+
Aa
-
like
comment

TPHCM: Từ “Đầu tàu” thành “Trung tâm”

07/03/2024 18:17

Đã đến lúc Thành phố Hồ Chí Minh cần thay đổi tư duy, bỏ qua vị trí “đầu tàu kinh tế” nắm giữ suốt nhiều thập niên qua để chuyển mình trở thành Trung tâm của sự phát triển, trong đó, tầm nhìn trở thành Trung tâm tài chính quốc tế là con đường sẽ đưa TPHCM lên một vị thế mới trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Những lợi thế từ vị trí “đầu tàu kinh tế” của TPHCM
Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: Thành phố (TP) tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM luôn có sự đồng hành và đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân. (Ảnh: Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe các DN “hiến kế” tại Diễn đàn kinh tế năm 2023).

Lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Vào ngày 23/9/2022, khi làm việc với cán bộ chủ chốt của TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, TP là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, nhiều lần anh hùng, Thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi nên niềm tin yêu, trìu mến trong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế nể trọng.

Vừa qua, tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: TP là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số DN đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng đánh giá: TP là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất; ngoài ra, là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GRDP TP tăng hơn 16 lần, từ 919.000 tỷ đồng vào năm 2015 lên 1,49 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Riêng năm 2021, GRDP của TP chiếm gần 23 % GDP cả nước và chiếm khoảng 48,4% GRDP của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam.
Từ đầu năm 2023 đến nay, bức tranh kinh tế TP đã “tươi sáng” trở lại, kỳ vọng có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7,5-8% cho cả năm 2023 như đã đề ra. Theo báo cáo của UBND TP.HCM: Trong 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của TP tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,57%, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 5,67%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,78%.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 326.000 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 872.000 tỷ đồng (tăng 8,6%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%, doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%, doanh thu lữ hành tăng 68,9%.
Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 125.000 tỷ đồng, tăng 35,8%, trong đó khách du lịch nội địa đạt gần 27 triệu lượt (tăng 24,9%), khách quốc tế đạt hơn 3,5 triệu lượt (tăng 69%). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 126,39 triệu tấn, tăng 4,4% (121,96 triệu tấn); tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2023 ước đạt 3.350.400 tỉ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2022 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP tăng 3,2%, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 6%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,3%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%, trong đó ngành hóa dược tăng 17,7%, ngành cơ khí tăng 7%, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,4%, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic (tăng 31,8%), phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,8%, sữa hoặc kem đặc có hoặc không có đường tăng 15,6%, tivi tăng 11,9%.
TP đã đón tiếp và làm việc với hơn 194 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức 158 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hàng loạt các sự kiện nổi bật như Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực thực phẩm, đồ uống, triển lãm sản phẩm tiêu biểu của TP, tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số… Tổ chức 11 hội nghị đối thoại trực tiếp với DN trong nước và nước ngoài, thu hút 2.697 lượt DN tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 712 câu hỏi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các DN.

Mặt khác, trong 9 tháng đầu năm 2023, số DN thành lập mới là 37.224 DN với số vốn đăng ký mới gần 343.000 tỉ đồng, tăng 13% về số lượng qua đó nâng tổng số DN trên hệ thống hiện tại là 550.905 DN với số vốn đăng ký hơn 11,22 triệu tỉ đồng. Dự ước tình hình đăng ký DN của năm 2023 khoảng 48.000 DN thành lập mới với 444.000 tỉ đồng vốn đăng ký mới. Cùng với đó, TP thu hút được khoảng 1,955 tỉ USD vốn FDI, chấp thuận cho 1.683 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 1,02 tỉ USD. TP.HCM đã tiếp tục cải thiện giải ngân đầu tư công và có những chính sách miễn, giảm, giãn thuế thiết thực cho doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, các hoạt động kinh doanh sản xuất vẫn tăng trưởng đều và TP vẫn là điểm đến, có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. TP tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN. Cụ thể, TP tập trung thu hút đầu tư của các DN lớn từ các tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực trọng yếu như dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics, các ngành công nghiệp chiến lược, các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh.
Thế nhưng trong bối cảnh biến động kinh tế khó lường, cũng như sự chuyển mình trong cơ cấu kinh tế giữa các vùng miền, các quốc gia, đã đặt ra cho thành phố những sự đổi mới cốt cán. Mà theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, TPHCM phải trở thành Trung tâm tài chính khu vực đến năm 2045.

TPHCM có gì để trở thành trung tâm tài chính quốc tế?
Tại một diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức vào năm 2022, bà Phan Thị Thắng, khi đó giữ chức phó chủ tịch UBND TP.HCM (hiện là thứ trưởng Bộ Công Thương), cho biết: TP.HCM có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là trung tâm của các khu vực Đông Nam Á.

TP.HCM có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.

Đặc biệt, TP có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Đi trước Singapore và Hong Kong 1 tiếng đồng hồ. Điều này cho phép TP.HCM tham gia chu trình khép kín các giao dịch tài sản toàn cầu suốt 24/24 giờ. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Ngoài yếu tố địa lý, TPHCM hiện còn có 3 thế mạnh sau:
Thứ nhất, về quy mô kinh tế, TPHCM hiện nay là một trung tâm kinh tế quan trọng với GDP đạt mức cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GDP quốc gia, ước tính khoảng 20-25%. Sự đa dạng trong sản xuất và dịch vụ đã tạo nên một môi trường kinh doanh phát triển. Đặc biệt, số liệu thống kê cho thấy thành phố thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, với lượng vốn FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) liên tục tăng, đạt mức 5,3 tỷ USD vào năm 2022. Thành phố cũng có một trong những chỉ số cạnh tranh cấp độ thành phố hàng đầu tại Việt Nam, thể hiện sự hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh trong khu vực. TPHCM không chỉ là trung tâm tài chính quốc gia mà còn đang nỗ lực để trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, về hạ tầng giao thông, hạ tầng giao thông của TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế kinh tế. Với mạng lưới giao thông đa dạng, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng như đường sắt đô thị, đường cao tốc, và cảng hàng không. Theo số liệu, TPHCM có một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất về diện tích đường và cơ sở hạ tầng giao thông so với các đô thị lớn khác tại Việt Nam, với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 8% mỗi năm.

Dự án đường sắt đô thị số 1 (metro) đã giúp giảm ùn tắc giao thông và tạo ra một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Các đường cao tốc nối liền thành phố với các tỉnh lân cận, góp phần quan trọng vào việc kích thích tăng trưởng kinh tế và thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, Sân bay Tân Sơn Nhất, là một trong những cảng hàng không quan trọng nhất khu vực, không chỉ phục vụ lưu lượng lớn hành khách mà còn đóng góp vào sự kết nối quốc tế của thành phố.

TPHCM có hạ tầng giao thông hiện đại nhất cả nước, với tuyến Metro số 1 chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức.

Tất cả những nỗ lực này trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông làm cho TPHCM trở thành điểm đến thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng như tăng cường vị thế quốc tế và kích thích phát triển kinh tế địa phương.

Thứ ba, về nhân lực, nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của TPHCM. Thành phố đã đặt ưu tiên vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, với tỷ lệ người dân có trình độ đại học đạt mức cao, khoảng 38% theo số liệu gần đây. Bên cạnh đó, thành phố còn duy trì và phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, và công nghệ.
Với sự tập trung vào phát triển kỹ năng nghề nghiệp và sáng tạo, TPHCM đã tạo ra một lực lượng lao động linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động hiện đại. Đồng thời, chính sách thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn đã giữ chân người tài năng và thu hút nhân sự quốc tế, tăng cường đa dạng và sức mạnh của lực lượng lao động. Như vậy, nhân lực chất lượng cao không chỉ đóng góp vào sự phát triển nội địa mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc tế cho TPHCM.

Bên cạnh những lợi thế sẵn có, để từng bước xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM, cần triển khai một cách đồng bộ các kế hoạch sau: phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số, hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính, phát triển thị trường hàng hóa phái sinh, chuẩn bị kỹ lưỡng hạ tầng kỹ thuật về phần mềm, thanh toán trên nền tảng số với thời gian thực, ban hành quy chế quản lý, khung chính sách pháp lý, các chế định về trọng tài thương mại, giải quyết các tranh chấp thương mại, tranh chấp quốc tế, bảo đảm thi hành ngay các quyết định, phán quyết, các bảo đảm cho nhà đầu tư, công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế để phục vụ cho trung tâm tài chính,….

Từ đó cho thấy, để TPHCM hướng tới chuyển đổi trở thành một Trung tâm tài chính quốc tế, bên cạnh một quyết tâm chính trị lớn, thì còn cần sự nỗ lực chung tay của tất cả người dân, không chỉ riêng tại TPHCM mà còn cả các địa phương khác cũng như cả nước.
Thành An

Bài mới
Đọc nhiều