TP.HCM trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước
40 ngày sau khi phát hiện ổ dịch điểm nhóm truyền giáo, TP.HCM đã vượt Bắc Giang, trở thành nơi có số lượng ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước.
Đêm 26/5, TP.HCM phát hiện 3 người dương tính với nCoV chưa rõ nguồn lây sau khi họ đi khám tại bệnh viện. Từ thời điểm này, TP.HCM chính thức đối mặt đợt dịch nghiêm trọng chưa từng có. Hàng loạt chiến lược, biện pháp được áp dụng với mục tiêu dập dịch nhanh. Tuy vậy, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng.
Trưa 4/7, TP.HCM đã vượt Bắc Giang, trở thành địa phương có số bệnh nhân đứng đầu cả nước. Tính đến tối 4/7, số ca mắc tại thành phố trong làn sóng thứ 4 là 6.034, chiếm hơn 1/3 tổng bệnh nhân của cả nước (16.505).
Thêm hơn 5.000 ca F0 sau 20 ngày
Từ 27/4 đến nay, dịch tại TP.HCM có thể chia thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ 15/6 đặc biệt nghiêm trọng bởi hàng loạt cụm lây nhiễm trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây.
Trong giai đoạn đầu tiên, dịch Covid-19 liên quan ca mắc Covid-19 ở Hà Nam, hai kiểm toán viên và chuỗi lây nhiễm ở quán bánh canh quận 3. Các chùm ca bệnh này đều đã được TP.HCM kiểm soát rất tốt. Sau 27 ngày, thành phố mới phát hiện 8 bệnh nhân. Đến nay, hai chùm ca bệnh nói trên đều đã được dập tắt, không ghi nhận thêm người mắc mới.
Ở giai đoạn 2, thành phố có số F0 tăng vọt vì liên quan ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Khi mới phát hiện, chuỗi lây nhiễm này đã lây đến vòng thứ 5, được đánh giá là “nghiêm trọng nhất từ trước đến nay”. Nguyên nhân là biến chủng Delta lan nhanh, các F0 sinh hoạt, tiếp xúc nhiều.
Sau đó, những người liên quan ổ dịch này vẫn được phát hiện mắc Covid-19. Tuy nhiên, họ đều đã được cách ly, nằm trong vùng phong tỏa.
Ở giai đoạn 3, dịch liên quan hàng loạt cụm lây nhiễm trong cộng đồng, các ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây. Họ chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc và đã xuất hiện triệu chứng.
Chỉ sau 20 ngày, tổng số bệnh nhân ở giai đoạn 3 đã vượt mốc 5.000 ca, tăng nhanh gấp nhiều lần so với điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch tại TP.HCM “rất khó lường” khi số bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày tăng nhanh; dịch lan rộng ra các địa phương khác và xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.
Phân tích thêm về tình trạng này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định các biện pháp phòng chống dịch đã từng bước phát hiện thêm nhiều ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng.
Thời gian ghi nhận 1.000 ca mắc mới ngày càng rút ngắn
Đặc điểm dễ thấy nhất của đợt dịch lần này đó là độ dài chu kỳ 1.000 ca nhiễm tại TP.HCM ngày càng ngắn lại.
Giai đoạn đầu, TP.HCM ghi nhận 1.000 ca nhiễm trong 51 ngày (từ 27/4 đến 16/6). Tuy nhiên, sau đó, chu kỳ 1.000 ca mắc mới của thành phố trung bình chỉ còn 4 ngày. Đỉnh điểm, ngày 3/7, TP.HCM có thêm 1.000 F0 chỉ sau 2 ngày, tổng số ca bệnh vượt mốc 5.000 người – tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Đặc biệt, ba ngày 25/6, 3/7 và 4/7, số ca mắc của TP.HCM ở mức rất cao (lần lượt là 724, 714, 599).
Trước tình hình này, lãnh đạo TP.HCM liên tiếp thay đổi và cập nhật nhiều chiến lược chống dịch như kéo dài thời gian giãn cách, xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine…
Theo phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ở TP.HCM, chỉ với cụm lây nhiễm ban đầu liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, mức độ lây nhiễm đã nghiêm trọng hơn rất nhiều do người bệnh đa ngành nghề, đa địa phương và được phát hiện tương đối muộn.
“Ngay từ khi ổ dịch này được phát hiện, chúng tôi đã dự đoán dịch sẽ lây rất nhanh, lan rất rộng. Ở giai đoạn thứ 2, khi việc giãn cách xã hội chưa siết chặt, sự giao lưu, tiếp xúc trong các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tòa nhà văn phòng… với mật độ giao lưu đông, việc mang khẩu trang, khoảng cách và khử khuẩn không đảm bảo càng khiến sự lây nhiễm thêm chồng chéo. Một công ty chưa đến 100 người nhưng hơn 20 ca dương tính mới đây là một cảnh báo”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Bình Tân – ổ dịch lớn nhất của thành phố
14 ngày liên tiếp, Bình Tân là quận ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất của thành phố. Tính đến ngày 5/7, Bình Tân đã có tổng cộng 725 F0, theo bản đồ An toàn Covid-19 của Bộ Y tế.
Tất cả phường tại Bình Tân đều đã ghi nhận c mắc Covid-19. Trong đó, 5 chuỗi lây nhiễm lớn nhất của quận này (chung cư Ehome 3; Công ty Lạc Tỷ An Lạc; chợ KP 2; trạm y tế phường An Lạc). Ba khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc với hơn 60.000 dân rơi vào trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, 30 địa điểm bị phong tỏa.
Bên cạnh đó, theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đang nỗ lực kiểm soát 8 chuỗi bùng phát mạnh, đều nằm ở những nơi đông dân cư, nhiều tiếp xúc như chợ đầu mối, khu dân cư, nhà máy.
Chuỗi liên quan nhà máy Công ty Nidec Sankyo (TP Thủ Đức): Từ một trường hợp dương tính qua khám sàng lọc tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông ngày 28/6, hơn 2.800 công nhân làm việc ca ngày đã được lấy mẫu xét nghiệm. Những lao động làm ca đêm được yêu cầu cách ly tại nhà để y tế tới lấy mẫu.
Chuỗi tại công ty trong hẻm 42 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh: Ca F0 đầu tiên được phát hiện vào sáng 28/6, có biểu hiện ho, sốt và kết quả test nhanh dườn tính với nCoV. Sau đó, 81 nhân viên trong công ty đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện thêm 20 F0.
Chuỗi phát hiện tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch: Ngày 30/6, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ghi nhận 25 ca F0 (gồm 17 bệnh nhân, 8 thân nhân). Họ đều thuộc khu B, nơi đang điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc và HIV. Nguồn lây được cho là có thể từ bên ngoài, qua người nuôi bệnh mắc Covid-19 ở Bình Tân.
Chuỗi liên quan cửa hàng Satra Food, 20-22 Châu Văn Liêm, phường 10, quận 5: Ca F0 đầu tiên được phát hiện qua tầm soát vào ngày 26/6. Tổng cộng, số F0 liên quan chuỗi lây nhiễm này đã lên tới 10 người, gồm 2 người nhà, 5 nhân viên cửa hàng và 3 người nhà của nhân viên. Ngày cuối cùng ghi nhận F0 mới là 28/6.
Chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn, Sơn Kỳ, Tân Hương: Chợ đầu mối Hóc Môn đến nay ghi nhận tổng cộng 58 F0, đa số là tiểu thương. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 12/6 qua khám sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa Tâm trí. Ngày ghi nhận ca mới nhất là 27/6.
Chợ Sơn Kỳ, Tân Phú, có 91 F0, nguồn lây là từ chợ đầu mối Hóc Môn. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 19/6. Ngày ghi nhận ca mới nhất là 28/6, trong khu phong tỏa.
Chợ Tân Hương, Tân Phú, phát hiện một tiểu thương bán trái cây, lấy hàng tại chợ đầu mối Hóc Môn, tự khai báo y tế ngày 24/6. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM người này dương tính với nCoV vào sáng 25/6. Đến nay, chuỗi lây nhiễm này chưa có thêm F0.
Chuỗi liên quan chợ Bình Điền, quận 8: Ngày 16/6, F0 ban đầu là nhân viên bốc xếp, phát hiện mắc Covid-19 qua khám tầm soát tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Đến nay, số F0 của chuỗi lây nhiễm này là 56 người, gồm hai bốc xếp chợ cá, 8 tiểu thương, 13 người mua hàng, 32 người nhà. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc là 28/6, trong khu phong tỏa.
Chuỗi vựa ve chai Đề Thám, quận 1: Ngày 15/6, Bệnh viện Nguyễn Trãi phát hiện một người lượm ve chai mắc Covid-19. Đến nay, số F0 liên quan ổ dịch này là 145 người, đều là người thu lượm ve chai. Ngày cuối cùng ghi nhận thêm ca mắc mới là 28/6.
Gần 47.000 địa điểm không an toàn
Trong đợt dịch này, các ổ lây nhiễm tập trung ở gia đình, nơi làm việc, đặc biệt là chợ đầu mối, cơ sở sản xuất. Bản đồ An toàn Covid-19 đánh giá TP.HCM có gần 47.000 địa điểm không an toàn.
Trong đó, 26 khách sạn cách ly (chiếm 100%) được xếp vào nhóm không an toàn. Cơ sở lao động có 99,87% trên tổng số 46.638 địa điểm thuộc mức nguy cơ không an toàn. 99,73% chợ, trung tâm thương mại (TTTM) cũng nằm trong nhóm này.
Số F0 lang thang, chưa rõ nguồn lây nhiều là đặc điểm nổi bật nhất của đợt bùng phát này tại TP.HCM. Những người này chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc nên nguy cơ dịch xâm nhập bệnh viện rất cao.
Tuy nhiên, nhờ sự ứng phó bài bản, có quy trình, các ca F0 xuất hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế hầu hết được truy vết sớm, chặt đứt nguồn lây nhanh. Điều này giúp số ít thành trì y tế cuối cùng không trở thành ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều quyết sách chống dịch, trong đó có việc thành lập Trung tâm điều hành, điều phối xét nghiệm trên địa bàn thành phố.
Năng lực lấy mẫu của TP.HCM hiện tại đạt 1,4 triệu mẫu/ngày và công suất xét nghiệm là 450.000 mẫu gộp. Ngoài ra, theo hướng dẫn cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế, TP.HCM đang lên kế hoạch dự thảo và chuẩn bị thí điểm. Công thức thành phố áp dụng là 14 + 14.
TP.HCM đang bước vào giai đoạn sống còn. Số F0 tăng nhanh nhưng chủ yếu phát hiện trong vùng cách ly, phong tỏa là điểm tích cực trong công cuộc dập dịch của thành phố.
Đặc biệt, ý thức, sự hợp tác của người dân càng trở nên quan trọng. Bởi chỉ cần một vài người lơ là, chủ quan, nỗ lực chống dịch sẽ trở nên vô nghĩa.
Thiên Nhan