‘Trả giá bằng mạng sống nếu không chống dịch quyết liệt’
“Nếu không nghĩ đến thì sẽ không dự báo đúng, từ đó sẽ sai đường, sai phương pháp. Mà sai sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của người dân”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.
Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố sáng 30/3, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của đại dịch trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang có tình trạng lây nhiễm trở lại, rồi Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… đang có mức độ lây lan nhanh chóng, các nước gần Việt Nam cũng đang bùng phát. Bởi vậy, nguy cơ của Việt Nam đang tăng lên.
Trả giá bằng mạng sống chứ không phải kinh tế
Phân tích về tác động của dịch Covid-19 đối với xã hội và an ninh quốc phòng, ông Chung nêu nhiều thực tế. Trước mắt, toàn bộ học sinh không thể đi học trước tháng 4; ngành hàng không hiện 97% dừng, nửa triệu lao động thất nghiệp; ngành dịch vụ, khách sạn nửa tháng qua không có việc…
Những việc này theo ông nằm ngoài tất cả những gì chúng ta đã nghĩ và học. Vì vậy, phải có cách nhìn thực tiễn hơn, quan sát thế giới rõ hơn, nhận định tình hình Việt Nam nghiêm túc hơn để thấy được nguy cơ, từ đó mới có hành động đúng được.
“Nếu không nghĩ đến nó thì không dự báo đúng, từ đó sẽ sai đường, sai phương pháp. Mà sai phương pháp sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của người dân, thậm chí bằng chính người thân của chúng ta”, ông Chung nói.
Theo ông, nếu không quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta phải trả giá bằng mạng sống chứ không phải là kinh tế.
Ông Chung cũng lo ngại dịch sẽ tạo ra khủng hoảng về y tế vì đây là điều nhiều nước đang phải đối mặt. Người đứng đầu chính quyền TP đề nghị xem nguồn cung của thuốc, vật tư y tế và phải có phương án lâu dài. Thực tế, y tế của Việt Nam không được như các nước đang phát triển bởi đang phải nhập và phụ thuộc rất nhiều.
Cơ bản cắt đứt nguồn lây từ bên ngoài
Theo Chủ tịch Hà Nội, nếu như giai đoạn 1, Việt Nam chỉ có 16 trường hợp, trong đó có 8 trường hợp lây nhiễm chéo, thì giai đoạn 2, nguồn lây nhiễm nhiều hơn.
Với số đi về từ các nước có dịch và nhập cảnh vào Việt Nam đã được khống chế, cách ly và “đã tương đối yên tâm”. “Tôi tin số này nếu có còn cũng ít thôi, nguồn lây bên ngoài bị cắt đứt rồi”, ông Chung nói.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội nhấn mạnh chúng ta đang bước vào giai đoạn rất nguy hiểm, giống như Vũ Hán, ta âm ỉ và bắt đầu lan truyền dịch bệnh ra diện rộng hơn trên địa bàn và các tỉnh, thành khác. Đơn cử như chỉ ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai đã lây lan ra nhiều tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định.
Các ca lây nhiễm từ đây đã lan ra gần 20 quận, huyện của Hà Nội, tới đây có thể là tất cả, vấn đề chỉ là thời gian bởi số lượng người liên quan đến cơ sở y tế này là rất lớn. Có trường hợp nhiễm đã lây lan cho cả gia đình, người thân, khiến F3 đã trở thành F0. Điều này một lần nữa khẳng định tốc độ lây lan của dịch vô cùng lớn.
Tuy nhiên, ông Chung khẳng định, nếu mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng đều ý thức thì hoàn toàn có thể khoanh vùng được.
“Tình hình hiện nay đang hết sức phức tạp, chưa biết dịch bệnh sẽ kết thúc lúc nào nhưng chắc chắn không chỉ trong 1-2 tháng”, ông Chung nói.
Trước thông tin các ca nhiễm Covid-19 có thể tự khỏi, ông Chung đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu. Song, ông khẳng định với tất cả nghiên cứu ông tìm từ CDC các nước, câu chuyện tự khỏi là không có hoặc rất khó khăn. Điển hình như ở Pháp có người tử vong trẻ nhất mới 17 tuổi.
“Như vậy tức là dịch lây lan không trừ độ tuổi nào, chỉ có người già mắc bệnh nền thì tử vong nhiều hơn. Vì vậy, đã nhiễm phải chữa, nếu không chữa nguy cơ tử vong rất cao chứ không có chuyện 60-80% tự khỏi”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Ông đề nghị truyền thông mạnh mẽ việc này để người dân không chủ quan.
Một lần nữa, Chủ tịch Hà Nội quán triệt các quận, huyện, sở ngành phải hành động nhanh chóng, dứt khoát, nhận định tình hình phải có giải pháp ngay bởi dịch bệnh không cho phép chúng ta có thời gian để bàn.
Ổ dịch ở Bạch Mai phát tán từ đâu? Trước khi cuộc họp sáng 30/3 bắt đầu, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp nên giờ họp giao ban có thể linh hoạt để phản ứng kịp thời.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết riêng ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, tính đến 7h ngày 30/3 ghi nhận 26 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 2 ca chưa công bố. Các ca nhiễm ở ổ dịch này được chia thành 3 nhóm: Một là nhóm 2 điều dưỡng; hai là nhóm bệnh nhân, người nhà nằm ở Khoa Thần kinh; ba là nhóm bệnh nhân liên quan đến công ty Trường Sinh.
Ông Nguyễn Đức Chung lưu ý toàn bộ việc lây nhiễm và phát tán bệnh dịch Covid-19 trong Bệnh viện Bạch Mai là thuộc Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện, bởi toàn bộ việc giám sát việc đun nước, đưa nước nhân viên vào đây phục vụ là đều nằm dưới sự kiểm soát của Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai. Còn công ty Trường Sinh là chỉ công ty cung cấp dịch vụ.
“Sở Y tế và đơn vị quản lý trên địa bàn phải nắm được cho chính xác”, ông Chung nói. Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết theo báo cáo có 26 ca nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng thực tế con số này đã lên hơn 30, hơn 10 ca nữa chuẩn bị công bố.
Hoài Thu/ZN