+
Aa
-
like
comment

TP.Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính ngang với Singapore – Tại sao không?

Han Cao - 25/06/2020 07:46

Tài chính là mức độ biểu hiện cô đọng nhất của một thị trường. Thị trường càng tập trung, càng phát triển, càng cần có một nền tài chính tương xứng đại diện cho các mối quan hệ phân phối của cả xã hội. Do vậy, mỗi quốc gia có 1 nền kinh tế, trong nền kinh tế sẽ có thị trường lõi, tại đây xuất hiện một trung tâm tài chính. Ở Việt Nam thị trường kinh tế mạnh nhất, phát triển nhất chính là TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong tương lai, nơi đây có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính sánh ngang Singapore và Hồng Kông.

Nhìn khách quan, thị trường ở TP.Hồ Chí Minh chưa phát triển xứng tầm với vị thế và tiềm năng của nó. Nền tài chính ở đây còn sơ khai chưa đạt đến những nấc thang giá trị cần thiết để hòa vào nền tài chính thế giới. Thực tế là đã có những nỗ lực muốn “hòa vào” với thế giới nên trung tâm thị trường chứng khoán mới được đặt tại thành phố này.

Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính sánh ngang Singapore và Hồng Kông.

Với sự thay đổi mạnh mẽ và không ngừng của thế giới, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chưa bao giờ có. Muốn hội nhập nắm bắt cơ hội, Việt Nam bắt buộc phải có một trung tâm tài chính đúng nghĩa. Khi sản xuất thương mại phát triển đến độ chuyên môn hóa cao, các giá trị sẽ được quy về phạm trù tài chính. Trong dòng chảy tài chính thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tìm cho mình một chỗ đứng ngang hàng như Singapore hay Hồng Kông, bởi thế mạnh về địa chính trị, xã hội và kinh tế.

TP.Hồ Chí Minh được đánh giá là điểm sở hữu những thế mạnh sẵn có của một thị trường. Nơi mà có thể là cửa ngõ tiếp cận với thế giới bằng một trung tâm tài chính toàn diện. Cơ hội ở trước mắt, nhưng nắm bắt được cơ hội để đưa thành phố này đến với vị thế là một trung tâm tài chính của Quốc gia và của khu vực là cả một quá trình.

Cơ hội nhãn tiền

Sau dịch bệnh Covid – 19 vừa qua, hầu hết các quốc gia mới tá hóa nhận ra họ đã quá phụ thuộc vào chuỗi giá trị hàng hóa do Trung Quốc cung cấp. Nhất là Mỹ, Ấn Độ, một số nước châu Âu đã quá phụ thuộc và nguồn cung nguyên liệu, nguồn gia công hàng hóa giá rẻ, nhân công đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Do vậy, sự giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là mong muốn của nhiều nước, trong đó đi đầu là Mỹ.

Họ cần một nơi tương tự như Trung Quốc, và Việt Nam được đánh giá là một địa điểm lý tưởng để các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia dịch chuyển. Đây là cơ hội rất lớn giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển, hợp tác sâu rộng hơn. Và đây cũng sẽ là cơ hội để hình thành một trung tâm tài chính. Vì đi theo sự dịch chuyển các công ty luôn cần sự thanh toán, giao dịch thuận tiện cho việc kinh doanh sản xuất. Điều này thường diễn ra ở các trung tâm tài chính như Thượng Hải, Hồng Kông hay Thâm Quyến – nơi các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia đặt nhà máy, trụ sở.

Trước đây, Hồng Kông đã được vận dụng là một trung tâm tài chính “cửa ngõ” giúp việc giao thương giao dịch giữa Trung Quốc và thế giới trở nên dễ dàng hơn. Nơi đây được ví là lối đi ra thế giới của nền tài chính Trung Quốc và là lối đi vào thị trường tỷ dân của các công ty xuyên quốc gia. Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ Hồng Kông không còn như trước, Bắc Kinh đã áp đặt chính sách, Mỹ và phương Tây cũng dần thay đổi điều kiện.

TP.Hồ Chí Minh của Việt Nam là nơi hội tụ nhiều yếu tố có thể trở thành một trung tâm tài chính như Hồng Kông. Trước tình hình đó, việc vươn lên, mở của hội nhập sâu hơn nữa là cần thiết để Việt Nam nắm lấy cơ hội.

Cả Hồng Kông và Singapore đều không mạnh về sản xuất hay cung ứng vật phẩm cho thị trường. Họ chỉ tận dụng các lợi thế để trở thành “tay trung gian”, là đầu mối trung chuyển giữa nước này với nước khác. Qua đó họ đi lên theo dòng phát triển chung của các khối thịnh vượng. Tương tự TP.Hồ Chí Minh của Việt Nam có thể trở thành một nơi trung gian với tư cách một trung tâm tài chính mới nổi ở Đông Nam Á. Đó chính là cơ hội nhãn tiền của Việt Nam.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức

Trong mỗi cơ hội luôn đi kèm với một thách thức, điểm mấu chốt Việt Nam có đủ nhanh nhạy và khéo léo để biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành kết quả. Trong nền kinh tế thế giới, cuộc chơi luôn thuộc về các nước lớn và các nước lớn luôn tìm cách gây ảnh hưởng, đặt điều kiện để các nước nhỏ chọn “phe”. Việt Nam không phải nước lớn cũng không quá nhỏ, chỉ có thể khôn khéo để hạn chế tối đa các thách thức. Việt Nam không thể nghiêng hẳn về “phe” nào để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế cũng như hình thành trung tâm tài chính lớn, đó chính là thách thức lớn nhất.

Tiếp theo, thách thức nằm chính ở nội tại Việt Nam, liệu chúng ta có đủ nguồn lực, kỹ năng để tận dụng hết các cơ hội không? Từ khi “mở cửa”, Việt Nam đã đón nhận rất nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn vốn đó chưa đạt hiệu quả tối đa. Làm sao để thay đổi cách dùng vốn đã “thành nếp, thành bài” ở Việt Nam? Nhất là với các nguồn tài chính trong tương lai sẽ chảy qua Việt Nam.

Cuối cùng là sự cạnh tranh đến từ các trung tâm tài chính đã thành hình như Singapore. Chúng ta chưa thành hình, mới chỉ dừng ở mức nhìn thấy cơ hội dành cho TP.Hồ Chí Minh. Trong khi họ đã thành hình và hoạt động trơn tru như một bộ phận của nền tài chính thế giới.

Chủ động trong mọi tình huống

Cần nhìn nhận tổng quan đánh giá hết các thách thức có thể cản trở và chủ động tìm cách tháo gỡ. Chủ động trong mọi tình huống là cách tốt nhất để cơ hội đến với Việt Nam nhanh hơn. Với góc nhìn và sự đánh giá của các chuyên gia thì TP.Hồ Chí Minh hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam có khả năng cạnh tranh vươn ra thế giới. Tuy nhiên, chính những nhà hoạch định chính sách còn chưa chắc chắn là Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh.

Vì vậy, cần có sự chủ động trong việc định hướng và chuẩn bị sẵn các chính sách hỗ trợ phát triển cần thiết cho một trung tâm tài chính, tránh để phân tán nguồn lực quốc gia. Gần đây truyền thông có đưa tin về cụm từ “lót ổ đón đại bàng”, nhưng không rõ Việt Nam chọn đâu làm nơi “lót ổ”. Hay miền Nam một ổ, miền Trung một ổ, miền Bắc một ổ? Trong bối cảnh hiện nay, cùng với các điều kiện thành phố mang tên Bác sẵn có, hãy tập trung, chủ động, ưu tiên để hình thành một trung tâm tài chính mang tầm quốc tế ở đây.

Nói tóm lại, Việt Nam phải xác định đâu sẽ là trung tâm tài chính một cách chính danh, từ đó tập trung nguồn lực cho địa điểm đó. Bên cạnh đó luôn chủ động trong mọi tình huống vì diễn biến thế giới thay đổi từng ngày, hôm nay có thể là cơ hội nhưng ngày mai có thể là nguy cơ, thách thức.

Han Cao

(Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm riêng của tác giả) 

Bài mới
Đọc nhiều