TP.HCM thống nhất về phương án đi lại cho người lao động ở Tây Ninh và Long An
Phương án đi lại cho người lao động giữa TP.HCM và Long An, Tây Ninh cơ bản đã đạt được sự thống nhất.
Sáng 6-10, giám đốc Sở Giao thông vận tải Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết đã có văn bản phản hồi cơ quan chức năng TP.HCM về dự thảo phương án tổ chức giao thông giữa TP.HCM và 4 tỉnh.
Ông cho hay Tây Ninh cơ bản thống nhất với dự thảo về phương án đi lại liên tỉnh, chỉ góp ý đề nghị thời hiệu tiêm mũi 1 vắc xin dài 21 ngày (thay vì 14 ngày) và giấy xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ thay vì 7 ngày như phương án mà dự thảo đặt ra.
UBND tỉnh Long An cũng đã có văn bản thống nhất với phương án đi lại giữa TP và 4 tỉnh. Tỉnh này đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp do Sở Giao thông vận tải 4 tỉnh và TP.HCM cấp.
Việc giảm bớt các thủ tục này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp do số lượng xe từng doanh nghiệp nhiều. Bởi khi chờ cấp giấy, doanh nghiệp sẽ rất mất thời gian.
Như vậy, với phương án tạo điều kiện cho người lao động đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh hiện còn chờ thêm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có ý kiến chính thức.
Từ ngày 1-10, UBND TP.HCM đã gửi văn bản 3253 kèm theo dự thảo đến 4 tỉnh: Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai về phương án đi lại cho người lao động, chuyên gia nhằm tạo điều kiện cho khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Theo phương án mà TP gửi lấy ý kiến 4 tỉnh, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP và ngược lại.
Công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải đáp ứng điều kiện là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin COVID-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, định kỳ 7 ngày/lần.
Các đơn vị (có trụ sở đóng trên địa bàn TP.HCM) xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức và các quận huyện) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở Giao thông vận tải TP.HCM để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.
Các đơn vị (có trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh) cần xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến sở giao thông vận tải các tỉnh để cấp giấy.
Để được đi lại, lái xe, người phục vụ là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần) và tuân thủ các tiêu chí phòng dịch thuộc lĩnh vực vận tải.
Trường hợp sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy) là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.
Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã thì xuất trình một số giấy tờ chứng minh bản thân đáp ứng đủ điều kiện đi lại.
Khai Tâm