TP.HCM: Số ca F0 trên biểu đồ dịch đang đi ngang
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng số ca F0 trên biểu đồ dịch COVID-19 đang đi ngang. Nếu lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nghiêm các giải pháp với sự ủng hộ, chấp thuận của người dân thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định.
Thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM tại họp báo chiều 30-7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP đã ban hành nhiều biện pháp mạnh để thực hiện thật nghiêm những quy định về giãn cách xã hội.
Hiện nay, số ca F0 trên biểu đồ dịch COVID-19 đang đi ngang, đúng như dự đoán của ban lãnh đạo TP. Ông Dương Anh Đức cho rằng nếu lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra cùng với sự ủng hộ, chấp hành của người dân thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định.
“Sự hợp tác, hỗ trợ tốt nhất cho TP chính là bản thân mỗi người nghiêm túc thực hiện các quy định”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết Công an TP cũng đã có quy định rõ ràng các đặc điểm được phép lưu thông trên đường với các điểm nhận dạng. Quy định này sẽ giúp cho lực lượng chức năng cũng như người dân thực hiện nghiêm các quy định, giảm đi những vấn đề bất cập.
Bên cạnh đó, hiện nay các ca nhiễm F0 không có triệu chứng nếu được hướng dẫn cụ thể, tự chăm sóc sức khỏe thì có thể khỏi bệnh. Do đó, TP đã triển khai mạng lưới gồm các chuyên gia, các y bác sĩ… để tư vấn từ xa cho người bệnh thông qua tổng đài. Đồng thời, TP cũng tổ chức các tình nguyện viên có chuyên môn để thăm khám, hướng dẫn người dân đang thực hiện cách ly chăm lo sức khỏe tại nhà.
Ông Dương Anh Đức cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với đội ngũ tư vấn 1.000 chuyên gia này và đã triển khai thực hiện.
Về phương án giãn cách sau ngày 1-8, ông Đức cho biết TP đã đề xuất với trung ương và cân nhắc sau 1-8 sẽ cùng đa số các tỉnh, thành trong vùng thực hiện thêm chỉ thị 16 từ 1-2 tuần nữa.
Tập trung kiểm soát người đi trên đường
Trao đổi về vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều về quy định của “mặt hàng thiết yếu”, ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương – cho biết thời gian qua các nơi có nhận định khác nhau về vấn đề này nên triển khai cũng khác nhau.
Tuy nhiên, đến nay tại các chốt đã không đặt vấn đề “hàng hóa thiết yếu” nữa, mà tập trung kiểm soát các đối tượng lưu thông trên đường. Sở Công thương đã làm việc với các đơn vị shipper và được biết hiện nay chỉ còn một số điểm ở các quận huyện còn hỏi về hàng hóa thiết yếu.
Sở Công thương cũng đã thông tin ngay đến các quận huyện, đến ngày mai sẽ không có nhiều vướng mắc liên quan đến “hàng hóa thiết yếu” nữa.
Về việc cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng hiện nay các địa phương đang vào mùa thu hoạch, nguồn cung ứng ở các địa phương rất dồi dào, thậm chí dư thừa.
Tuy nhiên khi đưa về TP lại thiếu, việc vận chuyển hàng hóa ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các bộ ngành cũng đã có giải pháp để việc vận chuyển thuận lợi hơn, nhưng chi phí có tăng.
Theo đó, hiện nay, TP chỉ còn 27/237 chợ hoạt động, tập trung chủ yếu ở vùng ven, còn trong nội thành hầu hết ngưng hoạt động. Áp lực mua sắm hàng hóa sẽ dồn lên hệ thống phân phối hiện đại.
Hiện nay các hệ thống này phải hoạt động từ 7h sáng đến 5h chiều, thời gian mua sắm ngắn lại, việc đưa hàng hóa tới người dân gặp khó khăn nhiều.
Sở Công thương cho biết đã đưa ra 5 giải pháp, trong đó tăng cường phương án nhanh chóng mở lại điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo an toàn. Trong trường hợp chợ truyền thống không tổ chức được điểm bán thì tổ chức ở các khu vực lân cận.
Về việc người dân có được làm test nhanh COVID-19 tại nhà, ông Nguyễn Hoài Nam – phó giám đốc Sở Y tế – cho biết hiện nay ngành y tế cũng đã công bố các test nhanh được cấp phép. Đồng thời, ngành y tế cũng đã có nhắc nhở các nhà thuốc không có chức năng kinh doanh về trang thiết bị. Do đó nhà thuốc muốn bán test nhanh phải có đăng ký.
Người dân có thể mua test nhanh tại các địa điểm được phép kinh doanh. Việc test nhanh tại nhà cũng khá đơn giản, hộp thiết bị có hướng dẫn từng bước.
Bên cạnh đó, hiện nay người dân lo lắng nên tự trang bị oxy tại nhà. Ông Nam cho rằng người dân nên cân nhắc vì oxy được sử dụng là oxy y tế, đảm bảo được các tiêu chuẩn của ngành y.
Chia sẻ về vấn đề thân nhân mất dấu người bệnh khi nhập viện, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết trước đây có sự thiếu sót về vấn đề này. Ông Nam cho biết nguyên nhân là do khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, có bệnh viện quá tải nên chuyển đi bệnh viện khác dẫn đến mất dấu bệnh nhân. Hiện nay ngành y tế đang hoàn chỉnh phần mềm để người dân có thể tra cứu thông tin bệnh nhân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm chốt bảo vệ ‘vùng xanh’
Chiều 30-7, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm và động viên các lực lượng tham gia chốt bảo vệ “vùng xanh” (vùng không có dịch) tại hẻm 1942, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè.
Đại diện tổ COVID cộng đồng khu phố 6 cho biết đây là một trong nhiều mô hình phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trên địa bàn huyện, góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Trong những ngày qua, các thành viên tham gia chốt bảo vệ “vùng xanh” là cán bộ, hội viên các hội, đoàn thể… Các thành viên thay phiên nhau trực từ 6h đến 18h, kiểm tra không cho người lạ vào khu phố, shipper phải đứng phía ngoài gọi khách ra nhận hàng. Đồng thời, chỉ cho người sinh sống bên trong khu dân cư mới được ra, vào với lý do chính đáng.
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Thành Phong ân cần, động viên các thành viên trong tổ. Đồng thời, ông yêu cầu tổ tự quản phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là phải tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu phố hạn chế tiếp xúc với nhau.
Cũng trong dịp này, chủ tịch UBND TP.HCM thăm và tặng quà cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong hẻm.
TUYẾT MAI – THẢO LÊ – KIM ÚT