TP.HCM sẽ tạo “cần câu mới” cho người lao động thất nghiệp?
Hơn 3 tháng, dịch bệnh bủa vây lấy TP.HCM, áp lực đè nén không chỉ lên đôi vai của các lực lượng tuyến đầu mà còn lên cả những người dân lao động tại TP.HCM. Vấn đề đặt ra liệu còn giải pháp nào có thể chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với người lao động đang thất nghiệp này hay không?
Dịch bệnh nguy hiểm, càng tập trung đông người càng có nguy cơ lây nhiễm cao. Biết là vậy nhưng hình ảnh người dân lao động tại TP.HCM lũ lượt chở nhau bằng xe máy về quê khiến bản thân tôi không khỏi thấy thương tâm. Có những chiếc xe chở cả gia đình và “gia tài” từ cái quạt đến nồi cơm điện trở về quê. Những đứa bé mặt mũi lấm lem ăn vội hộp cơm bên đường, hình ảnh người chồng chở cả vợ con đồ dùng, nặng đến kiệt sức, không chống nổi xe. Thương lắm!
Vì sao họ phải về quê? Tuy chính quyền địa phương có thể hỗ trợ lương thực thực phẩm cơ bản nhưng tiền trọ, điện nước là quá mức với khả năng hiện tại của người lao động thất nghiệp. Theo thống kê thì chi phí hàng tháng chiếm 15-20% tổng thu nhập, tiền trọ được xem là gánh nặng với nhiều lao động. Khi TP.HCM quyết định tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 15/9 thì nhiều người không đủ khả năng bám trụ lại TP.HCM, buộc phải tìm đường về quê là điều hiển nhiên. Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ 26.000 và TP.HCM giải ngân hơn 930 tỷ đồng cho người lao động tự do, người nghèo. Dù có hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng nhưng với khoảng thời gian giãn cách hơn 3 tháng thì số tiền đó không đủ. Đây là sự hỗ trơ kịp thời về các chi phí đời sống cơ bản nhưng về mặt lâu dài thì vẫn khó lòng trụ được, khó khăn chồng chất khó khăn.
Thời gian qua, TP.HCM đã có văn bản khẩn về việc vận động F0 hết bệnh tham gia chống dịch Covid-19. Họ có thể dành thời gian giúp sức các lực lượng phòng chống dịch, hỗ trợ tại địa phương, thực hiện công tác hậu cần và có chế độ cụ thể. Điều này phần nào cho thấy thành phố đang rất cần sự hỗ trợ từ phía người dân, cùng chia sẻ áp lực chống dịch cùng thành phố. Nên chăng TP.HCM mở rộng thêm đối tượng được tham gia hỗ trợ chống dịch?
Đó là những người lao động tự do thất nghiệp, có sức khỏe tốt. Họ cũng có thể tham gia vào lực lượng hỗ trợ tại địa phương, thực hiện các công tác hậu cần. Đơn giản như việc tham gia trực chốt cách ly, phong tỏa thay cho các chiến sỹ đã phần nào rệu rã mấy tháng qua. Hỗ trợ người dân sống ngay tại khu cách ly phong tỏa mua lương thực, thực phẩm, vật dụng thiết yếu. Tham gia công tác khử khuẩn các con hẻm, khu phố phong tỏa, đảm bảo môi trường sống an toàn hơn cho người dân, góp phần khiến những “vùng đỏ” này sớm chuyển sang “vùng xanh”.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần có những quy định, yêu cầu rõ ràng, nghiêm ngặt trước khi tạo điều kiện cho những người lao động thất nghiệp tham gia lực lượng hậu cần đặc biệt này. Không chỉ là tuân thủ quy tắc 5K, kết quả xét nghiệm PCR âm tính mà cần thiết có thể ưu tiên cho những người đã tiêm vaccine 1 mũi (họ có kháng thể, ít nhiều sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh nặng) và những người ở vùng xanh có thể tham gia nhiệm vụ ngay. Trong bối cảnh hệ thống y tế tại TP.HCM gần như đã quá tải, thiếu nhân lực y tế rất nhiều. Những người lao động thất nghiệp có thể tham gia hỗ trợ khâu ăn uống cho bệnh nhân hoặc lấy mẫu test nhanh tại các bệnh viên dã chiến, chia sẻ công việc và áp lực với đội ngũ nhân viên y tế,… Đó cũng là tạo cơ hội cho những người lao động tự do, thất nghiệp tại TP.HCM kiếm thêm thu nhập, vượt qua hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh tạo ra. Cũng một mặt giúp thành phố giải quyết được vấn đề quá tải hiện nay.
Đã đến lúc, chúng ta cần suy nghĩ và hành động nhiều hơn ở thời điểm chống dịch quyết định hiện nay. Sự chung sức, đồng lòng trong công tác chống dịch là điều không thiếu nếu như muốn đánh đuổi hoàn toàn giặc Covid-19 ra khỏi lãnh thổ. Tạo điều kiện cho những người lao động thất nghiệp có cơ hội tiếp tục bám trụ lại thành phố, cũng là cho chính TP.HCM nguồn sức mạnh chống dịch lớn hơn.
Vỹ Cầm
* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả