Trung Quốc có thể tiêu diệt nhóm tàu sân bay Mỹ chỉ trong… “vài phút”
Kết luận chóng vánh của tờ báo Anh về số phận mong manh của tàu sân bay Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc có đủ sức thuyết phục?
Báo Anh: Trung Quốc có thể hủy diệt TSB Mỹ trong… “vài phút”
Tờ The Sun (Anh) cho hay, Tướng Mỹ Jack Keane đã bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa từ phía Trung Quốc trong không gian, nhấn mạnh rằng “Trung Quốc có thể phá hỏng ‘toàn bộ cơ sở hạ tầng vệ tinh’ của chúng ta [Mỹ]”.
Ông Keane tin rằng Trung Quốc nắm rõ sự phụ thuộc của Mỹ vào các hệ thống vệ tinh và đã phát triển năng lực số 1 để triệt tiêu chúng chỉ trong “vài phút”.
Trong đoạn phỏng vấn với tờ Fox Business, Tướng Keane cảnh báo: “Trung Quốc đã phát triển được năng lực hàng đầu nhằm vào Mỹ để có thể phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng vệ tinh của chúng ta”.
“Họ [Trung Quốc] biết rằng chúng ta rất sơ hở ở đó nên đang nhanh chóng tiến bước vào không gian” – Ông Keane nói thêm.
Vị tướng 4 sao về hưu đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phát triển các hệ thống có thể bảo vệ các khả năng đã thiết lập của chính nước Mỹ” và bày tỏ một lần nữa về mối lo ngại rằng Mỹ sẽ tụt lại phía sau Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển tên lửa.
“Họ đã có trong tay các tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai, trong khi thiết bị của chúng ta mới là dạng nguyên mẫu. Các tên lửa này sẽ tận dụng lợi thế không gian và rất khó phát hiện-theo dõi bởi chúng có tốc độ cao và trang bị đa đầu đạn” – Ông Keane nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với Tướng Keane và Tướng về hưu Lloyd Austin. Ông Austin cũng cho rằng Trung Quốc hiện là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ tuần trước, người mới được bổ nhiệm để đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh: “Trung Quốc đang cho thấy mối đe dọa lớn nhất [đối với Mỹ] bởi nước này đang trên đà phát triển”.
“Nga cũng là một mối đe dọa, nhưng đang có xu hướng suy giảm” – ông Austin cho hay, đồng thời nói thêm rằng trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội và thi triển “nhiều động thái hung hăng, đôi khi mang tính cưỡng chế” nhằm chống lại các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Với sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào hệ thống vệ tinh, tờ The Sun nhanh chóng đi đến kết luận rằng, Trung Quốc có thể tiêu diệt nhóm tàu sân bay Mỹ chỉ trong… “vài phút”.
Tiêu diệt tàu sân bay Mỹ liệu có dễ dàng?
Trên thực tế, vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi liên quan tới chủ đề này. Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã bắn hai tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26B ra Biển Đông, nhằm ngăn Mỹ có bất cứ hành động quân sự nào ngoài khơi phía đông Trung Quốc thông qua việc đe dọa phá hủy phương tiện triển khai lực lượng lớn nhất của Mỹ [tàu sân bay] trong khu vực.
Vụ phóng đã cho Washington thấy rõ họ sẽ phải trả giá đắt nếu nổ ra xung đột vũ trang, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng kho tên lửa đạn đạo tầm trung.
Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa chứng minh được khả năng đánh chìm tàu chiến di động nhưng cái giá của việc thiệt hại một con tàu sân bay với chi phí 10 tỷ USD, đi kèm với những mất mát về người, trang thiết bị trên tàu… quả là “không thể đo lường được”.
Mối đe dọa đó đã khiến các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc phải cân nhắc các phương thức triển khai lực lượng kín đáo hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Loren Thompson trên tờ Forbes, những lo ngại như trên chủ yếu đến từ các nhà quan sát không thực sự nắm rõ nội tình bởi Hải quân Mỹ thực ra ít lo ngại hơn về các cuộc tấn công tàu sân bay.
Một trong những lý do khiến Hải quân Mỹ bình tĩnh hơn là bởi họ đã đầu tư rất nhiều vào các công nghệ mới nhằm củng cố năng lực phòng thủ cho các nhóm tàu sân bay, đồng thời thay đổi chiến thuật hoạt động gần Trung Quốc. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là vì Hải quân Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm và theo dõi các tàu sân bay Mỹ.
Tại sao những chiếc tàu sân bay hạt nhân khổng lồ mà Hải Quân Mỹ đang sử dụng lại có thể khó tìm như vậy, nhất là khi đó là những công trình đồ sộ, có chiều cao ngang với một tòa nhà 25 tầng, làm bằng thép dễ dàng bị radar nhìn thấy, lại đầy rẫy những loại thiết bị dựa trên quang học, hồng ngoại và tần số radio đặc biệt dễ bị phát hiện.
Trong lúc đó thì quân đội Trung Quốc ngày càng có thêm công cụ dò tìm tinh vi, và tên lửa chống hạm đủ loại?
Trở ngại về mặt địa dư: Khu vực phía Tây Thái Bình Dương, nơi hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ, là một vùng mênh mông, rất dễ cho các con tàu ẩn mình khi tác chiến.
Ngoài khó khăn trong việc phát hiện kẻ địch, Trung Quốc cần vượt qua nhiều trở ngại khác để có thể tấn công được một tàu sân bay Mỹ.
Thứ hai là trở ngại trong quá tình tấn công: Ngoài khó khăn trong việc phát hiện kẻ địch, Trung Quốc cần vượt qua nhiều trở ngại khác để có thể tấn công được một tàu sân bay Mỹ.
Sau khi tìm ra tàu sân bay, họ phải xác định được tọa độ vị trí con tàu, thiết lập một bản đồ theo dõi hành trình liên tục chuyển động của nó, rồi đưa con tàu vào tầm ngắm chính xác của những loại vũ khí cụ thể.
Chưa hết, Trung Quốc còn phải xuyên thủng hàng rào phòng thủ nhiều lớp của tàu sân bay Mỹ mới có thể tiếp cận được mục tiêu, và cuối cùng còn phải đánh giá xem thiệt hại gây ra có đủ để khiến đối phương ngừng hoạt động hay chưa.
Hải Quân Mỹ gọi đây là một “quá trình tiêu diệt – kill chain”, với mỗi bước phải được hoàn thành theo thứ tự, chỉ cần một sai sót trong một công đoạn là toàn bộ quá trình sẽ thất bại. Và dĩ nhiên là Mỹ và các đối tác có nhiều kế hoạch nhằm gây gián đoạn từng bước một trong quá trình tiêu diệt đó.
Thứ ba là hiệu năng của radar và vệ tinh Trung Quốc còn khiêm tốn.
Trung Quốc cũng có thể dùng đến hàng chục vệ tinh trinh sát mà họ đã phóng lên quỹ đạo, một số giống như các vệ tinh thăm dò điện tử mà Hải Quân Mỹ dùng để giám sát các đại dương, một số khác sử dụng các cảm biến quang học và radar có “độ mở tổng hợp”.
Song, để thu thập được thông tin với chất lượng đủ để phục vụ việc nhắm bắn đối tượng, các vệ tinh phải được đặt ở quỹ đạo thấp của Trái Đất (khoảng hơn 1.000 km tính từ bề mặt hành tinh).
Ở độ cao đó, vệ tinh sẽ di chuyển với tốc độ gần 25.750 km/giờ – có nghĩa là sẽ nhanh chóng biến mất ở đường chân trời và phải hơn một giờ sau mới quay lại vị trí ban đầu.
Hải Quân Mỹ đã ước tính rằng để liên tục giám sát được các khu vực đại dương gần Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải thiết lập 3 hệ thống theo dõi song song bắc – nam ở quỹ đạo thấp, và đưa vào mỗi hệ thống hàng chục vệ tinh được sắp xếp sao cho tầm phủ sóng của chúng liên tục với nhau.
Trung Quốc hiện chưa làm được điều này, và dù có làm được, thì việc kết nối toàn bộ các hệ thống trên quỹ đạo với một hệ thống điều hành dưới mặt đất để triển khai vũ khí nhắm vào một chiếc tàu sân bay nào đó cũng sẽ là một việc cực kỳ khó khăn.
Thứ tư: Tàu sân bay Mỹ phòng thủ dày đặc
Giải pháp tiếp theo của Trung Quốc là dùng phi cơ radar có và không có người lái.
Tuy nhiên, các hải đội tác chiến tàu sân bay Mỹ đã thiết lập một vòng phòng thủ dày đặc chung quanh nơi các con tàu này hoạt động, bao gồm chiến đấu cơ, mạng lưới tên lửa phòng không, máy bay giám sát và các thiết bị gây nhiễu.
Không một phi cơ, chiến hạm hay tàu ngầm nào của Trung Quốc có thể tiến lại đủ gần tàu sân bay để tấn công. Các phương tiện của Trung Quốc ngược lại còn dễ trở thành mục tiêu ưu tiên tấn công của các nhóm tác chiến Mỹ.
Tóm lại, mặc dù Trung Quốc đã phát triển mạnh năng lực trong không gian, khiến Trung tâm tình báo không gian vũ trụ quốc gia Mỹ (NASIC) phải lên tiếng cảnh báo về việc Bắc Kinh có thể gây nhiễu vệ tinh định vị và liên lạc quân sự, bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo thấp của trái đất, tấn công các cơ sở và hạ tầng trên mặt đất có nhiệm vụ hỗ trợ các sứ mệnh không gian, từ đó làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, đó chưa phải năng lực quyết định việc Trung Quốc có thể tiêu diệt nhóm tàu sân bay Mỹ được nhanh chóng hay không.
Thực hiện được những bước quan trọng đầu tiên trong việc dò tìm và đưa các tàu sân bay vào tầm ngắm là một điều không hề dễ dàng.
Kết nối các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tấn công với các hệ thống khác trong các giai đoạn sau của “kill chain” sẽ là một thách thức, đặc biệt trong tình hình quãng thời gian rất ngắn mà Trung Quốc có được để triển khai vũ khí nhắm vào một mục tiêu liên tục di chuyển.
Quân Linh