+
Aa
-
like
comment

TP.HCM truy vết thâu đêm chặn dịch: Đã 15 ngày không ca COVID-19 cộng đồng:

17/12/2020 06:23

Sau khi chùm 4 ca bệnh COVID-19 được phát hiện, trong đó có một tiếp viên hàng không, nửa tháng trôi qua TP.HCM không có ca nhiễm mới, những người tiếp xúc cũng đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

TP.HCM gỡ phong tỏa các khu vực liên quan 4 ca COVID-19

Chuyên gia y tế nhận định TP.HCM đã an toàn nhưng không quên lưu ý cần tiếp tục cảnh giác vì vẫn có thể “thủng lưới” bất cứ lúc nào.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 16-12, hai trong nhiều địa điểm từng bị phong tỏa do liên quan 4 ca nhiễm COVID-19 là khu căn hộ số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình và quán karaoke ICOOL số 120 Thành Thái, phường 12, quận 10 đã gỡ bỏ phong tỏa, mở cửa, không còn lực lượng chức năng túc trực. Sinh hoạt của người dân tại chỗ cũng đã trở lại bình thường.

Những ngày truy vết thâu đêm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lê Hồng Nga – trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – khẳng định đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã kiểm soát được chuỗi 4 ca mắc COVID-19 nêu trên. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự đồng lòng của người dân với công tác phòng chống dịch của TP.

Trước đó, chiều tối 30-11, Bộ Y tế thông báo ghi nhận một ca COVID-19 là bệnh nhân 1347, lây nhiễm từ bệnh nhân 1342 khi còn đang trong thời gian cách ly. Một cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế và đầu cầu là các đơn vị liên quan tại TP.HCM được tổ chức ngay trong đêm để khẩn cấp khoanh vùng, truy vết những người tiếp xúc với hai trường hợp này.

Một ngày sau, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định TP.HCM không phải là ổ dịch, mà là nơi lây nhiễm từ bên ngoài. Thủ tướng yêu cầu cấp tốc, thần tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, số lượng người đã phát hiện, không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.

Những ngày sau đó, HCDC liên tục thông báo hàng loạt địa điểm và thời gian các bệnh nhân từng đi qua, đồng thời kêu gọi người dân nào từng đến các địa điểm trên liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn.

Trong quá trình truy vết, TP.HCM phát hiện thêm 2 bệnh nhân mới là các ca bệnh 1348 và 1349. Cuộc chống dịch vô cùng căng thẳng khi số địa điểm 4 bệnh nhân từng đi qua dày đặc, tiếp xúc rất nhiều người tại trường học, lớp dạy tiếng Anh, các nơi vui chơi, mua sắm, ăn uống… Lo lắng nhất khi khai thác thêm dịch tễ bệnh nhân 1342 từng đi học khi đang trong thời gian cách ly tại nơi lưu trú.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, để kiểm soát 4 ca bệnh này, có những thời điểm ngành y tế cũng như các ban ngành liên quan rất áp lực về thời gian để truy vết thần tốc khi lịch trình di chuyển các bệnh nhân dày đặc, đặc biệt là bệnh nhân 1347.

Tất cả mọi người phải làm việc, di chuyển liên tục, thức thâu đêm suốt sáng để truy vết, khoanh vùng những người liên quan. Bên cạnh đó, một số người nhiễm COVID-19, người tiếp xúc ca bệnh không nhớ lịch trình, thậm chí không hợp tác chia sẻ thông tin.

Trước những tình huống này, HCDC phải nhờ tới sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và sử dụng công nghệ thông tin dò tìm bằng tính năng định vị từ số điện thoại di động. “Chúng tôi không thể khoanh tay chờ người bệnh khai báo, mà phải tìm mọi cách vận động, thuyết phục, thậm chí răn đe để lấy được thông tin hành trình di chuyển của người nhiễm, những người có liên quan ca nhiễm” – bà Nga chia sẻ.

TP.HCM truy vết thâu đêm chặn dịch: Đã 15 ngày không ca COVID-19 cộng đồng: - Ảnh 1.
Hẻm 97 Phạm Phú Thứ, quận 6, TP.HCM thông báo gỡ bỏ phong tỏa – Ảnh: NHẬT THỊNH

Nguy cơ vẫn chực chờ

Bà Nga cho biết thời gian qua, TP.HCM thực hiện quản lý và kiểm soát dịch COVID-19 theo phương pháp quản lý chuỗi lây nhiễm. Đây là một cách tiếp cận phù hợp để kiểm soát các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như COVID-19, cúm… Với chuỗi 4 ca bệnh COVID-19 tại TP.HCM, ngành y tế sớm xác định được ca F0 và biết rõ nguồn lây tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, qua các kênh truyền thông của ngành y tế và báo chí cũng như trải qua hai đợt dịch trước, người dân đã chuẩn bị tư thế chống dịch. “Ngay từ đầu chúng ta đã kiểm soát được nguồn lây F0, không để xảy ra tình trạng lây lan rộng. Chúng tôi chỉ sợ khi không rõ nguồn gốc ca F0 vì không biết “địch” ở đâu mà đánh, không biết người nào lây cho người nào” – bà Nga nói.

Dù đã không còn ca nhiễm COVID-19 từ cộng đồng nhưng theo bác sĩ Lê Hồng Nga, TP.HCM vẫn là địa phương có nguy cơ COVID-19 xâm nhập, bởi lẽ với 143 ca bệnh từ đầu mùa dịch đến nay thì có hơn 100 ca nhập cảnh từ nước ngoài. Do đó, nguồn bệnh xâm nhập là thách thức rất lớn của TP, buộc phải đầu tư rất nhiều để kiểm soát dịch từ các chuyến bay giải cứu, các cảng đường thủy, chuyên gia nhập cảnh vào làm việc, cách ly tổ bay quốc tế, kiểm soát quy trình cách ly tại các khu cách ly (tại quân đội, quận huyện, khách sạn…).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – nguyên trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 – nhận định đến nay dịch COVID-19 tại TP.HCM đã an toàn, tuy nhiên cần tiếp tục đề cao cảnh giác, không coi thường dịch bệnh, tiếp tục thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế “khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế”. Đặc biệt, đối với những người liên quan hay sống gần các đơn vị cách ly là khách sạn, khu vực biên giới cần chú ý tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh vì đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao.

“Nếu đi du lịch trong nước thì phải xem trước yếu tố dịch tễ của địa phương đó có an toàn và liên quan COVID-19 không. Việc hạn chế những sinh hoạt không thiết yếu không quan trọng bằng ý thức phòng tránh. Mỗi người dân làm tốt việc phòng chống dịch COVID-19 sẽ tạo sự an toàn cho chính mình, gia đình và xã hội” – bác sĩ Khanh nói.

Bắt đầu thử nghiệm vắcxin của Việt Nam trên người

Sáng nay 17-12, Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y chính thức tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty Nanogen (Việt Nam) sản xuất trên người tình nguyện. Có 60-70 người được thu tuyển từ khoảng 200 người đăng ký để tiêm vắcxin này. Những người được tiêm sẽ tập trung tại một khu vực riêng biệt trong vòng 72 giờ sau tiêm để theo dõi mức độ an toàn của vắcxin. Dự kiến tháng 3-2021, nhà sản xuất sẽ tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 2 trên ít nhất 400 người tình nguyện.

la_tuvantiemvacxin 1(read-only)
Rất đông người tham gia đăng ký tình nguyện tiêm thử vắcxin ngừa COVID-19 – Ảnh: L.ANH

Phát biểu tại lễ ký kết hợp đồng tài trợ bảo hiểm cho người tình nguyện tiêm ngừa vắcxin diễn ra ngày 16-12 ở Hà Nội, ông Đỗ Minh Sỹ – đại diện Công ty Nanogen – cho biết Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP.HCM cũng sẵn sàng tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 (giai đoạn tập trung theo dõi hiệu quả bảo vệ và mức độ an toàn của vắcxin).

Hợp đồng kể trên có tổng giá trị bảo hiểm là 20 tỉ đồng, tối đa 100 triệu đồng/vụ trong trường hợp có tai biến sau tiêm hoặc tổn hại sức khỏe liên quan đến vắcxin và trong phạm vi đền bù. Với việc tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 42 bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 trong năm 2020. Hiện có ít nhất 4 vắcxin trong số này đã và chuẩn bị ra thị trường.

—–

Giám sát chặt các điểm cách ly

16-12 là ngày đầu tiên cả nước không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới (tính chung cả ca bệnh nhập cảnh) và là ngày thứ 15 không có ca mắc cộng đồng sau chùm ca bệnh tại TP.HCM.

Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các địa phương không lơ là chống dịch, tiếp tục thực hiện 5K (khẩu trang – khoảng cách – khai báo y tế – khử khuẩn và không tụ tập), đặc biệt trong số này biện pháp đeo khẩu trang và khử khuẩn rất quan trọng. Tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố đã bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng thì tiếp tục thực hiện, cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt tại các điểm cách ly tập trung và cách ly tự nguyện.

Trong những ngày gần đây, số ca mắc trên thế giới vẫn tăng cao, Bộ Y tế cho biết nguồn lây nhiễm có thể từ người nhập cảnh (bao gồm cả nhập cảnh lậu) và tại cộng đồng. Tại hội nghị gần đây về phòng chống COVID-19, lực lượng biên phòng đã cảnh báo ngoài nhập cảnh lậu qua đường bộ, đã xuất hiện cả nhập cảnh lậu qua đường biển. Bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng, như trường hợp bệnh nhân 416 trong vụ dịch tại Đà Nẵng (bệnh nhân đầu tiên ở Đà Nẵng hồi tháng 7) đến nay vẫn chưa phát hiện nguồn lây.

XUÂN MAI, L.ANH

Bài mới
Đọc nhiều