TP.HCM sẽ trao đổi với Đồng Nai về việc cách ly người về từ thành phố
Hiện có khoảng 6.000 người làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất của TP Thủ Đức đang sống ở Đồng Nai. TP.HCM lo thiếu nhân lực khi Đồng Nai cách ly những người này.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 4/6, Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhắc nhở cuộc chiến với Covid-19 là cuộc chiến dài, chưa biết khi nào chấm dứt nên phải bố trí lực lượng hợp lý, tính toán lâu dài, để duy trì lực lượng đối phó trong mọi tình huống.
Về tình hình dịch bệnh của thành phố, ông Đức nhận định cơ bản đang nằm trong tầm kiểm soát. Xu thế là số lượng ca hàng ngày giảm dù vẫn tương đối nhiều. Nguyên nhân là thành phố ráo riết truy vết, dập dịch nên các ca phát hiện hầu hết nằm trong khu đã cách ly và phong tỏa trước. Ông nhận định đây có thể xem là tín hiệu đáng mừng.
Cho phép quận, huyện thành lập khu cách ly tập trung tại khách sạnVề vấn đề thiếu khu cách ly, Phó chủ tịch nhấn mạnh việc bảo đảm đủ chỗ cho tổ chức cách ly F1 là điều bắt buộc phải làm và bằng mọi giá phải thực hiện tốt. Ông lưu ý ngành y tế hướng dẫn kỹ để không xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Thành phố đồng ý cho quận, huyện tổ chức cách ly có thu phí tại khách sạn của quận, huyện. Ông đề nghị Sở Y tế có hướng dẫn khẩn cấp. Việc thành lập sẽ do chủ tịch quận, huyện, TP thực hiện và lấy hình mẫu như khu cách ly tập trung trong khách sạn của thành phố.
Ông Đức lưu ý cần có sự chia sẻ nguồn lực. Ví dụ, nếu quận Tân Phú không có khách sạn để làm khu cách ly, thì quận giáp ranh là Tân Bình có thể hỗ trợ. Ngoài ra, khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đang được mở rộng từng ngày theo nhu cầu. Ông đề nghị Bộ Tư lệnh hỗ trợ để không xảy ra việc cách ly chậm vì chậm lúc nào nguy hiểm lúc đó.
Theo quy định hiện nay của TP, tất cả nhân viên phục vụ trong khu cách ly tập trung dù là y tế, công an…đều phải chích ngừa vaccine Covid-19. Ông khẳng định Sở Y tế chắc chắn sẽ thực hiện nhanh các trường hợp này.
Phó chủ tịch ủng hộ để xuất của Sở Y tế liên quan đến việc mở rộng, sẵn sàng truy vết F3, đặc biệt là các F3 gần vì chỉ cần F1 thành F0, thì F3 lập tức thành F2. Nếu truy vết sớm thì sẽ sẵn sàng cho các bước tiếp theo. “Với biến chủng virus hiện tại, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh. Nếu không có tốc độ để chặn đứng mà cứ đuổi theo hoài thì sẽ ngày càng khó khăn”, ông nói.
Làm việc với Đồng Nai về việc cách ly người về từ TP.HCMVề vấn đề lấy mẫu xét nghiệm, hiện số lượng mẫu cần lấy ngày càng cao. Ông Đức cho rằng cần biện pháp tăng cường hiệu quả, đỡ tốn sức.
Những nơi phải tầm soát, ông đề nghị Sở Y tế nghiên cứu thay vì lấy mẫu ngẫu nhiên thì có chọn lọc. Ông Đức gợi ý ở nơi nguy cơ cao thì mỗi gia đình chỉ cần lấy mẫu một người. Như vậy, bức tranh khi tầm soát sẽ gần và khách quan hơn.
Về vấn đề vaccine, ông cho biết vừa ký công văn đề xuất bổ sung cơ chế vaccine cho TP.HCM. Trong cuộc họp với đoàn công tác của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Y tế đã hứa sẽ xem xét, do đó, thành phố đã có công văn đề xuất.
Ông khẳng định thành phố đang rất tích cực cùng các doanh nghiệp, nhà tài trợ tìm kiếm nguồn để tăng cường chích vaccine cho người dân. Phó chủ tịch kỳ vọng trong một tuần nữa sẽ có thông tin chính thức về các nguồn vaccine bổ sung nhờ sự nhiệt tình của các nhà hảo tâm. Nguồn ngân sách mua vaccine toàn bộ là xã hội hóa.
Những ngày qua, nhiều địa phương có văn bản cách ly người về từ TP.HCM, trong đó mới nhất là Đồng Nai. Với trường hợp này, ông Đức cho biết sẽ cùng Đồng Nai giải quyết.
Cụ thể, riêng khu công nghệ cao và khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP Thủ Đức thực tế có khoảng 6.000 người đang sinh sống ở Đồng Nai. Nếu thực hiện đúng như công văn của Đồng Nai thì những người này khi về phải cách ly 21 ngày. Như vậy, nguồn nhân lực của TP.HCM sẽ gặp vấn đề lớn; đồng thời, có thể tạo ra ách tắc trong giao thông, vận chuyển.
Ông đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế nghiên cứu tình hình thực tế văn bản mà UBND Đồng Nai đã ban hành. Từ đó, tham mưu cho UBND TP để có công văn trao đổi với Đồng Nai, giải quyết vấn đề này hợp lý nhất, tránh ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Phó chủ tịch đặc biệt lưu ý với các quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp trên địa bàn rằng doanh nghiệp cần cung cấp các thông tin cần thiết về công nhân để phục vụ truy vết khi cần thiết. Ông nhận định nếu các khu này có ca nhiễm thì sẽ lan rất nhanh nên các đơn vị phải thực hiện nghiêm tiêu chí phòng, chống dịch tại nơi sản xuất.
Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là khu công nghệ cao cần có chế tài với nơi vi phạm, tạm dừng và chỉ cho hoạt động lại khi đã khắc phục.
Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến sáng 4/6, TP.HCM đã ghi nhận 299 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ổ dịch nhóm truyền giáo tại Gò Vấp đã lây lan ra 20/22 quận, huyện và nhiều tỉnh, thành.
Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp.
Thu Hằng – Thư Trần