TP.HCM sẽ có chiến lược gì sau 2 tuần tăng cường giãn cách?
Sau 2 tuần tăng cường giãn cách xã hội, kể từ ngày 23.8, dự kiến hôm nay (5.9), TP.HCM sẽ sơ kết để đưa ra mục tiêu và biện pháp phòng chống dịch, nhằm hướng đến kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15.9.
Hôm nay 5.9, TP.HCM dự kiến sẽ sơ kết sau 2 tuần tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 23.8).
Trước đó, từ ngày 15.8, Chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định toàn TP tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, nêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15.9.
Các giai đoạn phòng chống dịch
Để tiến đến kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15.9, TP.HCM cũng đưa ra 3 giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
Giai đoạn từ 15.8 đến 22.8: Kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không để xảy ra trường hợp người bệnh (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị.
Xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện.
Giai đoạn từ 23.8 đến 31.8: Mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn TP.HCM. Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Q.5, Q.7, Q.11. Và ngày 2.9 vừa qua, H.Củ Chi và Q.7 đã công bố kiểm soát được dịch bệnh.
Giai đoạn từ 1.9 đến 15.9: Duy trì và kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân).
Đảm bảo hơn 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, 15% được tiêm mũi 2.
Song song với tiến độ phòng chống dịch trên, trước đó, ngày 22.8, Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 11 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, kể từ ngày 23.8 đến 15.9. Đề ra yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”; chính quyền địa phương và các đoàn thể sẽ “đi chợ hộ” và chăm lo an sinh xã hội cho người dân; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra.
Từ ngày 6.9, TP.HCM sẽ phòng chống dịch ra sao?
Về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27.4 đến sáng 5.9, TP.HCM đã có tổng cộng 245.707 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, từ ngày 23.8 đến ngày 4.9, Bộ Y tế công bố TP.HCM có số mắc dao động từ 3.000 – trên 5.000 ca nhiễm mỗi ngày, riêng ngày 3.9 là 8.499 ca nhiễm.
Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 122.775 ca. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là khoảng 10.230 ca.
Về chiến dịch tiêm vắc xin tại TP.HCM, tổng số đã tiêm đến ngày 3.9 là 6.321.049 liều cho người trên 18 tuổi. Trong đó mũi 1 là 5.923.063 người, đạt hơn 82%; mũi 2 là 397.986 người, đạt trên 5,5 %. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 691.358.
Như vậy, dù chưa đến 15.9, nhưng TP.HCM đã vượt mục tiêu bao phủ vắc xin mũi 1 đối với người trên 18 tuổi, yêu cầu đặt ra là đạt 70%. Với người tiêm mũi 2 cần tiếp tục tăng tốc để đạt yêu cầu đề ra là 15%.
Về chiến dịch xét nghiệm Covid-19 bằng RT-PCR và test nhanh toàn TP, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), mỗi ngày TP có khoảng từ 4.000 – 5.000 ca dương tính từ xét nghiệm RT-PCR, còn test dương tính tầm 7.000 – 8.000 ca.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, đến ngày 6.9, thông qua công tác xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, TP sẽ phân loại lại các vùng nguy cơ.
Tìm giải pháp thay thế vắc xin Moderna cho người tiêm mũi 2
Ngày 30.8, Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM 1.960.000 liều vắc xin, gồm 2 loại AstraZeneca và Pfizer.
Riêng vắc xin Moderna, toàn TP.HCM đã tiêm 624.418 liều (bao gồm khối bộ, ngành). Trong đó, riêng TP.HCM tiêm mũi 1 là 518.821 liều và mũi 2 là 53.990 liều. Như vậy, số người chưa tiêm mũi 2 vắc xin Moderna là rất lớn. Tuy nhiên, đại diện HCDC cho hay chưa nhận được vắc xin Moderna cho người tiêm mũi 2. Vì vậy, ngành y tế TP.HCM đang tính các giải pháp thay thế, phù hợp nguyên tắc về khoa học và yếu tố chuyên môn.
Phan Thương