TP Thủ Đức: trung tâm kết nối liên vùng
Diện mạo tương lai của TP Thủ Đức không chỉ là một ‘thành phố trong thành phố’, mà với vị trí quan trọng của mình, nơi đây sẽ còn là một trung tâm kết nối cho cả vùng Đông Nam Bộ về hạ tầng giao thông, công nghệ, công nghiệp…
Rộng 211km2, gồm ba quận hiện hữu là Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức với hơn 1 triệu dân, TP Thủ Đức trong tương lai được kỳ vọng sẽ là hạt nhân tạo ra 30% tổng sản phẩm toàn TP.HCM, đóng góp từ 4-5% GDP cả nước và là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cửa ngõ giao thông
Tại TP Thủ Đức đang và sẽ có rất nhiều công trình giao thông có tầm quan trọng không chỉ với TP.HCM mà với cả khu vực Đông Nam Bộ.
Trong đó, tuyến metro số 1 có 14 nhà ga thì có tới 10 ga nằm xuyên qua TP Thủ Đức, bắt đầu từ cầu Sài Gòn (Q.2) chạy dọc tới depot Long Bình (Q.9). Trong tương lai, metro số 1 không dừng lại ở depot Long Bình mà dự kiến sẽ nối dài tới các đô thị liền kề: Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương).
Nằm cạnh depot Long Bình là bến xe Miền Đông mới có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm đi về các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc chuẩn bị đưa vào khai thác.
Mạng lưới giao thông kết nối liên vùng có điểm nhấn là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dự kiến mở rộng lên 10 đến 12 làn xe. Trước mắt, tuyến đường này là cửa ngõ kết nối với sân bay Long Thành. Về lâu dài, dự án đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm (Q.2) tới sân bay Long Thành với chiều dài 37km cũng đang được nghiên cứu.
Trong khi đó, giữ vai trò điều phối giao thông bên trong nội thành là tuyến Vành đai 2 dài 64km, được quy hoạch rộng 60m. Tuyến đường này có 3 đoạn xuyên qua TP Thủ Đức, trong đó đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái (với xa lộ Hà Nội) dài 3,5km.
Ngoài ra, tuyến Vành đai 3 theo quy hoạch rộng từ 6-8 làn xe, dài khoảng 89,3km, đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM cũng đang quan tâm đẩy nhanh khép kín.
Đô thị hạt nhân của TP.HCM
Trong ‘đề bài’ thi tuyển ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông, UBND TP.HCM đặt ra đến 6 điểm nhấn với tham vọng nơi đây sẽ là ‘quả đấm kinh tế’ đóng góp 30% tổng sản phẩm (GRDP) trên toàn TP.
Theo định hướng, TP Thủ Đức là một khu vực phát triển đô thị gắn liền với tri thức, công nghệ cao và thông minh, đáp ứng đủ nhu cầu không gian, tiện ích cho kinh tế khởi nghiệp. Đây cũng là nơi mà các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong khu vực sẽ liên kết mật thiết với nhau để các kết quả, sản phẩm của mình được gia tăng giá trị, mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.
Khu đô thị sáng tạo cũng là nơi làm việc, học tập và sinh sống của các chuyên gia, nhà khoa học, lực lượng lao động có chất lượng cao và cộng đồng dân cư…
Hiện khu đô thị sáng tạo này đã có sẵn ba hạt nhân chính là Đại học Quốc gia TP.HCM (hạt nhân về công nghệ – giáo dục), Khu công nghệ cao TP.HCM (hạt nhân công nghệ – tự động) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính).
Bên cạnh đó còn có những khu vực đã được quy hoạch sẵn như khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, khu đô thị đa năng Trường Thọ, khu Tam Đa.
Một lãnh đạo Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM cho biết có hai khu vực mới trong định hướng quy hoạch là khu đô thị Trường Thọ và khu Tam Đa. Khu đô thị Trường Thọ (Q.Thủ Đức) được định hướng là đô thị đa năng mật độ cao, khai thác cảnh quan sông nước của sông Sài Gòn để gắn kết với trung tâm hiện hữu của TP qua đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa. Đây sẽ là khu dân cư thân thiện với môi trường, khai thác tối đa giao thông công cộng.
Với khu Tam Đa, chính quyền TP.HCM có tham vọng xây dựng nơi này thành một trung tâm mới, một Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TP. Theo quy hoạch chung, Tam Đa là trung tâm thứ cấp đa chức năng lớn của TP.HCM. Nơi đây sẽ chia sẻ áp lực phát triển với khu trung tâm TP.HCM.
Tam Đa sẽ là một trung tâm dịch vụ công nghiệp cấp vùng cho các đô thị công nghiệp xung quanh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Phú Mỹ… Tham vọng hơn, TP còn dự tính biến Tam Đa thành một trung tâm công nghiệp tầm cỡ quốc tế.
Tại cuộc họp triển khai đề án khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM (gọi là TP Thủ Đức) gần đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp xây dựng quy định tạm thời về quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức. Quy định này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của 3 quận nói trên và trình ban chỉ đạo thông qua trong tháng 10-2020.
* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Có cả thời cơ và thách thức
Đề án thành lập TP Thủ Đức cùng với các đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường; tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách trung ương cho TP và xây dựng trung tâm tài chính nằm trong chuỗi đề án để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, các đề án này nhằm thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về định hướng TP.HCM là đô thị đặc biệt.
Mong muốn của lãnh đạo TP.HCM đặt ra hướng đi cho TP Thủ Đức là đô thị thông minh, tương tác cao. Mô hình TP này là nơi thí điểm mô hình phát triển cách mạng 4.0 ở toàn bộ các lĩnh vực.
Tuy vậy, việc thực hiện đề án này cũng có những thách thức, cần tính toán kỹ. Cụ thể, trên cơ sở định hướng đó, ngay từ bây giờ phải tính đến việc tổ chức quy hoạch như thế nào để đảm bảo phát triển TP Thủ Đức bền vững theo hướng xanh, sạch.
Muốn vậy, chúng ta phải có những khu mảng xanh, công viên của TP. Cùng với đó là việc kết nối giao thông như thế nào cho đồng bộ với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai (trong đó có sân bay Long Thành).
Mặt khác, việc tổ chức bộ máy hành chính của TP này cũng phải tinh gọn bởi đây là TP sẽ thí điểm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Những con người sống trong đô trị này sẽ thích ứng và phải là công dân trong thế giới số. Quan trọng hơn, phải tính chuyện quy hoạch, kiểm soát thị trường bất động sản, không để xảy ra việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
Về lâu dài, nếu giá nhà đất bị đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trong đề án TP Thủ Đức sau này. Ngoài ra, đề án cũng cần tính toán đến vấn đề nguồn nhân lực, quy hoạch và lộ trình thực thi việc kết nối giữa bộ máy hành chính TP mới với bộ máy cũ của các quận, huyện hiện hành.
* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
TP Thủ Đức sẽ là động lực mới của TP.HCM
Đứng ở góc độ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tôi hoan nghênh việc thành lập TP Thủ Đức, tôi tin rằng khu vực này sẽ là một cực rất phát triển của TP.HCM trong thời gian tới.
Và thật là trùng hợp khi những chính sách để thành lập TP Thủ Đức lại rơi vào thời điểm nhiều chính sách đất đai và đầu tư có sự cải thiện rõ rệt, tính đồng bộ cao hơn, tính hệ thống cao hơn, tính liên thông tốt hơn.
TP Thủ Đức sẽ cần rất nhiều loại hình nhà ở để phục vụ nhu cầu kiến thiết và phát triển. Đó là các loại nhà ở trung, cao cấp cho những người thu nhập cao, đội ngũ doanh nhân đến đầu tư, đội ngũ chuyên gia đến làm việc.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng cần nhiều nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá thấp phù hợp với đối tượng lao động, công nhân.
Thời gian qua tại khu vực này đã có những dự án quy mô và hiện đại đang được phát triển như dự án Vinhomes GrandPark của VinGroup với quy mô 271ha, dự án chuyển đổi sân Golf Rạch Chiếc thành khu đô thị, dự án Khu đô thị Vạn Phúc Thủ Đức…
Đối diện với Vinhomes GrandPark bên kia sông Đồng Nai là một đại dự án Aqua City của Novaland. Khi hoàn thiện hạ tầng, có cầu nối giữa hai bờ sẽ hợp thành một trọng điểm phát triển dân cư mới hiện đại và cao cấp.
ĐỨC PHÚ – DƯƠNG NGỌC HÀ/TT