TQ gặp bất lợi, Việt Nam tăng trưởng thần kỳ: Lộ diện những mặt hàng được Mỹ “quan tâm” nhất
Theo những số liệu mới đây, Việt Nam đang hưởng lợi không nhỏ từ những hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Theo CNBC, Việt Nam chưa thể thay thế Trung Quốc trong vai trò là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng hiện tại, Việt Nam đã và đang thay thế Trung Quốc trong một số ngành thương mại với Mỹ.
Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam tăng 34,8% – tăng mạnh so với con số 5,8% trong cả năm 2018.Theo công ty tư vấn IHS Markit, cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm 13,4%.
Michael Ryan, phó giám đốc của IHS Markit, cho biết thuế quan là nguyên nhân chính phía sau sự sụt giảm của nhập khẩu Mỹ đối với hàng Trung Quốc.
Ông cũng nói thêm, những loại mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng trưởng nhanh nhất là máy tính, thiết bị điện thoại và những máy móc khác.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, những sản phẩm này vốn được Mỹ nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan trong năm 2018. Điều này cho thấy xuất khẩu Việt Nam tới Mỹ có thể đã bù đắp được sự sụt giảm trong các dòng giao dịch giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thách thức đối với Việt Nam
Việt Nam thường được coi là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại nhờ vào tăng cường xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được một lượng lớn những khoản đầu tư từ những nhà sản xuất muốn cắt giảm hậu quả của thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Ryan cho biết Mỹ vẫn chưa đầu tư mạnh tay vào Việt Nam. Đầu tư Mỹ tại Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng số Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam nhận được.
Một trong những lí do là Mỹ không có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam và ASEAN. Nhưng điều đó chỉ là “một trong nhiều yếu tố thúc đẩy tốc độ và mức độ đa dạng hóa chuỗi cung ứng” vào Việt Nam, ông Ryan đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có nhiều lao động trình độ cao. Sự thiếu hụt chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại giữa bối cảnh các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội để thay thế chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
“Nói một cách đơn giản thì nhu cầu đang vượt quá khả năng cung ứng,” ông Ryan nói, cho rằng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn chưa đủ để một số doanh nghiệp nước ngoài mở trụ sở.
Một ví dụ cụ thể, theo ông Ryan, là đường phố và các cảng biển Việt Nam thường quá tải, khiến thời gian di chuyển và vận tải hàng hóa bị kéo dài hơn so với thông thường rất nhiều.
“Tóm lại, những yếu tố đó sẽ trì hoãn quyết định rút khỏi Trung Quốc của một số công ty nước ngoài”.
(Theo Soha News)