+
Aa
-
like
comment

TP.HCM sẽ sớm “vỡ trận” nếu bệnh nhân tiếp tục kéo bác sĩ đi cách ly chung

Hạnh Văn - 21/05/2021 17:12

Sáng ngày 19/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phát hiện một ca dương tính SARS-CoV-2, bệnh nhân thứ 4514 của cả nước. Điều đáng nói, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, 26 nhân viên y tế đã phải tiến hành cách ly tập trung vì đã từng tiếp xúc với người bệnh.

Các nhân viên y tế tại khu cách ly.
Các nhân viên y tế tại khu cách ly.

Không thể phủ nhận việc cách ly tập trung các trường hợp F1, dù là nhân viên y tế, là điều cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch. Thế nhưng, giữa bối cảnh tình hình diễn biến khó lường, đội ngũ y tế đang làm việc hết công suất, việc cùng lúc phải cách ly hơn 20 nhân viên đã bộc lộ một sự bất cập có thể “đánh sập” toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch hiện nay.

Sự xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng nối tiếp nhau đã cho thấy mầm bệnh Covid-19 tại TP.HCM vốn đã không còn gói gọn trong các khu cách ly tập trung. Giả định trong tương lai gần, TP.HCM tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 từng đến các phòng khám, bệnh viện, điều khó có thể tránh khỏi là sẽ có thêm nhiều bác sĩ, điều dưỡng phải gói gém trang bị, hàng lý đi đến tuyến đầu để… cách ly tập trung. Trong khi nguy cơ khủng hoảng thiếu hụt lực lượng y tế thì luôn chực chờ bùng phát, nếu cứ mỗi ca bệnh lại kéo theo 10-20 bác sĩ, điều dưỡng như hiện nay, quả thật rất đáng để quan ngại.

Theo báo cáo năm 2019 của Sở Y tế TP.HCM, toàn thành phố có gần 18.000 bác sĩ. Và nếu lấy trường hợp BN4514 làm “hình mẫu”, tức mỗi ca bệnh lại kéo thêm khoảng 10 bác sĩ đi cách ly chung cho vui, thì chỉ cần khoảng 18 ca, y tế thành phố đã “thiệt hại quân số” 1%, không hề nhỏ đối với ngành y tế, nhất là trong lúc “nước sôi lửa bỏng”. Và nếu như trước đây GS. Nguyễn Thiện Nhân từng nói thành phố sẽ “vỡ trận” nếu có 1.000 ca Covid-19, thì với tình trạng này e rằng chỉ “cần” 100 ca bệnh mà thôi.

Điều đó cho thấy ngay lúc này, thành phố cần có sự chuẩn bị tốt nhất có thể để tránh xảy ra kịch bản như của BN4514, để các bác sĩ, điều dưỡng không phải chịu cảnh “ăn cơm chung mâm” với người bệnh. Bài học từ trường hợp BN4514, có triệu chứng ho, sốt, đau họng, cho thấy cần phải có sự sàng lọc đối với các ca bệnh và các bác sĩ, điều dưỡng khoa tai-mũi-họng và hô hấp, ngay cả khi không có yếu tố dịch tễ. Trong thời điểm vùng Nam Trung Bộ đã bước vào mùa mưa, các ca bệnh liên quan đến tai-mũi-họng và hô hấp tăng cao, sẽ khiến việc phát hiện, sàng lọc các ca nhiễm Covid-19, với nhiều biểu hiện tương tượng các bệnh hô hấp, càng trở nên khó khăn. Do đó, sự cẩn trọng đặc biệt đối với 2 khoa này, thậm chí sàng lọc, cách ly ngay từ đầu các bác sĩ chuyên khoa tiếp xúc với các ca nghi ngờ nhiễm, dù không có biểu hiện dịch tễ, có thể sẽ là điều cần thiết.

Một phương án có thể tính đến là các khu cách ly dã chiến cho từng quận, huyện trên địa bàn thành phố. Kết hợp với việc tích cực, sàng lọc chủ động xét nghiệm, các “tuyến đầu dã chiến” sẽ là giúp sàng lọc cho tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm của quận, huyện. Cùng với đó sẽ là một đội bác sĩ, điều dưỡng “đi công tác gần nhà”: trực chiến ngay tại khu cách ly dã chiến trong vòng 14-21 ngày để lấy mẫu, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm. Và cũng như các khu cách ly, trang bị, đồ phòng hộ đầy đủ cho các bác sĩ, điều dưỡng “đi công tác” để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm là điều tất yếu.

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Với sự hiện hiện của các khu cách ly dã chiến, lực lượng y tế tại các bệnh viện sẽ có “thời gian thở”, cũng như bớt đi phần nào nỗi lo sợ phải đi cách ly cùng bệnh nhân. Các bác sĩ, điều dưỡng tại khu cách ly, dù có nguy cơ cao hơn các đồng nghiệp, cũng sẽ được trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Nhưng điều quan trọng nhất, vẫn luôn là một ý thức vì cộng đồng của mỗi người dân, không chỉ riêng tại TP.HCM. Chỉ khi mỗi cá nhân luôn đề cao cảnh giác, đề phòng với đại dịch toàn cầu, bằng sự tuân thủ “thông điệp 5K” hay ý thức không tự ý đi khám dù có biểu hiện, thì bất kỳ giải pháp nào của ngành y tế mới có thể phát huy tối đa hiệu quả.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều