+
Aa
-
like
comment

TP.HCM thêm nhiều tín hiệu lạc quan sau hơn 5 tháng gồng mình chống dịch

10/10/2021 07:59

TPHCM đã trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của các lãnh đạo, bộ ngành từ trung ương đến địa phương, và bằng nhiều giải pháp can thiệp quyết liệt, những tín hiệu lạc quan bắt đầu xuất hiện; thành phố đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch sau hơn 5 tháng chống chọi (từ ngày 27-4 đến nay).

2 “mũi giáp công”

Thời gian qua, ngành y tế thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời 2 “mũi giáp công” trong cuộc chiến chống Covid, đó là xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, tạo sự liên kết thông suốt với nhau bao gồm các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1. Bộ Y tế đã huy động toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất của các bệnh viện trung ương đầu ngành cùng với các bệnh viện tuyến cuối của Bộ Quốc phòng và các bệnh viện thuộc Bộ Công an cùng với thành phố gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 Phú Nhuận số 1.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, ngành y tế thành phố đã tập trung nguồn lực thích hợp cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng. Sở Y tế xây dựng các hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho F0, liên tục cập nhật theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế và tình hình thực tế; tổ chức xét nghiệm nhanh phát hiện F0 kết hợp với phát túi thuốc điều trị tại nhà, kết hợp tổ chức tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth), triển khai khám chữa bệnh, cấp cứu tại nhà. Mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0 đã phát huy hiệu quả rõ nét; nhờ đó giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Hội Y học TP tổ chức Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng đã chủ động triển khai nhiều mô hình tư vấn từ xa qua các tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các trường y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A-B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân.

Ngưng hoạt động các bệnh viện dã chiến

Tính từ đầu tháng 7-2021 đến nay, thành phố đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, hiện còn đang điều trị khoảng 9.443 trường hợp F0. Tuy nhiên, do các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ các khu nhà tái định cư, các ký túc xá nên không thể sử dụng lâu dài. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, ngành y tế TPHCM đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến đã hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đó, dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và 12-2021. Riêng các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ ngừng cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12-2021.

Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, quận Tân Phú, TPHCM vui mừng khi xuất viện.

Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một số quận huyện đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận huyện giúp thu dung điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến thành phố. Mô hình bệnh viện dã chiến quận huyện càng phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, giúp cho các bệnh viện quận, huyện chuyển đổi trở lại công năng ban đầu để thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn. Hơn nữa, khi giải thể các bệnh viện dã chiến của thành phố, rất cần các bệnh viện dã chiến của quận huyện đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Hiện có 15 bệnh viện dã chiến quận huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường. Theo kế hoạch, các quận huyện còn lại sớm thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện, trong đó có 30-50 giường oxy, do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện thành phố trên cùng địa bàn đảm trách. Đối với bệnh viện dã chiến quận huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp.

Về các trung tâm hồi sức Covid-19, khi các bệnh viện trung ương bàn giao lại cho thành phố, ngành y tế sẽ phân công các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố tiếp nhận và duy trì hoạt động.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG (Giám đốc Sở Y tế TPHCM)

Bài mới
Đọc nhiều