+
Aa
-
like
comment

TPHCM cho thuê vỉa hè, mong không ai bị bỏ lại phía sau

Hạnh Văn - 10/05/2024 08:02

Từ ngày 9/5 đến hết 30/9, UBND quận 1 (TPHCM) tổ chức thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn quận.

Người bán hàng rong chưa thuộc diện được đăng ký thuê vỉa hè.

Người dân muốn tra cứu nhanh chức năng hè phố tại vị trí số nhà nào trên địa bàn quận 1 có thể thông qua phần mềm Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1.

Trước đó, UBND quận 1 cho biết, địa bàn có 52 tuyến vỉa hè đủ điều kiện sử dụng một phần tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và 12 tuyến cho giữ xe có thu phí.

TPHCM áp dụng thu phí vỉa hè từ đầu tháng 1/2024, cho trên gần 900 tuyến đường thuộc 5 khu vực trên địa bàn. Những đường thuộc diện thu phí có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, đủ điều kiện cho sử dụng một phần để giữ xe, kinh doanh.

Mức thu phí 20.000-350.000 đồng/m2, tùy khu vực. Ngoài quận 1, các quận, huyện khác trên địa bàn đang rà soát, lập danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức các hoạt động có thu phí.

Theo danh sách được nêu trong công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn từ 1/1/2024 của Sở GTVT TPHCM, có gần 900 đường trung tâm chia theo 5 khu vực ở thành phố được đưa ra để các quận huyện căn cứ và áp dụng mức phí nếu triển khai cho thuê vỉa hè.

Vỉa hè đường Phan Chu Trinh – đối diện chợ Bến Thành (Quận 1) bị chiếm làm điểm giữ xe máy.

Cũng theo hướng dẫn của Sở GTVT, vỉa hè thuộc diện “cho thuê” phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Lâu nay, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở TPHCM khó xử lý xuể, trong khi lực lượng trật tự đô thị không thể cứ tuần tra, phạt 24/24 giờ được.

Cho nên việc thu phí sử dụng tạm, đi kèm các biện pháp quản lý đảm bảo trật tự giao thông là cần thiết.

Tuy nhiên, từ bao lâu nay, người dân đã quen với việc sử dụng lòng đường, vỉa hè miễn phí. Nhiều chủ nhà mặt tiền mặc định phần lòng đường, vỉa hè trước nhà là được thoải mái sử dụng.

Cho nên việc triển khai thu phí cần dựa trên kinh nghiệm quốc tế, thí điểm mô hình thu phí tại một số tuyến, khu vực trước rồi mở rộng để nhận được sự đồng tình lớn từ người dân. Qua đó người dân thấy được lợi ích của thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè là lợi ích bền vững, lâu dài. Họ thấu hiểu hơn và cùng chính quyền xây dựng đô thị.

Điển hình như ở Mỹ, quy định phí lòng đường, vỉa hè do các hộ mặt tiền trả theo năm. Việc sử dụng không được tùy tiện, phải tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương. Toàn bộ phí thu để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, thí điểm của TPHCM chưa cho phép những người buôn bán không phải là hộ kinh doanh, tức là những người bán hàng rong, được thuê vỉa hè. Theo đề án thu phí, các tuyến thuộc quận, huyện nào quản lý sẽ do địa phương đó thực hiện “dọn dẹp” và thu phí.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, việc kẻ vạch sơn vỉa hè trên địa bàn quận 1 đang được các phường triển khai thực hiện. Có 4 phường tiến hành kẻ vạch gồm Bến Thành, Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh, Đa Kao. Các phường còn lại cũng đang có kế hoạch, sắp tới kẻ vạch một số tuyến thí điểm trước Tết Nguyên đán.

Đối với trường hợp nhà người dân đang kinh doanh mà muốn mở rộng thêm phần vỉa hè, thì vỉa hè phải nằm trong danh mục do quận ban hành. Người dân lập phương án đề xuất lên UBND quận 1. Khi quận duyệt thì người dân sẽ đóng phí sử dụng dựa trên diện tích đề xuất trước đó.

Chỉ chủ căn nhà đang kinh doanh thì mới được mở rộng hoạt động kinh doanh ra phần vỉa hè phía trước nhà. Nếu chủ nhà không kinh doanh hoặc không có nhu cầu kinh doanh thì không ai được phép đóng phí sử dụng vỉa hè tại đây, khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước.

Vị đại diện giải thích, “Không có chuyện ông hàng xóm hay người lạ nào bưng bàn đến vỉa hè trước nhà để bán hàng… Nếu bản thân chủ nhà đó không kinh doanh gì, nhưng ông ấy lại đem bàn ghế ra trước vỉa hè buôn bán cũng không được”. Ngoài ra, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cũng nói rõ, “Vỉa hè chỉ phục vụ cho chính mục đích người đang kinh doanh trong nhà nên tuyệt đối không có chuyện người khác đem hàng rong đến trước cửa nhà người khác để buôn bán, nên người dân yên tâm. Phí thu vỉa hè được niêm yết công khai, người dân chỉ việc đóng và sử dụng”.

Quan điểm này của Phòng quản lý đô thị quận 1 là đúng, bởi việc sử dụng vỉa hè cần phải được quản lý một cách khoa học, triệt để, nhất là sau quá nhiều năm thực trạng lấn chiếm lòng lề đường ở TPHCM đã rất nặng nề.

Nhìn ở chiều ngược lại, điều này cũng có nghĩa thí điểm cho thuê vỉa hè chưa phổ quát với toàn bộ các đối tượng. Đã là thí điểm thì điều này không tránh khỏi, sẽ cần một thời gian nữa để thành phố rút kinh nghiệm, người dân làm quen với phương thức mới thì chính sách mới có thể hoàn thiện. Nhưng mong rằng trong quá trình thí điểm này, vấn đề “gánh hàng rong” sẽ đến một lúc được đánh giá, cân nhắc, bởi lực lượng lao động này chiếm số lượng không nhỏ.

Đành rằng gánh hàng rong “góp mặt” trong nhiều vấn đề mỹ quan, vệ sinh, an toàn giao thông, nhưng nếu chính sách không tính đến nhóm người này cũng sẽ là bất cập. Và như thế thì cảnh “trật tự hốt, hàng rong chạy” lại không giải quyết được.

Có lẽ dần dà, chính quyền TPHCM sẽ có những biện pháp mà trong đó, cả những gánh hàng rong, hộ kinh doanh, chủ nhà đều được hài hòa về lợi ích và bộ mặt thành phố sẽ ngày càng tươm tất, lịch lãm như đúng vị thế trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều