TP.HCM sẽ xử nghiêm công trình xây dựng cố tình vi phạm
Ngày 13-7, phiên chất vấn các giám đốc sở Xây dựng và Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục “nóng” với chuyện xây dựng sai phép, không phép cũng như vấn đề giao thông trên địa bàn TP.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nêu 6 tháng đầu năm 2019 TP có 1.640 trường hợp sai phạm xây dựng, trong đó có 619 trường hợp xây dựng sai phép, 616 xây dựng không phép và 405 vi phạm khác. Các quyết định xử phạt tập trung tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Bà Nhung yêu cầu chỉ rõ nguyên nhân.
Không để “cò” đất lũng đoạn thị trường
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình thẳng thắn nhận trách nhiệm trước tình hình xây dựng sai phép, không phép đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do bất cập trong quản lý, có nơi còn buông lỏng. Ông Bình khẳng định sắp tới sẽ xử lý nghiêm những công trình cố tình vi phạm.
Trả lời sau đó, phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhìn nhận việc phát hiện xây dựng sai phép, không phép còn chậm. Khi phát hiện cũng xử lý chậm. Ông Hoan đề nghị các sở, ngành phải nhận diện bản chất việc “nở rộ” xây dựng sai phép, không phép là cố tình vi phạm pháp luật. Do vậy, phải chỉ đích danh và xử lý nghiêm minh “cò” đất, đầu nậu vi phạm. Chủ đầu tư cố tình xây không phép, sai phép sẽ xử nghiêm.
“Nhiều giải pháp xử lý như không cung cấp điện, nước cho công trình, không cho đầu tư dự án khác, cưỡng chế tài chính thông qua các tài khoản. Thậm chí vi phạm nghiêm trọng có thể xử lý hình sự” – ông Hoan nói.
Đồng tình với phát biểu của ông Hoan, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm còn trăn trở khi phải tháo dỡ nhà của dân nghèo. Theo bà Tâm, tháo dỡ nhà dân vi phạm là đúng luật nhưng bà thấy lo lắng, ray rứt bởi lâu nay do xử lý cán bộ không nghiêm, cán bộ địa phương buông lỏng quản lý, không xử lý triệt để vấn đề đầu nậu, đầu cơ nên giờ phải đau lòng tháo nhà dân.
“Tôi không xúi người dân vi phạm, nhưng lãnh đạo TP cần suy nghĩ về nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là người dân nghèo” – bà Tâm nói.
“Cấm cửa” nhà đầu tư gian dối
Một số đại biểu chất vấn về tình trạng người dân mua chung cư dọn vào ở nhiều năm nhưng không được cấp giấy chứng nhận, do chủ đầu tư đem giấy chứng nhận dự án đi thế chấp nên “treo” quyền lợi sở hữu của cư dân. Vấn đề này được chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng việc giải quyết rất chậm.
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị xử lý hình sự đối với những chủ đầu tư mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án thế chấp ngân hàng nhưng vẫn bán cho dân. Trường hợp dân cư đang tranh chấp với chủ đầu tư thì hướng dẫn người dân kiện ra tòa.
Còn riêng với dự án có trách nhiệm nhà nước, theo ông Hoan, một mặt xử lý sai phạm của doanh nghiệp, mặt khác tìm hướng tháo gỡ cho người dân. “Lâu dài TP sẽ xem xét, chọn lựa chủ đầu tư đủ lực, có văn hóa trong kinh doanh. Nếu làm ăn gian dối sẽ không cho làm các dự án trong một thời gian” – ông Hoan nói.
Năm 2025 giao thông TP.HCM giảm ùn tắc
* Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung:
Đến bao giờ TP.HCM xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, dự án cải tạo giai đoạn 2 đường Huỳnh Tấn Phát, dự án cầu Thủ Thiêm 2?
– Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm: Từ nay đến năm 2020, TP sẽ hoàn thành 22 dự án. Giai đoạn 2021-2025 hoàn thành tiếp 41 dự án. Trong đó ngành tập trung vào các tuyến đường hướng tâm, là các quốc lộ kết nối TP.HCM với các vùng và các tuyến đường cụm sân bay, cảng Cát Lái. Nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ thì dự án đang tổ chức đấu thầu, dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công và hoàn thành vào quý 1-2021. Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến đầu năm 2021 hoàn thành.
* Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt:
Định hướng phát triển giao thông đô thị đến năm 2025 thế nào để xóa bỏ kẹt xe?
– Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm: Tới năm 2025, khi có các tuyến đường vành đai 2, 3, tuyến quốc lộ, trục quốc lộ kết nối TP với khu vực, TP tổ chức lại giao thông, tổ chức lại không gian đô thị thì sẽ giảm ùn tắc, tình trạng giao thông sẽ ổn định.
—–
Quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
Ngày 13-7, các đại biểu HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua 20 nghị quyết.
Trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng như: nhiệm vụ kinh tế – văn hóa – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019; điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay ưu đãi và nguồn vốn cho vay trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2020; quyết định mức chi từ ngân sách để thực hiện hoạt động sáng kiến; quy định chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy; chương trình giám sát của HĐND TP; danh mục dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP…
(Theo Tuổi Trẻ)