TP.HCM: Xét nghiệm toàn bộ người dân ở ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’ trong 3 ngày
Từ ngày mai (23.8), 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM) đồng loạt xét nghiệm trong cộng đồng phân theo từng vùng nguy cơ với mục tiêu hoàn thành lấy mẫu toàn dân trong 3 ngày để lặp lại lần 2 sau đó.
Chiều 22.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký văn bản điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm số 2716 ban hành ngày 15.8 sau khi Thủ tướng có công điện về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ bắt đầu xét nghiệm từ ngày 23.8 với mục tiêu hoàn tất công tác xét nghiệm cho toàn bộ người dân vào ngày 25.8; sau đó lặp lại xét nghiệm lần 2.
Toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn ở TP.HCM có hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân; phân theo vùng nguy cơ thì có gần 3.100 tổ nguy cơ rất cao và gần 2.000 tổ nguy cơ cao.
Cụ thể, tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ) sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng. Còn các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng thì thực hiện như kế hoạch cũ.
Còn các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng thì thực hiện như kế hoạch cũ. Theo đó, vùng xanh và vùng cận xanh xét nghiệm bằng phường pháp RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình, tần suất 2 lần cách nhau 7 ngày. Đối với vùng vàng, thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ người dân để chuyển từ vùng vàng thành vùng xanh.
Các Trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm (test) kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh kháng nguyên đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp…
Đối với trường hợp người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30 đến 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách. Đội xét nghiệm tổng hợp, lập danh sách kết quả các trường hợp dương tính theo biểu mẫu đính kèm và gửi về trung tâm y tế địa phương.
Đối với những trường hợp dương tính thì xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định. Đội lấy mẫu hướng dẫn người dân thu gom rác làm test nhanh vào túi ni lông trả cho đội xét nghiệm, đội xét nghiệm tiến hành thu gom rác và xử lý như rác thải y tế.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương bố trí nhân sự thu gom rác và xử lý như rác thải y tế.
Cũng theo kế hoạch, UBND TP.HCM đề nghị các địa phương kiểm tra việc các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng kế hoạch và tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ hằng tuần đối với các đối tượng: lực lượng tham gia chống dịch (nhân viên y tế, công an, quân đội, dân phòng, tình nguyện viên…); lái xe, người thu gom rác thuộc công ty môi trường đô thị và công ty dịch vụ công ích, nhân viên bán xăng, nhân viên tại các nhà thuốc tây, nhân viên giao hàng (shipper).
Sỹ Đông