TPHCM bàn giải pháp chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy mở rộng lần này tập trung thảo luận công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chiến lược, kịch bản sau ngày 15/9 của các chuyên gia nhằm từng bước khôi phục kinh tế trong thời gian tới.
Chiều 6/9, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy (mở rộng) về đánh giá 14 ngày triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Hội nghị tập trung thảo luận, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tập trung triển khai phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị còn có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM đã bước sang tuần thứ hai thực hiện Nghị quyết 86 và Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, đến thời điểm này, TPHCM đã đạt một số kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Tại hội nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ nghe và thảo luận về một số công tác chuẩn bị cho các chiến lược, kịch bản sau ngày 15/9 của các nhóm tư vấn, nhóm chuyên gia Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đề xuất.
“TPHCM đã có 1 tuần khởi động, 1 tuần tăng tốc và giờ đây còn 2 chặng nữa để thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ giao TPHCM phấn đấu kiểm soát dịch COVID-19 trước ngày 15/9”, ông Nên nói và đề nghị hội nghị tập trung thảo luận về các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, sau 14 ngày tăng cường giãn cách, việc thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” đã chuyển biến rõ rệt.
Lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông đã giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8. Phong trào tự quản bảo vệ vùng xanh từ quận 3 được nhân rộng trên toàn thành phố với hơn 12.000 tổ tự quản bảo vệ vùng xanh, chiếm hơn 48% tổ dân phố.
Ông Đức cho biết, toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có nguy cơ cao – vùng cam và rất cao – vùng đỏ đã được xét nghiệm. Tổng số mẫu test nhanh thực hiện đợt 1 là hơn 2 triệu mẫu trong đó phát hiện hơn 75.500 F0, chiếm tỷ lệ 3,66% tổng số mẫu xét nghiệm.
Riêng đợt 2 đang triển khai, với hơn 1,4 triệu mẫu xét nghiệm, TPHCM phát hiện hơn 39.000 F0 (tỷ lệ 2,7%).
Đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, theo ông Đức trong đợt 1, TPHCM đã lấy hơn 965.000 mẫu gộp đại diện hộ gia đình tại vùng xanh; gần 223.700 hộ tại vùng cận xanh và gần 286.600 hộ tại vùng vàng. Tỷ lệ F0 trên tổng số mẫu gộp ghi nhận tại vùng xanh, cận xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%.
Trong điều trị, TPHCM đang điều trị 42.863 ca; tổng số bệnh nhân xuất viện từ ngày 1-1 đến nay là 125.481 người. Số F0 tại các khu cách ly tập trung quận, huyện và TP Thủ Đức là hơn 24.100 người, số F0 cách ly tại nhà là gần 84.000 người và F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà là hơn 27.500 người.
TPHCM tập trung nhiều hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, giúp điều trị kịp thời cho các F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong. Từ đó, các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến đã được giảm tải, đồng thời giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đánh giá, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, Thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân.
Trung tâm An sinh TPHCM đã hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh cho người dân trong tổng số 2 triệu túi an sinh đã chuẩn bị. Việc chi các gói hỗ trợ được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, thành phố đã chi trên 4.896 tỷ đồng.
Thành phố đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỷ đồng…
“Có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng người dân bức xúc vì chưa được hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đồng đều. TPHCM đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân”, ông Đức cho hay.
Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết TPHCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế hơn 5,6 triệu liều. Ngoài ra, thành phố được tài trợ 5 triệu liều. Đến nay, TPHCM đã tiêm gần 6,6 triệu mũi, gồm hơn 6 triệu mũi 1 (đạt tỷ lệ 84% người trên 18 tuổi được tiêm) và gần 499.000 mũi 2 (gần 7%).
Huy Thịnh