TP.HCM thông tin về những tín hiệu lạc quan khi chuẩn bị bình thường mới
Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn chiều 27/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố đã ghi nhận 371.660 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua gần 4 tháng giãn cách xã hội với nhiều cấp độ.
Số ca tử vong và bệnh nhân thở máy giảm, ca xuất viện cao hơn nhập viện là 3 tín hiệu vui trong công tác chống dịch, theo lãnh đạo Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM.
Theo ông Hải, trong ngày 26/9 có 2.805 bệnh nhân nhập viện và 2.936 bệnh nhân xuất viện. Bên cạnh đó, đến hôm qua số bệnh nhân nặng phải thở máy còn 1.855 ca, so với ngày 25/9 là 1.918 ca. Cũng trong hôm qua, số ca tử vong do Covid-19 tại thành phố giảm xuống còn còn 122, so với ba ngày hôm trước lần lượt là 140; 123 và 131.
“Như vậy, sau một thời gian rất dài, số ca nhập viện trong ngày đã ít hơn số ca xuất viện, số tử vong và số bệnh nhân nặng cũng giảm. Đây là những tín hiệu rất lạc quan trong công tác phòng chống dịch tại TP HCM”, ông Hải nói.
Tính đến hôm qua, TP HCM đã tiêm được hơn 9,6 triệu mũi vaccine. Trong đó, hơn 6,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 2,8 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Về xét nghiệm, từ 18h ngày 25/9 đến 18h 26/9, thành phố đã lấy hơn 1,13 triệu mẫu, trong đó gần 4.200 mẫu đơn và 78 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1,12 triệu mẫu.
Chính quyền thành phố đang hoàn thiện dự thảo chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội áp dụng từ ngày 1/10. Trong đó, thành phố dự kiến cho hoạt động trở lại nhiều dịch vụ.
TP.HCM chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để mở cửa sau 30/9
Cũng trong ngày 27/9, Sở Công Thương TP.HCM cho biết dự kiến theo lộ trình kế hoạch mở cửa trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch của thành phố (nhất là kể từ sau ngày 1/10), nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa được tạo điều kiện thông thoáng hơn, nhu cầu “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục giảm, khả năng sẽ gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP.
Chính vì vậy, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các Sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Đặc biệt xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa hoạt động đối với các chợ truyền thống trên địa bàn. “UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng phương án hoạt động các chợ và trong quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc, Sở sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết”, Sở Công Thương đề nghị.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình cung ứng hàng hóa trong thời gian qua để đúc kết kinh nghiệm và xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn trong thời gian tới, nhất là đối với chuỗi sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 2 ngành công nghiệp truyền thống, chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm qua 3 chợ đầu mối tại TP.
Song song với đó, Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các Hội ngành nghề tổ chức hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn.
Trên cơ sở tiếp tục rà soát nhu cầu vaccine của doanh nghiệp, tổ chức phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, đến nay thành phố đã đưa các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm vào hoạt động. Các địa bàn “vùng xanh” đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần theo đúng kế hoạch.
Cụ thể: Quận 7 đã tổ chức cho người dân đi mua sắm hàng hóa thiết yếu 1 lần/tuần thông qua kênh phân phối tại 9 siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích đang hoạt động. Huyện Củ Chi có 14/14 xã vùng xanh tổ chức cho người dân đi mua hàng 1 tuần/lần tại các điểm cung ứng đang hoạt động. Huyện Cần Giờ đã triển khai 13.468 phiếu đi chợ cho hộ dân đi chợ 1 tuần/lần tại 8 chợ với 156 tiểu thương đang hoạt động.
Nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng cho người dân thông qua mô hình “đi chợ hộ” đang có xu hướng giảm dần, riêng nhu cầu đăng ký trong ngày 26/9 là 45.180 lượt hộ, giảm 4,7% (tương đương giảm 2.228 lượt hộ so với ngày hôm trước). Đây là mức nhu cầu đăng ký trong ngày thấp nhất kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình (ngày 23/8/2021: nhu cầu đăng ký đạt 51.188 lượt hộ).
Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký công văn khẩn gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội.
Theo chỉ thị này, từ 0h ngày 1/10, TP.HCM dự kiến cho Trung tâm thương mại; siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, cơ sở bán lẻ hàng hóa các loại; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ); chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống hoạt động trở lại.
Hồng Anh