+
Aa
-
like
comment

Hôm nay, TP.HCM tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến 11 tuổi

16/04/2022 07:54

Một số tỉnh, thành bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đợt này, cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, các khâu được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hôm nay (16.4), TP.HCM tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trước đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi này với hơn 160 học sinh (HS) thuộc Trường Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long) vào ngày 14.4.

Công tác chuẩn bị tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM, nơi tiêm cho học sinh lớp 5

Trường học ở TP.HCM sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ

Dù đã có kinh nghiệm tổ chức tiêm chủng cho lứa HS 12 – 17 tuổi trước đó, nhưng bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết đợt tiêm này được trường tổ chức rất kỹ càng, cẩn thận. Trước một ngày tổ chức tiêm đồng loạt, Sở GD-ĐT TP.HCM đã họp và hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng bước. Đến chiều qua 15.4, các quận sắp xếp lịch tiêm của từng trường, dựa trên danh sách này trường sẽ huy động giáo viên, nhân viên hỗ trợ lực lượng y tế và tiến hành tiêm cho trẻ. “Đợt này tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi nên các khâu chuẩn bị được làm rất kỹ. Sở cũng yêu cầu với độ tuổi này thì chỉ chấp nhận tiêm cho trẻ khi có cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp đi cùng”, bà Trang chia sẻ. Ngoài ra, bà Trang cho hay, trường đã chuẩn bị đầy đủ các bước từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên hỗ trợ, phòng chờ. Trong đợt tiêm này, Trường THCS Lý Thường Kiệt chỉ có khoảng 98 em nằm trong danh sách tiêm, nhiều em khác do vừa mới bị F0 xong hoặc cha mẹ chưa đồng thuận cho tiêm.

Công tác chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM đã sẵn sàng

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tất cả HS không phân biệt trường công lập hay tư thục đều sẽ được ưu tiên tiêm tại trường, trừ những trường nào không đáp ứng đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được sắp xếp tiêm ở những điểm gần kề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian tổ chức tiêm chủng cho HS, Sở cho phép các trường, đặc biệt là bậc tiểu học cho HS toàn trường nghỉ để trường có thể chủ động sắp xếp lịch tiêm cũng như nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ.

TP.HCM tiêm mũi 1 trong 14 ngày

Sáng 15.4, Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến với Sở GD-ĐT, các quận, huyện, đơn vị liên quan triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 16.4. Theo Sở Y tế, có khoảng 898.537 trẻ trong độ tuổi này sẽ được tiêm vắc xin, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Ngành y tế sẽ tổ chức tiêm tại trường học, cộng đồng, các cơ sở tiêm chủng và bệnh viện (BV). Nguyên tắc là tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ đang học lớp 6 và hạ dần theo độ tuổi tùy tiến độ cung ứng vắc xin.

Cần lập danh sách trẻ từng mắc Covid-19 để tạm hoãn tiêm chủng

Ngày 15.4, thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, các trẻ được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên trong ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi hiện đều có sức khỏe ổn định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị “sở y tế các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo tổ chức tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở quy mô xã, phường”.

Các gia đình cũng cần lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm. Với các trẻ từng mắc Covid-19, cần lưu ý thời gian trẻ khỏi bệnh để tiêm đúng thời điểm. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ sau khi khỏi bệnh ít nhất là 3 tháng.

Sở Y tế cho hay, vắc xin sử dụng là loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ ở độ tuổi trên (Pfizer và Moderna), tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin. Đối với mũi 1, TP.HCM bắt đầu tiêm từ ngày 16 – 30.4. Cụ thể, ngày 16.4, triển khai tiêm cho trẻ đang học lớp 6 tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Đối với trẻ đang học lớp 5, Sở Y tế và Sở GD-ĐT thống nhất chọn 5 trường tiểu học để tiêm thí điểm, gồm: Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1); Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5); Trường tiểu học Dương Minh Châu (Q.10); Trường tiểu học Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận); Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú). Sau khi tiêm thí điểm 5 trường sẽ sơ kết và triển khai đồng loạt cho 22 quận, huyện ngày 18.4. Từ ngày 18 – 28.4, tổ chức tiêm đồng loạt tại 22 quận, huyện. Từ ngày 29, 30.4, tổ chức tiêm vét tại các điểm tiêm cộng đồng do quận, huyện bố trí. Đối với mũi 2, TP.HCM dự kiến tiêm trong vòng 14 ngày khi đủ thời gian và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sở Y tế TP thông tin, để tiêm hết số trẻ trong độ tuổi nói trên tại TP.HCM trong vòng 14 ngày thì mỗi ngày TP.HCM sẽ bố trí 604 bàn tiêm (mỗi bàn tiêm 50 trẻ/buổi). Kèm theo là 74 xe cấp cứu tại các điểm tiêm. Ba BV nhi lập tổ chuyên gia hồi sức nhi hỗ trợ các BV khác khi cần thiết. Tùy tình hình thực tế tại mỗi địa phương, Sở Y tế sẽ điều chỉnh nhân sự tham gia của các đơn vị.

Việc tiêm vắc xin cho trẻ theo lứa tuổi từ cao đến thấp, từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin

Tuyệt đối không tiêm Moderna cho trẻ 5 tuổi

Tại buổi họp trực tuyến, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết Bộ Y tế cấp lần 1 cho TP.HCM 87.500 liều vắc xin Moderna, lần 2 cấp tiếp 138.000 liều và 147.000 liều, dự kiến cũng sẽ là vắc xin Moderna. Theo bác sĩ Nga, vắc xin Pfizer sẽ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; còn vắc xin Moderna chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Trong đợt cấp lần này, TP.HCM chỉ tiếp nhận Moderna, cho nên chỉ tiêm từ lớp 6, sau đó tiêm hạ độ tuổi cấp tiểu học. “Tuyệt đối không tiêm Moderna ở trẻ mầm non. Không được tiêm trộn vắc xin Moderna với vắc xin khác, nếu tiêm mũi 1 Moderna thì mũi 2 phải tiêm Moderna. Không được lắc lọ vắc xin trước khi tiêm”, bác sĩ Nga nhắc nhở và lưu ý về tổ chức buổi tiêm đảm bảo quy trình 1 chiều, tránh trường hợp trẻ bị tiêm 2 mũi trong 1 buổi tiêm. Tổ chức điểm tiêm riêng, không trùng với điểm tiêm các đối tượng khác. Nếu như điểm tiêm nào tiêm cùng lúc nhiều đối tượng lẫn lộn thì sẽ bị đình chỉ tiêm. Những trẻ sẽ không chỉ định tiêm ở cộng đồng lần này là trẻ không có đồng thuận của cha mẹ; có bệnh lý cấp tính như sốt, nhiễm trùng; trẻ mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng; trẻ có bệnh lý nền, béo phì phải tiêm ở BV quận, huyện, chuyên khoa nhi.

Hà Nội triển khai tiêm đồng loạt từ 17.4

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã phân bổ cho Hà Nội 72.700 liều vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, Hà Nội sẽ triển khai tiêm đồng loạt vào ngày 17.4.

Theo Kế hoạch liên ngành của Sở GD-ĐT, Sở Y tế Hà Nội ban hành hôm qua 15.4, Hà Nội có 1,009 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo lộ trình, Hà Nội triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin.

Qua đó, bác sĩ Nga đề nghị các trung tâm y tế, phòng y tế, phòng giáo dục theo dõi giám sát để kịp thời khắc phục những phát sinh. Giám sát 100% địa điểm tiêm (1.326 điểm) trước tiêm chủng. Ngoài ra, cần hoàn thành nhập liệu ngay trong buổi tiêm, không để dồn ứ. Với trẻ chưa có mã định danh vẫn được tiêm và lưu lại để cập nhật khi có mã định danh.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết ngày 16.4 là khởi động và tiêm cho các trường chọn và tiêm cho lớp 6, các lứa tuổi khác sẽ tiêm từ 18.4. Còn theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP, 3 BV nhi đồng của TP.HCM sẽ thành lập các tổ chuyên gia hỗ trợ cho tuyến dưới và kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện nếu có ca phản ứng nặng. Với tai biến, tác dụng phụ sau tiêm vắc xin thì điều trị tại chỗ tức thời là quan trọng nhất. Do đó, đội tiêm phải rút sẵn thuốc cấp cứu sử dụng ngay khi cần thiết.

Phụ huynh lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, lưu ý phụ huynh cung cấp đầy đủ thông tin để trường tạo hồ sơ tiêm chủng cho trẻ trên hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19 quốc gia, chuẩn bị sẵn mã số định danh công dân của trẻ. Mã số định danh sau này cũng chính là mã số CCCD của trẻ. Đây cũng là cơ sở để cấp giấy xác nhận tiêm chủng cho trẻ. Phụ huynh cần phải cung cấp tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe của trẻ cho nhân viên y tế trước tiêm để có thể sắp xếp lịch và nơi tiêm phù hợp. Trong ngày tiêm chủng, phụ huynh cho con ăn uống đầy đủ, mặc áo ngắn tay, tránh cho trẻ nhịn đói dẫn đến hạ đường huyết và gây sự cố bất lợi trong tiêm chủng… Chỉ tiêm cho trẻ khi có sự đồng thuận của phụ huynh.

Duy Tính

Bài mới
Đọc nhiều