TPHCM: Tài xế hoa mắt với biển báo trùng nội dung, lặp nhiều lần
Ngoài việc biển báo bị che khuất bởi bảng hiệu, cây xanh, trụ điện gây khó cho tài xế quan sát, các cửa ngõ tại TPHCM còn xảy ra tình trạng biển báo giống nhau lặp lại nhiều lần tại giao lộ. Tình trạng này gây rối rắm cho người tham gia giao thông.

“Tài xế chỉ thấy biển báo khi tới gần. Họ xem lướt qua rồi tập trung lái xe chứ không theo dõi kỹ. Việc treo quá nhiều biển báo ở gần nhau sẽ đánh đố người tham gia giao thông”, tài xế Việt nói.
Các tuyến đường cửa ngõ ở TPHCM như: Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… thanh giá long môn tại nhiều giao lộ treo cả chục biển báo.
Các biển phân làn, cảnh báo tốc độ, cấm, chỉ đường, hiệu lệnh… lắp san sát như một ma trận. Tài xế lái xe qua giao lộ phải hạ tốc độ, căng mắt quan sát vô cùng khó khăn. Thậm chí, biển báo có cùng nội dung nhưng lặp lại nhiều lần.
Điển hình, tại hai đầu hầm sông Sài Gòn (nối quận 1 và TP Thủ Đức), người đi đường hoa mắt với số lượng biển báo dày đặc, không thể nào đọc hết khi lái xe qua giao lộ trong thời gian 5-10 giây. Trong đó, một số biển có khổ hình và chữ nhỏ, tài xế không thể đọc hết để biết ý nghĩa.
Tài xế Trần Đình Việt (32 tuổi, quê Bình Thuận) cho rằng, người lái xe chỉ có thể liếc nhìn biển báo rồi lưu thông cho phù hợp, chứ không thể nào đọc kỹ, rồi phân tích biển đó ý nghĩa gì.
“Người tham gia giao thông chỉ nhìn thấy biển báo khi tới gần. Họ xem lướt qua rồi tập trung lái xe chứ không thể nào nhìn chằm chằm biển báo. Nên việc treo quá nhiều biển báo ở gần nhau sẽ không phát huy được hiệu quả, mà còn đánh đố người tham gia giao thông”, anh Việt nói.
Không chỉ làm khó người tham gia giao thông, nhiều tài xế còn cho rằng hiện nay việc lắp đặt biển báo gây lãng phí vì có nhiều biển trùng lặp. Tại giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con (quận 1), khung giá long môn nơi đây gắn 7 biển báo cấm đi ngược chiều và thêm 2 biển báo cùng loại được treo trên cột đèn.
Theo ghi nhận, đường Mai Chí Thọ đoạn qua nút giao An Phú, TP Thủ Đức (hướng vào hầm Thủ Thiêm), thanh giá long môn treo 3 biển báo sát nhau có cùng nội dung chỉ đi thẳng “đường Đồng Văn Cống 0,6km; đường Trần Não 3,3km; hầm sông Sài Gòn 5,7km”.
Cũng tại đây, có thêm 2 tấm biển chung nội dung chỉ hướng rẽ trái “đường Đỗ Xuân Hợp 3,2km; đường Vành Đai Đông 4,5km; quốc lộ 51, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây”.
Đáng nói, đường Vành Đai Đông, TP Thủ Đức đã được đổi tên thành đường Võ Chí Công từ năm 2016 nhưng đến nay biển báo vẫn không thay đổi.
Theo anh Phạm Thanh Sơn (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), chỉ cần lắp một biển chỉ hướng đi thẳng và 1 biển chỉ hướng rẽ ở giữa khung giá long môn là tài xế đều nhìn thấy và biết mình phải đi như thế nào cho đúng lộ trình.
Những biển báo chỉ hướng đi như vậy không còn nhiều tác dụng, vì người dân sống ở thành phố, thường xuyên qua lại tuyến đường Mai Chí Thọ mỗi ngày, họ đã quá quen thuộc các hướng đi. “Người dân từ các tỉnh mới đến, họ thường sử dụng Google Maps để chỉ đường”, anh Sơn nói.
Một cán bộ Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) sau khi xem các biển báo trùng lặp, rối rắm do phóng viên cung cấp, vị này cho biết sẽ đi khảo sát và xem lại.
“Chúng tôi sẽ xem lại các biển báo ở những tuyến đường phóng viên vừa phản ánh và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu. Nếu biển nào trùng lặp, thừa và gây rối rắm khiến tài xế khó quan sát, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh phù hợp. Những biển báo bị cây xanh che khuất cũng được xử lý để đảm bảo tài xế quan sát”, vị này nói.
Liên quan vụ việc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, bộ đã phân cấp nên địa phương phải có trách nhiệm về các vấn đề liên quan trên những tuyến đường này, trong đó có việc quản lý và xử lý các biển báo giao thông.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các quy định, quy chuẩn về biển báo giao thông, vị trí cắm biển báo đã có cụ thể. Nếu có bất cập trong tổ chức giao thông, các địa phương, đơn vị liên quan phải nhanh chóng xử lý để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ người dân.
Bích Ngân