TP.HCM nên mạnh dạn mở cửa, ‘chớp thời cơ’ phục hồi kinh tế
“TP.HCM nên mạnh dạn mở cửa nhằm tranh thủ thời cơ và chấp nhận số ca Covid-19 tăng ở mức kiểm soát được” – PGS-TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị.
Ngày 16/10, tại hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025” do UBND TPHCM tổ chức, nhiều chuyên gia đề xuất lãnh đạo thành phố mạnh dạn phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội vì đã hội tụ khá đầy đủ các điều kiện cần thiết.
“Tốc độ ban hành chính sách chậm gây tổn thất không thua kém so với tác động của dịch COVID-19”, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (Trường Đại học Kinh tế – Luật TPHCM) cảnh báo.
Kinh tế có nguy cơ suy thoái
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, kinh tế TPHCM gánh chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng sau làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19. “Sốc tiêu cực” xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu. Tổn thất thấy rõ ở cá nhân, hộ gia đình. Lao động – việc làm suy giảm mạnh. Các doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính và rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng.
Bên cạnh đó, hơn 1 triệu lao động (chiếm 41,2% của gần 2,5 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội) tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách xã hội. Cơ hội việc làm sắp tới sẽ tiếp tục khó khăn do các dòng lao động chậm trở lại TPHCM, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là người có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.
Chuyên gia này cũng chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực trong tháng 9/2021, như mức suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, lĩnh vực và không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8. Một số ngành phục hồi rất mạnh trong tháng 9/2021 như ăn uống tăng gần 14% so với tháng trước. Sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 5%… Dù vậy, mức độ phục hồi kinh tế của TPHCM trong tháng 9 vẫn chưa đạt 50% so với cùng kỳ năm 2020.
“Nếu mức độ hồi phục chậm tiếp tục kéo dài, TPHCM có thể đối mặt với suy thoái”, ông Khánh cảnh báo và đề nghị thành phố triển khai khẩn cấp các chính sách khôi phục sản xuất như chia sẻ chi phí lương, tăng tái tạo việc làm giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải và thu hút lao động có tay nghề quay trở lại làm việc.
Chung sống an toàn với COVID-19
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trường Đại học Y Dược TPHCM), tỷ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi ở TPHCM đã được tiêm ngừa mũi 1 và 72% đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 cho thấy TPHCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần và có thể sống chung an toàn với dịch bệnh. Ông khẳng định, người dân TPHCM đã được bảo vệ với tỷ lệ tiêm vắc-xin hiện tại nhưng với biến chủng Delta thì tỷ lệ tiêm phải tăng lên, điều này thành phố chưa đáp ứng được. Do đó, tiêm vắc-xin nhưng việc áp dụng các biện pháp 5K vẫn là quan trọng nhất.
“TPHCM cố gắng đạt 2 mũi tiêm cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi thì có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Số ca mắc mới cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói và đề xuất TPHCM cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không cần thiết cách ly F1 nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin
Chuyên gia này cho rằng, TPHCM từng bị dịch bệnh hoành hành nên khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn so với Singapore. Khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc mới ở TPHCM sẽ tăng nhưng không tăng nhanh như Singapore. Vì vậy, TPHCM cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ.
Đồng tình, TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam), cho biết từ giữa 2020 đến giữa năm 2021, nhiều nước đã tiêm phủ trên 60% vắc-xin và đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tác động của sự phục hồi này với nền kinh tế Việt Nam là sức cầu xuất khẩu tăng mạnh ở tất cả thị trường. Với xu thế phục hồi tăng trưởng toàn cầu, ông Thành nhận định điều này tác động tích cực đến Việt Nam, xuất khẩu có thể tăng trở lại từ tháng 11/2021 trên cơ sở mở cửa bền vững và thích ứng an toàn.
Chuyên gia này đề xuất sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh, TPHCM cần ưu tiên chính sách tháo gỡ ách tắc vận tải đường bộ và cảng biển, đi đầu trong mở cửa quốc tế. Nếu TPHCM có thể mở cửa trước thì tác động phục hồi với du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất lớn. “Nếu tiêm đủ vắc-xin trên cả nước trước Tết Nguyên đán, tất cả hoạt động kinh tế trong nước cần được mở lại ngay sau Tết, song song với lộ trình mở cửa quốc tế. Với chính sách mở cửa này cộng với gói hỗ trợ phía tài khóa, kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%”, TS Nguyễn Xuân Thành đánh giá.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 như thời gian vừa qua. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã cơ bản được kiểm soát. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TPHCM cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. “Tiến hành song song phục hồi kinh tế xã hội và phòng chống dịch là rất khó, thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng các cơ quan chức năng chuẩn bị kế hoạch phục hồi kinh tế xã hội từ nay đến năm 2025”, ông Mãi cho hay.
Ngọc Anh