TPHCM kiến nghị có cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Báo cáo tại buổi giám sát về tiến độ, hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM vào sáng 17-6, UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM kiến nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM và khu vực.
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phạm Đức Hải làm trưởng đoàn.
Xác định thứ tự ưu tiên đầu tư
Thay mặt UBND TP báo cáo với đoàn, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT khẳng định, trong thời gian qua, TPHCM tập trung đầu tư, hoàn thành các công trình trọng điểm ở các vị trí chiến lược, như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái… Các dự án giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác đều phát huy hiệu quả, giúp TPHCM kéo giảm sâu tai nạn và ùn tắc giao thông.
Cũng trên quan điểm này, TPHCM đang tập trung các dự án, trục đường lớn, như nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, xây cầu Thủ Thiêm 2, vành đai 2 – đoạn 3 (từ nút giao thông Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng)…
Cùng với đó là đang hoàn tất các thủ tục để đầu tư một số công trình như đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (đoạn 1), từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn 2), từ nút giao An Lập (quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh (đoạn 4), xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú (giai đoạn 1), xây cầu vượt thép ngã tư Bốn Xã…
Song, việc đầu tư các công trình giao thông trọng điểm đang gặp nhiều trở ngại như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khả năng huy động vốn. Một số dự án theo hình thức đối tác công tư PPP chưa thể triển khai do quy định chưa rõ ràng, chặt chẽ; các dự án do Bộ GT-VT đầu tư trên địa bàn TPHCM như đường vành đai 3, cao tốc Bến Lức – Long Thành… chậm tiến độ.
Theo ông Trần Quang Lâm, trong giai đoạn qua, vốn ngân sách bố trí ít, chỉ đáp ứng được đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến. Phần vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cũng rất khiêm tốn, chỉ được gần 16.970 tỷ đồng (đạt 13% nhu cầu).
Thay mặt UBND TP, ông Trần Quang Lâm nêu ra các giải pháp khắc phục, nhất là việc vận dụng cơ chế thu hút vốn, quản lý đầu tư theo Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội; hoàn thiện pháp lý theo hình thức PPP… để huy động tối đa các nguồn vốn (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa) đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ.
Song song đó là việc rà soát cơ chế chính sách, các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ bồi thường nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, phát huy mục tiêu, hiệu quả đầu tư các dự án.
Hiện Sở GT-VT đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí xác định mức độ ưu tiên đầu tư dự án giao thông. Vì vậy cần có thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách, như tập trung đầu tư khép kín vành đai 2, vành đai 3, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao số 1, số 5…
Đặc biệt, UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM kiến nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Chia sẻ thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định, phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có phát triển giao thông, là ưu tiên trọng điểm của TPHCM. Vì vậy, UBND TP sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn và tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông.
Trong đó, UBND TP sẽ tập trung thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn để vừa giải quyết bức xúc của người dân, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông.
Ngoài ra, UBND TP cũng chú trọng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện các dự án, thực hiện quy trình liên thông các ngành; phối hợp với bộ – ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Thiếu phân tích nguyên nhân chủ quan
Tại buổi giám sát, các đại biểu (ĐB) HĐND TP đánh giá cao những nỗ lực của UBND TP cùng các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Song các ĐB cũng nêu ra những dẫn chứng cụ thể về những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua.
Theo đó, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng có tình trạng chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi liên tục khiến người dân so bì, khiếu nại và bồi thường kéo dài. Do đó, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị UBND TP hạn chế tình trạng chính sách thay đổi, ảnh hưởng tới người dân, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án giao thông.
Trong khi đó, ĐB Phan Thị Hồng Xuân đề nghị, ngoài xây dựng cầu, đường, thì TPHCM cần có phương pháp quản lý đồng bộ, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý điều hành, quản lý phương tiện cá nhân, giãn dân, phát triển giao thông đường thủy và các giải pháp phi công trình khác… để giải quyết kẹt xe, ngập nước.
Phân tích số liệu từ báo cáo của UBND TP, ĐB Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực TP, dẫn chứng, trong 5 năm qua, TP đầu tư mới và đưa vào sử dụng 338 km (so với kế hoạch là 272 km đường bộ, đạt 124% kế hoạch). Tuy nhiên thực chất, trong 338 km thì chỉ có 152 km chiều dài đường xây mới bằng vốn ngân sách. Số còn lại có đến 185 km đường là tiếp nhận từ các khu dân cư, không có nhiều ý nghĩa về giao thông chính. Nghĩa là TP làm được 152 km đường giao thông, đạt 56%, chứ không phải 124%.
“Đề nghị trừ con số 185 km này để đánh giá chính xác việc thực hiện phát triển giao thông, vì đường dân sinh trong khu dân cư không có ý nghĩa lớn cho giao thông trục”, ĐB Phạm Quốc Bảo nêu ý kiến và đề nghị cần nhìn thẳng vào thực tế, so với kế hoạch để có giải pháp phù hợp hơn.
ĐB Phạm Quốc Bảo cũng chia sẻ về điểm nghẽn lớn trong thực hiện các công trình giao thông là vốn, chỉ đáp ứng khoảng 35,7% nhu cầu (61.000/150.000 tỷ đồng). Song, ĐB Phạm Quốc Bảo cũng đề nghị chỉ rõ hơn nhu cầu vốn còn lại thì được huy động từ đâu, để hình dung được nguồn lực tài chính như thế nào trong giai đoạn tới.
“Trường hợp nguồn vốn đầu tư cho giao thông không đạt thì TPHCM cần đánh giá việc này ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GRDP của TPHCM, từ đó có giải pháp tương xứng, vì giao thông tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế”, ĐB Phạm Quốc Bảo phân tích và hiến kế giải pháp huy động từ các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, UBND TP cần phân tích sâu và có giải pháp sâu sát tương xứng. Đặc biệt, trong các nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm trễ hoàn thành, ĐB Quốc Bảo cho rằng, UBND TP mới chỉ ra các nguyên nhân khách quan mà chưa chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan như năng lực hạn chế của đơn vị tư vấn, nhà thầu, cán bộ quản lý hoặc trong cơ chế điều hành.
“Nếu không thừa nhận nguyên nhân chủ quan thì coi như các hạn chế đều là khách quan hết”, ĐB Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.
Ông PHẠM ĐỨC HẢI, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM: Ưu tiên vốn cho dự án trọng điểm, chứ không “rải mành mành”
Đoàn giám sát đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của UBND TP trong việc thực hiện chương trình đột phá của Đảng bộ TPHCM về giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. TPHCM cũng dành nguồn lực khá lớn đầu tư các công trình giao thông. Qua đó, nhiều công trình cầu đường đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng góp phần giải quyết quyết ùn tắc giao thông và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Song nhìn chung, tốc độ đầu tư đường giao thông bình quân chỉ đạt 100km đường/năm, nếu so sánh với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đầu tư mới khoảng 670km đường/năm, thì tốc độ này là rất thấp. Điều này đòi hỏi cần ưu tiên vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Mặc dù các đơn vị liên quan có nhiều nỗ lực nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, tiến độ thực hiện các dự án vẫn chậm, nhất là có 28 dự án phải dừng vì vướng mặt bằng và 29 dự án thi công cầm chừng.
Nguyên nhân chậm trễ có nhiều, đặc biệt là công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa kỹ, chưa khoa học. Từ đó hàng loạt hệ lụy phát sinh như phải thay đổi, điều chỉnh dự án nhiều lần, dự án đội vốn và thiếu tính thẩm mỹ. Trong khi đó, người dân thì bị giải tỏa nhiều lần như có người dân ở quận Tân Phú bị giải tỏa 2 lần cho 2 dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn và cầu Bưng, người dân ở quận 2 bị giải tỏa 2 lần cho dự án đường Võ Chí Công và dự án nút giao Mỹ Thủy.
Mặt khác, việc phân bổ nguồn lực chưa khoa học, dẫn đến nhiều dự án chưa được giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn dự án chống sạt lở ở Xóm Củi dài 862m, nhưng thi công đúng 30m rồi… ngưng. Người dân nhìn vào không hiểu là gì cả! Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như có sự nhận thức khác nhau trong xác định giá bồi thường, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ khiến thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài cũng như chậm trễ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Trong điều kiện hạn chế vốn thì UBND TP cần ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án trọng điểm, chứ không thể dàn trải theo kiểu “rải mành mành”. Đối với các công trình dở dang như cầu Bưng (quận Tân Phú), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)…, UBND TP cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tránh gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, trong công tác chuẩn bị đầu tư cũng cần thực hiện chặt chẽ, bài bản, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
KIỀU PHONG – MẠNH HÒA/