Trái đất “trật đường ray”
Chu kỳ La Niña lẫn thời kỳ nguội lạnh toàn cầu tự nhiên không còn kháng cự nổi tác động của con người
Theo hãng tin AP, hơn 90% san hô ở Great Barrier Reef – hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới – đã bị tẩy trắng trong hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ 4 xảy ra chỉ trong vòng 7 năm.
Đại dương “mất trí nhớ”
Đáng ngại hơn, đây là lần đầu tiên rạn san hô bị tẩy trắng trong chu kỳ La Niña. Tẩy trắng san hô vốn xảy ra khi địa cầu bị nóng lên trong khi La Niña là giai đoạn làm mát địa cầu.
Đó không phải là điều ngược đời duy nhất. Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS, trái đất liên tục dao động giữa 2 trạng thái “ngôi nhà nóng” và “ngôi nhà băng”. Chúng ta đang ở giữa “ngôi nhà băng”, một thời kỳ nguội lạnh toàn cầu đã được chỉ ra từ những năm 1970.
Tuy nhiên, việc con người phát thải khí nhà kính ồ ạt đang đảo ngược xu hướng tự nhiên này với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Chưa kể, nạn cháy rừng đang xảy ra khắp nơi – từ New Mexico của Mỹ cho đến Siberia của Nga – sẽ tạo thêm một cú “dội bom” carbon đáng lo ngại.
Điều đó từng xảy ra một lần trong lịch sử địa cầu: Tại ranh giới 2 tầng Kasimovian – Gzhelian thuộc thế Pennsylvania, kỷ Than đá, tức hơn 303 triệu năm trước. Thời điểm này xảy ra một cuộc đại tuyệt chủng. Carbon trong khí quyển tăng gấp đôi trong 300.000 năm.
Băng tan quá nhanh, đẩy nước ngọt vào bề mặt đại dương làm cản trở ôxy trong khí quyển hòa tan và lưu thông trong biển, khiến 23% đáy biển thiếu ôxy. “Việc giải phóng khối lượng lớn carbon cùng với sự ấm lên đột ngột sẽ thúc đẩy các đợt khử ôxy đại dương và sự tuyệt chủng” – tờ Science Alert trích dẫn nghiên cứu.
Khí hậu đại dương cũng “trật đường ray” trên diện rộng, mà các nhà khoa học gọi là hiện tượng đại dương “mất trí nhớ”. “Chúng tôi nhận thấy trí nhớ đại dương, được đo lường bằng sự tồn tại hằng năm của các dị thường nhiệt độ bề mặt biển, dự kiến sẽ giảm dần trong những thập kỷ tới trên phần lớn thế giới” – nhà nghiên cứu khí hậu Hui Shi từ Viện Farallon ở Petaluma, bang California (Mỹ), tác giả đầu tiên của một nghiên cứu, vừa công bố trên Science Advances, cho biết.
Họ đã xem xét nhiệt độ bề mặt ở lớp hỗn hợp trên của đại dương (MLD), là tầng nước từ bề mặt cho đến độ sâu khoảng 50 m. Lớp nước này thể hiện tính bền bỉ theo thời gian của quán tính nhiệt. Thế nhưng, quán tính nhiệt này đang giảm đi, MLD dễ bị ảnh hưởng bởi các dị thường nhiệt độ ngẫu nhiên, giảm khả năng đem lại cho các sinh vật biển một môi trường sống ổn định.
Sự “mất trí nhớ” đại dương còn thể hiện qua việc biến động khí hậu trở nên thất thường, mất tính chu kỳ, khiến hệ thống dự báo của con người về nhiệt độ đại dương, lượng mưa, gió mùa, sóng nhiệt biển và các thiên tai… không còn chính xác.
Trong khi đó, trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đồng thuận giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 2 độ C, tốt nhất là không quá 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900). Nhưng Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa dự báo trong giai đoạn 2022-2026, nguy cơ có ít nhất 1 năm vi phạm giới hạn 1,5 độ C đó là 48%.
“Con số 1,5 độ C không phải một con số thống kê ngẫu nhiên. Đó là một điểm báo động khi các tác động khí hậu sẽ ngày càng trở nên có hại cho con người và toàn bộ hành tinh” – Giám đốc WMO Petteri Taalas nói. Dù vậy, ông Taalas cũng lạc quan rằng với trình độ khoa học ngày nay, Hiệp định Paris vẫn có thể được giữ vững nếu con người nỗ lực.
Hãng tin AP trích dẫn bình luận độc lập của nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather từ Công ty Công nghệ Stripe và Berkeley Earth, cho rằng với việc La Niña – đang vào năm thứ 2 – vẫn không kháng cự nổi với sự nóng lên do quá trình đốt than, dầu và khí tự nhiên của con người thì tình hình nóng lên tồi tệ hơn sẽ xảy ra khi El Nino quay trở lại – theo dự báo là cuối năm 2023, khi chu kỳ La Niña kết thúc.
Ngoài ra, các mô hình dự đoán lượng mưa năm 2023 cho thấy nguy cơ hạn hán sẽ bao trùm các khu vực Tây Nam Âu, Tây Nam Bắc Mỹ và ngược lại, khiến Bắc Âu, khu vực Sahel ở châu Phi, Đông Bắc Brazil và Úc quá ẩm ướt, tức có nguy cơ chìm trong mưa lũ.
Chim hoàng yến trong mỏ than
Nghiên cứu vừa công bố trên Annual Review of Environment and Resources cảnh báo 48% loài chim trên thế giới đang bị suy giảm số lượng. “Chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên về một làn sóng tuyệt chủng mới của các loài chim” – nhà sinh vật học bảo tồn Alexandre Lees từ Trường ĐH Manchester Metropolian (Anh), tác giả chính, nhấn mạnh.
Thống kê năm 2019 cho thấy số chim ở Bắc Mỹ đã giảm gần 3 tỉ con so với năm 1970. Số phận tương tự bủa vây hàng triệu con khác ở châu Âu, theo thống kê năm 2021. Ít nhất một nửa loài chim ở Nam Phi đang mất môi trường sống và chết dần. Nhiều loài bấp bênh trên bờ vực tuyệt chủng. Nguyên nhân vẫn là biến đổi khí hậu. Điều này đe dọa ngược lại hệ sinh thái, bởi chim là các loài thụ phấn chủ yếu cho cây cối.
Chưa kể, chim chính là chiếc chuông báo động của trái đất. Science Alert ví đó là hiệu ứng “chim hoàng yến trong mỏ than”. Những người thợ mỏ ngày xưa hay đem theo một con chim hoàng yến, loài vô cùng nhạy cảm với những yếu tố độc hại trong môi trường. Khi con chim hoàng yến chết bất thường, họ phải nhanh chóng ra khỏi mỏ để bảo toàn tính mạng.
Bích Ngân