Trà Vinh – Thành phố xanh trong rừng cổ thụ duy nhất ở Việt Nam
Trà Vinh là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển. Trà Vinh là tỉnh duy nhất ở miền Tây có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong nội ô thành phố, được mệnh danh là thành phố xanh.
Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh là nơi duy nhất ở ĐBSCL có những con đường nội ô rợp bóng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khách du lịch mỗi khi đặt chân đến Trà Vinh đều có cảm giác như đi giữa một rừng cổ thụ vì hầu hết các con đường đều rợp bóng cây xanh, những gốc đại thụ cao to một người ôm không hết, được nghe kể tích xưa về truyền thuyết Ao Bà Om.
Nhiều thành phố lớn đang lên kế hoạch đốn hạ, thay thế hàng ngàn cây xanh. Ở một thành phố nhỏ như Trà Vinh, cây xanh lại được coi là báu vật, được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận; mọi kế hoạch làm đường, xây dựng công trình đều phải né cây xanh.
Toàn thành phố Trà Vinh hiện có hơn 14.000 cây xanh với 33 chủng loại. Trong đó có tới hàng ngàn cây được trồng từ thời Pháp thuộc, được phân bố trên 30 tuyến đường.
Giống như một bảo tàng thiên nhiên, ít có địa phương nào trên cả nước mà cây xanh lại có uy như ở Trà Vinh vì cây nào cũng được gắn bảng số để dễ quản lý, chăm sóc. Các công trình đều phải né chỗ cho cây xanh phát triển tự nhiên theo phương châm tường nhường cây, đường nhường cây, ống cống, ống nước tránh rễ cây.
Với người dân Trà Vinh, cây xanh rất quan trọng, thậm chí, một số con đường, cửa hàng còn được định danh theo tên cây.
Thành phố Trà Vinh nổi tiếng với những gốc cổ thụ khổng lồ, trong đó nổi bật nhất là cây dầu với tuổi thọ ước tính lên tới 800 năm. Cây có thân to khoảng 10 người ôm, tỏa bóng mát hàng trăm m2.
Nhìn những con đường chỉ rộng chừng 10m, khá nhỏ bé với tầm vóc thành phố nhưng thật bất ngờ, ta vẫn có cảm giác thật sự thênh thang khi bước đi ở đây bởi trên đầu có những hàng cây rộng mênh mông đang tỏa bóng mát. Những cây cổ thụ ở Trà Vinh không phải kìm hãm sự phát triển của những con đường như nhiều người vẫn nghĩ, mà ngược lại, nó chính là một phần của những con đường, làm lên vẻ đẹp, phần hồn và cả nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây suốt mấy trăm năm qua.
Nhiều nhân viên của Công ty TNHH MTV công trình đô thị Trà Vinh (Công ty cây xanh) vẫn còn nhớ đã không ít lần phải tranh luận gay gắt để giữ cho bằng được hàng cây cho thành phố. Như lần xây dựng bờ kè sông Long Bình, đoạn đi qua P.4. Lúc này cũng có ý kiến rất cương quyết phải chặt bỏ hàng cây dầu hơn 20 năm tuổi chạy dọc bờ sông. Thế nhưng, những người bảo vệ cây thì cương quyết phải giữ cây tới cùng. Thậm chí có cả những cuộc “đấu khẩu” giữa hai bên chặt và giữ cây. Sự việc lại được đưa lên lãnh đạo tỉnh. “Phe” chặt cây đành chấp nhận phán quyết cuối cùng là giữ cây.
Nhờ vậy mà mỗi khi đi dọc theo bờ kênh Long Bình, hàng dầu bên bờ sông vẫn vươn mình tỏa bóng mát. Cư dân Trà Vinh thường tự hào với những con đường rợp bóng cây xanh, nhưng ít ai biết những câu chuyện dài phía sau những người bảo vệ cây.
“Bảo vệ cây xanh, không có nghĩa là không đụng tới cây”, một nhân viên Công ty cây xanh nói. Tuy nhiên, theo quy chế quản lý cây xanh, mỗi khi “đụng chạm” đến cây xanh đô thị ở Trà Vinh là cả chuyện nhiêu khê. Những cây chết già, hay mục ruỗng phải khai tử thì báo cáo lên UBND tỉnh. Mọi quyết định đến vận mệnh của cây xanh đều phải có ý kiến cuối cùng của Chủ tịch UBND tỉnh.
Buổi chiều chạy xe chầm chậm qua những con phố nhỏ của Trà Vinh, cảm giác về thành phố trẻ măng này là bát ngát màu xanh! miên man màu xanh… Những con đường xanh, những ngôi trường xanh, ao Bà Om xanh, những ngôi chùa xanh, dòng Long Bình xanh…
Bước vào khuôn viên ao Bà Om, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng năm cây số đã thấy rợp ngời cây cao bóng cả. Mặt ao vuông bình lặng êm ả như không khí buổi chiều tà. Nước trong xanh soi bóng những hàng cây dầu đời đời cổ thụ không biết có mặt nơi đây từ những năm nào xa lắc. Chỉ thấy biết bao gốc rễ sần sù nhô cao lên khỏi mặt đất qua bao biến thiên của tự nhiên.
Ngang qua một gốc cây có rễ giăng ngang thành một chiếc ghế dài với hai thân song song chĩa thẳng lên nền trời cao vút, mấy cô cậu học sinh ngồi vắt vẻo trên cao nhí nhố cười đùa khiến buổi chiều ấm lại, bớt phần tịch mịch. Lại nhớ những ngày Ok Om Bok. Từng ngọn đèn gió được thả lên bầu trời xanh thẳm. Thắp sáng cả vùng đất quanh đây mà nghe lòng rộn ràng không khí hội hè.
Trở về thành phố Trà Vinh, những con đường thân quen vẫn mở rộng vòng tay đón khách. Dù đã lên thành phố, vùng đất nơi đây vẫn ấm áp. Vẫn năm con đường trục chính từ số một đến số năm đi qua. Những con đường trải bao năm tháng vẫn in dấu ấn không hề thay đổi trong lòng cư dân xứ này. Từ những ngày đầu du khách đến đây, Trà Vinh bao giờ cũng xanh thắm với không gian u tịch, cổ kính, với những hàng cây cổ thụ xòe tán bên đường.
Đặc biệt nhất vẫn là cách người dân ở đây gọi tên đường. Bạn muốn hỏi đường 19-5 ư? Có khi người đi đường ngơ ngác đó. Chỉ khi bạn nói “Đường cây me”, họ sẽ gật đầu: “À, biết rồi! Bên kia kìa”. Cứ như thế, đường Phạm Ngũ Lão là đường ngọc lan. Đường Lê Thánh Tôn là đường cây sao, đường Lê Lợi là đường bằng lăng… Thú vị hơn bởi nơi đây mỗi gốc cây đều được đánh số như con người được đặt tên.
Vì vậy vùng đất này bao giờ cũng được bao phủ trong một màu xanh vô tận. Cái màu xanh không chỉ của tự nhiên mà do con người đã trân trọng gìn giữ để tự hào về nó. Và du khách đến đây, say đắm trong màu xanh ngút mắt đó đã từng có cảm nhận đây là một khu du tích xanh, là nơi “Mọi dòng sông như ngừng lại”.
Du khách đi miên man trong chiều Trà Vinh xanh, khi bóng tối lên dần trên thành phố này và đêm càng xanh hơn khi đi dọc bờ kè Long Bình, một bờ kè xanh mới xây dựng đẹp như một giấc mơ.
Những cơn gió từ sông Long Bình thổi lộng mang theo chút mùi vị của mùa gió chướng từ ngoài sông Cổ Chiên thổi vào khiến không gian đêm càng xanh hơn. Cảnh tượng đông vui của những gia đình đưa nhau ra hóng mát trên công viên – bờ kè, một sinh hoạt mới mẻ của thành phố.
Những điểm nhấn màu xanh trên thành phố cổ kính trầm mặc này. Ngồi nhâm nhi từng ngụm cà phê thơm phức bên bờ sông chợt xôn xao âm hưởng nồng ấm lâng lâng của đất trời.
Nam Phong