TQ đi nước cờ quá tinh vi: “Ông trùm vũ khí” Nga sập bẫy và đang bị đánh bại đau đớn?
TQ từ xưa luôn cho rằng kỹ năng bán vũ khí của Nga thời Chiến tranh Lạnh là “xuẩn ngốc”, và Bắc Kinh đã biến các thỏa thuận vũ khí Nga trở thành “nạn nhân” đầu tiên của mình.
Trang mạng Strategy Page của Mỹ đăng bài viết phân tích về chiến lược cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường vũ khí.
Lựa chọn sai lầm của Nga, nước cờ khôn của TQ
Theo bài viết, Trung Quốc và Nga đã là đối thủ của nhau trong lĩnh vực bán vũ khí kể từ những năm 1990. Qua 2 thập kỷ trước, Trung Quốc đã dần bắt kịp, và giờ đang vượt qua Nga về chất lượng. Trung Quốc cũng luôn đưa ra mức giá thấp hơn, nhưng có một điều mà họ không làm, đó là hỗ trợ tài chính.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga đã không còn đủ khả năng để đưa ra các thỏa thuận tài chính rộng rãi để đạt được hợp đồng mua bán. Các thỏa thuận đó là một trong những lý do khiến Liên Xô sụp đổ.
Năm 1991, Liên Xô đã vỡ nợ, một phần nguyên nhân là do hàng tỷ USD nợ xấu trong các hợp đồng xuất khẩu vũ khí. Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thay thế Nga trở thành nguồn cung cấp tốt nhất các loại vũ khí hiện đại “hạng nhì” nhưng với mức giá rẻ hơn nhiều.
Tình hình kinh tế mà Nga rơi vào sau năm 1991 được xem là một cơ hội lớn cho đối thủ nhưng Trung Quốc đã không đi theo hướng “giành lấy hợp đồng bằng bất cứ giá nào” như Nga đã từng.
Bắc Kinh đã đi một con đường khác hoàn toàn, bằng cách xây dựng chương trình phát triển và buôn bán vũ khí theo mô hình các công ty quốc phòng phương Tây.
Về lâu dài, điều này tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với các giao dịch vũ khí của Nga, và thậm chí còn “hơn cả một mối đe dọa” đối với các công ty phương Tây, nếu so với những gì họ phải đối mặt từ Nga trước đây.
Kế hoạch của Trung Quốc cho thấy tầm nhìn xa, và hướng tới mục tiêu đảm bảo các thỏa thuận vũ khí đều sinh lợi nhuận, trong khi tìm cách vượt mặt Nga, và sau đó là Mỹ, về chất lượng vũ khí.
Sau năm 1991, Nga cũng áp dụng chính sách của Trung Quốc trong các điều khoản giao dịch vũ khí nhưng chỉ bởi vì họ buộc phải làm thế. Nếu khách hàng không thể trả tiền thì Nga không mặn mà.
Moscow đã rất ngạc nhiên khi nhiều khách hàng cũ của họ, những phía thường “nhùng nhằng” cho tới khi Nga đề xuất kế hoạch thanh toán dài hạn, giờ đây lại sẵn sàng tuân theo những điều khoản giao dịch mang tính đòi hỏi cao hơn từ Trung Quốc và phương Tây.
Trung Quốc từ xưa đã luôn cho rằng kỹ năng bán vũ khí của Nga thời Chiến tranh Lạnh là “xuẩn ngốc”.
Vào những năm 1980, phương án hỗ trợ tài chính của Nga đã biến thành thảm họa khi ngày càng nhiều các món nợ dài hạn trở thành nợ xấu. Chưa hết, sự sụp đổ của Liên Xô càng làm giảm uy tín chất lượng vũ khí Nga.
Trong những năm 1960, khi vũ khí Nga ngày càng có nhiều cơ hội để chứng minh giá trị của chúng trên chiến trường thì ngạc nhiên thay, các hệ thống mới nhất của Nga lại thường xuyên bị vũ khí phương Tây đánh bại.
Điều đó khiến rất nhiều khách hàng mua vũ khí kinh ngạc, không chỉ những bên từng trực tiếp chứng kiến vũ khí thuộc hàng “tiên tiến” mà họ mua từ Nga bị “nghiền nát thành nhiều mảnh” bởi các loại vũ khí kém ấn tượng hơn từ phương Tây.
Trong những năm 1990, Nga tỏ ra mất tinh thần nhưng không nhụt chí. Nhưng sau năm 1991, Moscow đã bán cho Trung Quốc bất cứ thứ gì mà đối phương muốn, và thường ở mức giá cao hơn so với trước đây.
TQ ngang nhiên sao chép công nghệ, Nga nhắm mắt phớt lờ
Trong hơn 1 thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành khách hàng hàng đầu mua vũ khí Nga. Song, có một cái bẫy mà người Nga đã lựa chọn phớt lờ ngay từ đầu: Trung Quốc đã ngang nhiên sao chép công nghệ Nga và tích hợp nó vào các loại vũ khí mới gắn mác “được thiết kế và phát triển tại Trung Quốc”.
Do đã đi trước Nga 1 thập kỷ trong việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất và thực hành quản lý kinh doanh từ phương Tây, Trung Quốc thực sự đã có thể cải tiến các hệ thống mà họ ăn cắp ý tưởng của Nga.
Kết cục, sau năm 1991, Nga cuối cùng đã chấp nhận các quy ước của phương Tây về bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc đã chấp nhận, ít nhất là trên danh nghĩa, tôn trọng luật sáng chế và thương hiệu. Tuy nhiên, cũng trong lúc ấy, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch ăn cắp công nghệ còn thành công hơn. Phải mất một thời gian phương Tây mới phát hiện ra chiến dịch bí mật và bất hợp pháp này.
Trong những năm 1990, Nga từng phàn nàn nhưng cuối cùng không thể từ chối các đơn đặt hàng mua máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tiên tiến của Trung Quốc. Bắc Kinh đã duy trì sự sống cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga bằng các đơn hàng lớn ấy.
Sau những năm 1990, Nga ít phụ thuộc hơn vào các đơn hàng từ Trung Quốc nhưng sau đó, Trung Quốc đã bắt kịp và bắt đầu vượt mặt Nga trong một số lĩnh vực. Tới năm 2020, Trung Quốc đã sản xuất các loại động cơ phản lực và động cơ trực thăng mà trong một thời gian dài họ phải mua từ các nhà cung cấp của Nga hoặc phương Tây.
TQ với chiêu trò tinh vi, lợi dụng thời cơ vượt mặt Nga
Trước năm 1991, Nga cho rằng Trung Quốc sẽ mất thời gian dài mới có thể đuổi kịp mình, nhưng giờ đây, Moscow thực sự đã cảm thấy sức nóng từ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Ví dụ gần đây nhất là khi Trung Quốc công khai lợi dụng việc phần lớn các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của Nga đã được sử dụng rất nhiều trong chiến đấu.
Trung Quốc đã biến trải nghiệm chiến đấu ít ỏi của các hệ thống vũ khí hiện đại do họ chế tạo thành lợi thế bằng cách nhấn mạnh rằng các hệ thống của Trung Quốc đi theo hướng của phương Tây trong thiết kế, phát triển và thử nghiệm.
Do đó, các loại vũ khí Trung Quốc, khi đi vào thử nghiệm, sẽ thể hiện giống vũ khí phương Tây. Trong khi đó, thực tế cho thấy vũ khí phương Tây, trong hơn 50 năm, đã liên tục đánh bại vũ khí Nga.
Vào đầu năm 2020, truyền thông nhà nước Trung Quốc tung tin hệ thống phòng không S-300 của Nga không hoạt động hiệu quả, và rằng Trung Quốc nắm rõ điều này bởi họ đã mua hệ thống S-300 từ Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đã khắc phục các vấn đề và phát triển phiên bản cải tiến của riêng mình, gọi là FD-2000.
Hệ thống FD-2000 sẵn sàng phục vụ xuất khẩu sang bất cứ quốc gia khách hàng nào, dù là Iran hay Syria (những nước bị áp đặt cấm vận vũ khí), miễn là họ có thể trả tiền. Cả S-300 và FD-2000 đều chưa chứng tỏ thực lực của chúng trong chiến đấu. Song, Nga một mực khẳng định hiệu quả của S-300 và đưa ra một mức giá tốt hơn, cùng với nhiều quà tặng.
Trung Quốc lại tiếp tục bóng gió tới các báo cáo cho rằng hệ thống S-300 mà Syria và Iran sử dụng thường xuyên bị các hệ thống vũ khí phương Tây đánh bại. Tại Syria, phe chiến thắng thường là Israel.
Tel Aviv thường sử dụng các loại vũ khí do chính Israel phát triển. Chúng được đánh giá là ngang ngửa (nếu chưa muốn nói là vượt trội) các công nghệ tương tự của Mỹ. Đó cũng là một lý do khiến các công ty quốc phòng của Mỹ và Israel công khai hợp tác với nhau phát triển một số hệ thống.
Nga dường như hiểu rõ điều này nhưng họ sẽ không thừa nhận. Điển hình là, Nga đã cung cấp các tổ hợp S-300 cho Syria và giúp Damascus ngăn chặn số lượng gia tăng các cuộc không kích của Israel.
Có điều, Nga đã chuyển giao các hệ thống này cho Syria 1 năm trước và đã huấn luyện kíp vận hành cho họ, nhưng chưa bao giờ để S-300 hoạt động một cách thoải mái. Nguyên nhân là do radar của S-300 thất bại trong việc phát hiện và theo dõi các cuộc không kích của Israel.
Cũng chính vì lý do này mà Nga đã do dự sử dụng các hệ thống S-400 được họ mang tới để bảo vệ lực lượng của mình tại Syria. Một số hệ thống phòng không kém tinh vi hơn của Nga đã bộc lộ rõ rệt sự kém hiệu quả.
Trong tháng Hai, khi lực lượng Thổ phát động chiến tranh với quân đội của Tổng thống Assad ở tây bắc Syria, người Thổ đã cho thấy các hệ thống phòng không của Syria rõ ràng không hiệu quả lắm.
Các máy bay không người lái (UAV) của Thổ đã ghi lại hình ảnh tên lửa của chúng phá hủy một số tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir của Nga (Trong khi đó, các nguồn tin ủng hộ chính phủ Syria phủ nhận tin này và cáo buộc đó là các đoạn video giả).
Trước đó, các quan chức Nga từng phải cố gắng giải thích lý do tại sao các chiến đấu cơ của Israel có thể đánh bại Pantsir. Nhiều bình luận phàn nàn, chỉ trích các hệ thống của Nga cũng xuất hiện trên internet.
Trung Quốc nhận thấy đây là một cơ hội và đã tận dụng tối đa điều đó. Cùng lúc ấy, Trung Quốc khẩn trương nâng cấp trang bị quân sự của họ để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm chiến đấu cuối cùng.
Người Trung Quốc tỏ ra nghiêm túc với vấn đề này hơn những gì người Nga từng thể hiện. Trung Quốc đã áp dụng các phương thức của phương Tây để liên tục thử nghiệm và điều chỉnh các hệ thống chiến đấu.
Bắc Kinh đã cho thấy hướng đi này có hiệu quả đối với họ, bằng chứng là số lượng gia tăng các tàu chiến hoạt động trên biển trong thời gian dài hơn. Tại đó, các thủy thủ vừa có thể tích lũy kinh nghiệm, vừa tăng cơ hội thử nghiệm công nghệ hải quân của Trung Quốc.
Sĩ quan và thủy thủ trên các tàu chiến hay máy bay trinh sát của phương Tây đã để ý thấy sự tiến triển này. Môi trường thử nghiệm của Trung Quốc không hoàn toàn giống môi trường tác chiến thực, nhưng cũng tiệm cận.
Tiêu chí tương tự được áp dụng với thử nghiệm máy bay. Trung Quốc thường thử nghiệm máy bay chiến đấu bằng các phương thức có độ chính xác cao hơn của phương Tây và huấn luyện phi công theo hướng tương tự.
Các phi công chiến đấu của Trung Quốc có thời gian bay nhiều hơn so với các phi công Nga, và đã cho thấy họ có nhiều kỹ năng hơn trong các cuộc diễn tập thực tế.
Một trong những “nạn nhân” đầu tiên của Trung Quốc trên con đường này là các thỏa thuận vũ khí Nga. Người Nga đã chấp nhận sự thật đó, họ trở nên “dễ tính” và “hào phóng hơn” khi đối thủ cạnh tranh chính trong một thỏa thuận tiềm năng là Trung Quốc.
Song, điều này không khiến Trung Quốc bận lòng, bởi cho tới nay, chiến lược của họ vẫn đang tỏ ra hiệu quả và Bắc Kinh tin rằng trước tiên là Nga, sau đó tới phương Tây, sẽ bị đánh bại.
(Theo TTT)