TP.HCM tổ chức countdown nhưng không mời khán giả
Chương trình đếm ngược mừng năm mới đêm 31/12 được thành phố tổ chức ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, nhưng không mời đại biểu cũng như khán giả tham dự.
Thông tin được đề cập trong công văn truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức sau cuộc họp về công tác tổ chức chương trình đếm ngược (countdown) đón chào năm mới 2022.
Theo đó, từ 22h đến 0h10 ngày 31/1, TP HCM sẽ tổ chức chương trình đếm ngược tại đường Nguyễn Huệ (trước tòa nhà Sunwah), không tổ chức tại đường Lê Duẩn như dự kiến. Thay vì mời đại biểu và khán giả tham dự, chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình và phát thanh thành phố; trực tuyến trên các trang tin điện tử, mạng xã hội…
Chương trình đếm ngược và bắn pháo hoa là 2 sự kiện mừng năm mới Dương lịch được tổ chức thường năm tại TP HCM vào đêm 31/12. Hai sự kiện này thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Năm nay thành phố cũng không bắn pháo hoa như mọi năm.
Thành phố giao lực lượng công an và UBND quận 1 không cho các phương tiện đi vào đường Nguyễn Huệ hoặc dừng, đỗ, tụ tập xung quanh khu vực diễn ra chương trình countdown.
Trước đó, Sở Văn hóa Thể thao TP HCM dự kiến tổ chức chương trình countdown vào đêm 31/12 tại 2 địa điểm là đường Nguyễn Huệ và Lê Duẩn. Mỗi điểm countdown sẽ giới hạn 1.000 người tham dự. Người dân đến tham dự sự kiện phải có vé mời, đảm bảo các điều kiện như đã tiêm vaccine, thực hiện 5K…
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành hôm 22/12, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán để bảo đảm an toàn phòng dịch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Về đề xuất cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường hoạt động trở lại
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết ngày 15/10, Ban Chỉ đạo ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với cơ sở kinh doanh karaoke, khiêu vũ, trò chơi điện tử… với 10 tiêu chí thành phần. Trong đó, tiêu chí số 4 là số khách đảm bảo đủ điều kiện 4 m2/khách (không bao gồm công trình phụ).
“Đến nay, căn cứ vào tình hình dịch bệnh của thành phố, các ngành nghề vừa nêu tên chưa được thành phố cho phép mở lại. Thành phố đang trong quá trình theo dõi sát, đặc biệt theo dõi biến chủng mới Omicron để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, bà Mai thông tin.
Về đề xuất cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 tới trường từ ngày 3/1
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM, cho biết Sở dựa trên rất nhiều tiêu chí, có thể điểm một số nội dung cơ bản.
Thứ nhất là dựa trên kết quả thí điểm 2 tuần dạy học trực tiếp với học sinh lớp 9, 12. “Đây là khoảng thời gian quý giá để nhà trường thực hiện các điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trong nhà trường. Các trường đã có kinh nghiệm và xử lý tình huống F0 xuất hiện”, ông Trọng nói.
Cơ sở thứ 2 là học sinh lớp 7, 8, 10, 11 thuộc nhóm học sinh lớn, có ý thức, kỹ năng thực hiện phòng chống dịch trong rất tốt. Đây cũng là nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Về các khối lớp cấp 1, dựa trên cơ sở vừa nêu, Sở đang cân nhắc và sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh thời gian tới để có báo cáo, tham mưu cho UBND TP.HCM.
Về tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh học sinh, ông Trọng cho biết qua kết quả khảo sát từ quận, huyện thì số lượng phụ huynh đồng thuận cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đến trường dao động từ 60% đến 80%
Trâm Anh