khoảng 10 ngày, toàn bộ hệ thống hầm có cả hầm chỉ huy chính, hầm chỉ huy dự phòng, hầm cứu thương, dự trữ lương thực, nước uống… đã hoàn tất.
Sau này ta được biết, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên khi thoát thân còn để lại trên bàn làm việc kế hoạch chỉ thị cấp dưới huỷ diệt Trại Davis bằng pháo cối, ném bom, chất độc hoá học…
Thái An/VNN