+
Aa
-
like
comment

TP.HCM thí điểm kiểm tra khí thải xe máy: Sẽ phát sinh chi phí, nặng gánh cho dân?

08/12/2019 08:24

Các phương tiện tham gia giao thông xả khí thải chỉ đứng sau các hoạt động sử dụng năng lượng trong công nghiệp, xây dựng (chiếm 45% tổng lượng phát thải). Đây cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí hiện nay. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh giải pháp hạn chế xe cá nhân, phát triển phương tiện công cộng, sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP triển khai đề án “Kiểm soát khí thải đối với xe máy”.

TP.HCM thí điểm kiểm tra khí thải xe máy: Sẽ phát sinh chi phí, nặng gánh cho dân? - Ảnh 1
Xe máy đang chiếm 95% phương tiện giao thông tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Internet

Cấp thiết kiểm soát khí thải xe máy

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đang phối hợp hiệp hội Nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam đang lên kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe máy. Theo đó, dựa trên sự tự nguyện của người dân, việc kiểm tra khí thải xe máy sẽ thực hiện tại 8 trạm bảo hành ở quận 1, quận 3 và quận Bình Thạnh từ tháng 2 đến 11/2020. Cơ quan đăng kiểm sẽ sử dụng các thiết bị kỹ thuật lấy mẫu khí thải. Từ các chỉ số thu được, Sở sẽ có những đánh giá khoa học về mức độ phát thải khí thải của xe.

Giám đốc sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, việc kiểm tra khí thải xe máy dựa trên sự tự nguyện của người dân với mục đích khuyến khích, tuyên truyền. Qua đó giúp người dân nhận thức vấn đề ảnh hưởng của khí thải xe máy với môi trường. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị các số liệu, dữ liệu về tình trạng phát thải khí thải để có những đánh giá tình trạng chung của xe, báo cáo UBND TP xin cấp thẩm quyền có lộ trình kiểm soát khí thải riêng trên địa bàn thành phố”, ông Lâm nói.

Khí thải xe máy là tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm và càng nguy hiểm hơn khi những chiếc xe cũ nát dù bị cấm lưu thông nhưng vẫn đầy đường. Từ năm 2018, sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo bộ Giao thông Vận tải xin thí điểm làm đề án riêng cho TP.HCM về kiểm soát phát thải xe máy và được ủng hộ nhưng hiện còn vướng về pháp lý, phải chờ sửa đổi luật Giao thông đường bộ.

Theo chỉ đạo của bộ GTVT, sở GTVT TP.HCM có thể chủ động báo cáo UBND TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại địa phương. Nội dung đề xuất thí điểm cần nêu rõ lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải, chu kỳ kiểm định đối với môtô, xe máy; hồ sơ thủ tục và các biện pháp kiểm soát việc thực hiện kiểm tra khí thải; điều kiện của cơ sở kiểm định khí thải, các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng yêu cầu kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại TP.HCM.

Sau khi trình kế hoạch khảo sát, đánh giá và thực hiện thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục khuyến khích như sửa chữa, thay thế phụ tùng miễn phí hoặc chuyển đổi, mua, thay thế bằng các phương tiện có chuẩn khí thải cao hơn. Song song việc thí điểm, dự kiến sau 6 tháng, sở GTVT TP sẽ xây dựng thành cơ chế để tiến tới ban hành lộ trình cụ thể về kiểm soát khí thải của các loại phương tiện cơ giới nói chung ở TP.HCM.

Trước đó, trong các chương trình đột phá mà TP.HCM triển khai, sở GTVT TP được giao phải có biện pháp giảm thiểu 70% khí thải trong lĩnh vực giao thông. “Với tốc độ lượng phương tiện tăng chóng mặt và tình hình ô nhiễm như hiện nay, kế hoạch và lộ trình kiểm soát khí thải xe máy phải làm sớm. Song song đó, việc phát triển giao thông công cộng cũng không thể thiếu và trong các định hướng đều có giải pháp kèm theo. Tất cả đều đang được nghiên cứu thận trọng để lên kế hoạch, lộ trình triển khai phù hợp và khoa học”, ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Cần chú trọng công tác thực thi quy định

Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, việc kiểm soát khí thải từ xe máy là đặc biệt cần thiết. Theo bà Nguyễn Thị Yến Liên, giảng viên khoa Môi trường và An toàn giao thông, trường đại học Giao thông Vận tải, qua nhiều nghiên cứu của các tổ chức Quốc tế cũng như các nhà khoa học, giao thông là một trong những tác nhân gây ô nhiễm. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ những phát thải từ hoạt động này. Đặc biệt, cần hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng là một trong những giải pháp có thể áp dụng.

Xe máy được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất trong các phương tiện cơ giới hiện nay, đồng thời là nguyên nhân chính gây ách tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội. Thế nhưng đã nhiều năm nay, các chính sách có tác động đến xe máy đều vấp phải sự phản ứng của đa số người dân, thất bại ngay từ đề án do đây là phương tiện liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát rất nhạy cảm, phức tạp. Nhưng để việc kiểm soát phát huy hiệu quả, nhất thiết phải siết chặt việc thực thi, tức phải xử nghiêm cán bộ “bỏ qua” cho các xe máy vi phạm khi lưu thông trên đường. Bởi có rất nhiều quy định ban hành nhưng do việc thực thi không nghiêm khắc đã khiến nhiều người nhờn luật.

“Với lượng môtô, xe máy có tốc độ tăng nhanh tại TP.HCM như hiện nay, cộng với những xe đã qua nhiều năm sử dụng, cũ nát, chất lượng khí thải kém dần…, càng khiến ô nhiễm môi trường trên địa bàn gia tăng. Trong khi đó, cả triệu môtô, xe máy cũ nát vẫn đang xả thải mỗi ngày nhưng rất ít trường hợp bị kiểm tra, xử phạt hay tịch thu phương tiện như quy định đã có. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải dù có khung tiêu chí, tiêu chuẩn tốt nhưng cán bộ kiểm tra, kiểm soát trên đường không xử lý nghiêm thì tiêu chuẩn ban hành cũng chỉ cho vui mà thôi”, ông Nguyễn Hoàng Linh, cán bộ hưu trí ngành tư pháp nêu ý kiến.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, đại học Bách khoa TP.HCM đánh giá: “Hiện nay, số lượng xe gắn máy mới không nhiều, chủ yếu là xe cũ do những người có thu nhập thấp sử dụng để di chuyển mưu sinh hằng ngày. Việc kiểm soát sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, tạo gánh nặng cho người dân. Đây cũng chính là lý do khiến các bộ, ban ngành chần chừ đưa ra quy định kiểm soát mức khí thải đối với xe máy.

Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM và Hà Nội xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy và việc kiểm soát khí thải là một trong những giải pháp chắc chắn phải có. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường và giao thông”.

“Cần chính sách hỗ trợ để người dân thấy họ được hưởng lợi về cả kinh tế, sức khỏe, đời sống từ việc hạn chế sử dụng xe gắn máy. Cụ thể, có thể mua lại xe cũ, miễn phí sử dụng phương tiện công cộng 1 – 2 năm, vừa giúp họ có thời gian chuyển đổi nghề nghiệp, vừa khuyến khích phát triển giao thông công cộng”, ông Mai đề xuất.

Phần lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường là do xe máy

Theo thống kê, TP.HCM hiện có gần 7,9 triệu phương tiện bao gồm hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%). Theo đại diện sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, xe gắn máy tiêu thụ 50% lượng xăng nhưng thải ra đến 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.

Đây là các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho hay, thành phố đang có gần 40 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, khiến ô nhiễm môi trường không khí nặng nề hơn.

Bộ GTVT đang “luật hóa” vấn đề khí thải để có cơ sở triển khai

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng vụ Môi trường (bộ GTVT), kiểm soát khí thải là vấn đề rất nhạy cảm, tác động đến toàn dân. Cơ sở pháp lý để thực hiện còn chưa đủ mạnh nên trong chương trình xây dựng sửa đổi, bổ sung luật Giao thông đường bộ, bộ GTVT đang “luật hóa” vấn đề này, để có cơ sở triển khai.

“Quan điểm của các cấp quản lý là xây dựng “hàng rào kỹ thuật”, thắt chặt dần tiêu chuẩn khí thải của phương tiện, kết hợp tuyên truyền cho người dân thấy được tác hại đến bản thân và cộng đồng xung quanh trong việc sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là các xe quá niên hạn để họ tự nguyện chuyển đổi dần sang phương tiện công cộng và cùng chung tay loại thải những chiếc xe quá tuổi nguy hại đến an toàn giao thông và môi trường”, ông Tiến nói.

Hà Nhân

Theo Đời sống pháp luật

Bài mới
Đọc nhiều