+
Aa
-
like
comment

TPHCM chỉ đạo nhanh chóng “làm sạch, làm xanh” khu phong tỏa

27/07/2021 11:49

UBND TPHCM chỉ đạo nhanh chóng xét nghiệm để tìm và đưa tất cả F0, F1 ra khỏi khu phong tỏa hoặc cách ly tại nhà, từ đó làm sạch địa bàn, từng bước mở rộng khu vực an toàn.

Một số địa phương tại TPHCM đã lập chốt chặn “bảo vệ vùng xanh” tại các khu vực chưa có ca mắc COVID-19. Ảnh: Ngọc Lê
Một số địa phương tại TPHCM đã lập chốt chặn “bảo vệ vùng xanh” tại các khu vực chưa có ca mắc COVID-19. Ảnh: Ngọc Lê

UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở ban ngành và UBND các quận, huyện Thành phố Thủ Đức về việc tăng cường các biện pháp quản lý các khu phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Theo đó, TPHCM yêu cầu các địa phương trên cơ sở đánh giá vị trí, diện tích, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ để xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, trong đó, không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Việc xác định phạm vi phong tỏa sẽ dựa vào số F0 được phát hiện ngay trước lúc phong tỏa và vị trí sinh sống của các ca F0 này. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây nhiễm của khu vực có F0 gồm: mức độ giao lưu tiếp xúc của F0, môi trường sống tại khu vực đó, tình trạng nhà ở (nhà hẹp, nhiều người… ), trong hẻm nhỏ hoặc mặt tiền đường, mức độ tập trung và giao tiếp của người dân trong khu vực… Ngoài ra, việc xác định phạm vi phong tỏa cần có sự tham mưu của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

UBND TPHCM yêu cầu các địa phương nhanh chóng xét nghiệm (bằng test nhanh trước, PCR sau) để tìm và đưa tất cả F0, F1 phát hiện ra khỏi khu phong tỏa hoặc cách ly tại nhà đối với những trường hợp F0, F1 có đủ điều kiện chống lây nhiễm.

Về giải tỏa, địa phương làm theo nguyên tắc giải tỏa từng phần, trước tiên là khu vực ít nguy cơ, đến khu vực nguy cơ vừa, sau cùng là nguy cơ rất cao.

Một khu vực đạt tiêu chuẩn giải tỏa nhưng còn hộ phải tiếp tục cách ly (hộ có F1, F0 cách ly tại nhà) cũng được giải tỏa và tiếp tục quản lý nghiêm hộ còn phải cách ly.

Tiêu chí để xem xét giải tỏa từng phần gồm: Khu vực nguy cơ thấp xét nghiệm lần 1 sau 5 ngày không phát hiện ca F0 mới; khu vực nguy cơ vừa xét nghiệm lần 2 sau 5 ngày không phát hiện F0 mới; Khu vực nguy cơ rất cao xét nghiệm lần 4 sau 5 ngày không phát hiện F0 mới.

UBND TPHCM giao các địa phương phải thành lập Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa với sự tham gia của công an, quân sự, y tế, thanh niên xung phong, tình nguyện viên, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng.

Tổ quản lý này có trách nhiệm tiếp nhận thông tin đầy đủ về hộ dân trong khu phong tỏa, lập danh sách và ghi nhận số điện thoại từng hộ dân, hỗ trợ điều tra phân loại nguy cơ từng hộ. Bên cạnh đó, tổ công tác tổ chức “đi chợ thay”, tiếp nhận nhu yếu phẩm thiết yếu và cung cấp cho hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.

Thành phố giao lực lượng công an, quân đội thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát, đảm bảo quy định giãn cách; có hình thức cưỡng chế, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.

Định kỳ, các khu phong toả sẽ được địa phương và đơn vị liên quan đánh giá mức độ an toàn để kịp thời gỡ bỏ từng phần. Điều này nhằm giảm tâm lý cho người dân và giảm áp lực cho các lực lượng quản lý khu phong tỏa.

Tính đến trưa 26.7, toàn TPHCM có gần 3.600 điểm phong tỏa.

Từ ngày 27.4 đến sáng 27.7, TPHCM ghi nhận 68.271 ca nhiễm COVID-19, trong đó tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 16.659 ca.

Minh Quân

Bài mới
Đọc nhiều