+
Aa
-
like
comment

TQ triển khai quân chưa từng thấy, chọc giận gã hàng xóm Ấn Độ: Giá cược quá đắt cho chiến tranh

01/06/2020 11:48

Nhiều nhà quan sát quốc phòng nhận định đây là đợt Trung Quốc triển khai lực lượng dọc đường kiểm soát Trung-Ấn (LAC) với quy mô lớn chưa từng thấy.

TQ triển khai quân chưa từng thấy, chọc giận gã hàng xóm mình đầy VK hạt nhân: Giá cược quá đắt cho chiến tranh
TQ triển khai quân chưa từng thấy, chọc giận gã hàng xóm mình đầy VK hạt nhân: Giá cược quá đắt cho chiến tranh

Trong bài viết trên tờ Gulf News, nhà báo Sanjib Kumar Das cho biết, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Ấn Độ – nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, có chung một đường biên giới trải dài hơn 4.056km. Lần gần đây nhất hai cường quốc châu Á này nổ ra xung đột quân sự là từ năm 1967.

Kể từ sau đó, mặc dù các cuộc chạm trán nhỏ vẫn thường xuyên diễn ra giữa hai phía tại những vùng lãnh thổ tranh chấp trên bộ [chủ yếu dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC)] nhưng không có một viên đạn nào được bắn ra.

Năm 2017, hai quân đội với lực lượng bộ binh lần lượt xếp hạng thứ hai và thứ ba thế giới về quy mô đã có một cuộc đối đầu biên giới kéo dài 73 ngày ở Doklam, Bhutan nhưng mọi việc sau đó đã được dàn xếp thông qua các kênh ngoại giao.

Đòn trả đũa

Các cuộc giao tranh mới nhất giữa quân đội Trung-Ấn xảy ra tại Galwan, Ladakh trong tháng này.

Theo nguồn tin từ truyền thông Ấn Độ, hàng nghìn binh sĩ Trung Quốc đã tiến vào thung lũng Galwan ở Ladakh, dựng lều và đào hào trên vùng đất mà Ấn Độ tuyên bố là lãnh thổ của mình.

TQ triển khai quân chưa từng thấy, chọc giận gã hàng xóm mình đầy VK hạt nhân: Giá cược quá đắt cho chiến tranh - Ảnh 1.
Hình ảnh lan truyền trên Weibo cho thấy quân đội Ấn Độ (phải) ngăn cản lính Trung Quốc (bên trái) vào khu vực Ấn Độ cho là lãnh thổ của nước này. Ảnh: Đông Phương

Động thái trên được xem là phương thức trả đũa của Trung Quốc sau khi New Delhi xây dựng con đường trải dài hàng trăm km nối lục địa Ấn Độ với một trong những căn cứ không quân tầm cao của nước này.

Vụ việc đã khiến phía Ấn Độ phải gióng lên hồi chuông báo động do cuộc xâm nhập của binh lính Trung Quốc diễn ra tại những điểm đã được hai phía đồng thuận công nhận là lãnh thổ của Ấn Độ dọc tuyến LAC.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, bản chất của cuộc giao tranh hiện tại “có một chút khác biệt” so với các cuộc giao tranh trong quá khứ. Sự khác biệt ở đây là quy mô lớn của lực lượng được Trung Quốc tích lũy gần biên giới.

Bắc Kinh được cho là đã triển khai tới 5.000 lính dọc LAC, đặc biệt là tại điểm nóng Galwan trong tháng này. Nhiều nhà quan sát quốc phòng nhận định đây là đợt Trung Quốc triển khai lực lượng dọc LAC với quy mô lớn chưa từng thấy.

Trung-Ấn có sẵn sàng bước vào chiến tranh toàn diện?

Theo nhà báo Sanjib Kumar Das, Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chính sách đối ngoại là phô diễn sức mạnh và “cơ bắp” quân sự ở những vị trí cách xa bờ biển của mình, đồng thời sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để mang dấu ấn “không thể lẫn đi đâu được” của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 8 nghìn tỷ USD từ Á sang Âu, cả châu Đại Dương và Đông Phi.

Bên cạnh đó, do là một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất, Trung Quốc giờ đây đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

TQ triển khai quân chưa từng thấy, chọc giận gã hàng xóm mình đầy VK hạt nhân: Giá cược quá đắt cho chiến tranh - Ảnh 2.
Trung Quốc có sẵn sàng bước vào chiến tranh tổng lực với Ấn Độ? Nguồn: India Today

Xét tới sự hiện diện toàn cầu của Trung Quốc lớn tới mức sẵn sàng cạnh tranh với cả Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì sẽ thấy dễ hiểu khi Bắc Kinh tìm cách “bắt nạt” quốc gia láng giềng – nước đang có cơ hội tốt nhất để trở thành đối trọng hiệu quả với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như các khu vực khác.

Do đó, theo nhà báo Sanjib Kumar Das, việc Bắc Kinh bố trí lực lượng quy mô lớn dọc vùng lãnh thổ tranh chấp lợi ích chung với Ấn Độ không hoàn toàn là điều bất thường.

Tuy nhiên, điểm quan trọng cần bàn ở đây là: Liệu Trung Quốc có thực sự đủ khả năng khiêu khích Ấn Độ bước vào một cuộc chiến tranh toàn diện tại thời điểm này hay không? Câu trả lời phần lớn nằm ở ranh giới địa lý của Trung Quốc và cũng không vượt qua xa khu vực này.

Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định loại bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế thường niên. Cũng do đại dịch, GDP của Trung Quốc trong quý đầu năm 2020 đã lần đầu tiên sụt giảm sau nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc chiến thương mại và ngoại giao với Mỹ, vấn đề Đài Loan và Hồng Kông, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch và việc một số bên yêu cầu kiểm tra phòng thí nghiệm vi sinh học ở Vũ Hán để điều tra nguồn gốc COVID-19, chắc chắn Trung Quốc không có thời gian dành cho chiến tranh, ít nhất là với người hàng xóm trang bị đầy mình vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng: Vị thế quân sự vượt trội của Trung Quốc trên lý thuyết không đảm bảo rằng họ sẽ thu được kết quả thuận lợi trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự toàn lực với Ấn Độ.

Tương tự, Thống đốc ngân hàng dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das đã cảnh báo rằng mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có thể giảm xuống dưới 0 trong giai đoạn 2020-2021 do các biện pháp phong tỏa kéo dài trong cuộc chiến chống COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội chưa từng thấy tại Ấn Độ.

Đối với New Delhi, việc dấn bước vào một viễn cảnh chiến tranh tại thời điểm này, chưa nói gì tới chiến tranh thực tế, đã chẳng khác nào tự sát.

Nhà báo Sanjib Kumar Das nhận định, sự kiện ở Thung lung Galwan mới đây có vẻ nghiêng nhiều hơn về mục đích làm gia tăng căng thẳng, khiến láng giềng cảm thấy bất an hơn, thay vì theo đuổi một cuộc chiến tranh. Đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ, giá đặt cược cho một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai phía là quá cao, việc duy trì tâm lý sợ hãi cho đối phương chỉ là một phần trong chính sách sinh tồn của họ.

Ngọc Minh/TQ

Bài mới
Đọc nhiều