TP.HCM sẽ áp dụng mô hình cấp cứu 115 theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ
Ngày 8.10, tại lễ tiếp nhận trang thiết bị y tế (xe cấp cứu, máy xét nghiệm RT-PCR, tiền mặt) với tổng trị giá 5 tỉ đồng do nhà hảo tâm tài trợ để phòng chống dịch Covid-19, Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có 34 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ rộng trên 24 quận huyện.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành y tế TP xây dựng hệ thống cấp cứu 115 hoàn chỉnh theo mô hình của Mỹ, châu Âu, Úc. Đó là mô hình phối hợp, sẽ có những trạm cấp cứu 115 vệ tinh, có các trung tâm cấp cứu 115 ngoại ô; hướng đến đội ngũ y tế cấp cứu sẽ hoạt động theo mô hình vừa cấp cứu tại chỗ, vừa xử lý và cho thuốc và bảo hiểm y tế chi trả; những trường hợp nhẹ không cần phải đến bệnh viện (BV) mà về nhà điều trị, được y tế địa phương theo dõi.
Theo Giáo sư Bỉnh, nếu bảo hiểm y tế chi trả cho cấp cứu ngoại viện giống như mô hình các quốc gia khác thì công tác cấp cứu sẽ rất hiệu quả.
Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo giám đốc các BV cần xem hoạt động cấp cứu ngoại viện là hoạt động tạo niềm tin cho người dân, đầu tư nguồn nhân vật lực phù hợp tùy vào quy mô từng BV. Trong thời gian tới, Sở sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các trạm cấp cứu vệ tinh 115 xây dựng cơ cấu giá cấp cứu ngoại viện, nêu rõ định mức giá giữa BV công lập và BV ngoài công lập. Các trạm cấp cứu vệ tinh 115 phải hoàn thành cơ cấu giá thu, gửi về Sở Y tế để thẩm định và công khai mức giá trên cổng thông tin điện tử ngành y tế để người dân được biết.
Sở Y tế cũng giao Trung tâm cấp cứu 115 tham mưu Sở xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn kết với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế trong cộng đồng; triển khai giải pháp “Hệ thống điều hành thông minh” tại Trung tâm cấp cứu 115 và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tiếp nhận và xử lý cuộc gọi cấp cứu cho các điều phối viên cấp cứu ngoại viện.
Theo báo cáo của Trung tâm cấp cứu 115, trong 6 tháng đầu năm 2020 có 11.448 cuộc gọi cấp cứu có xuất xe, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm một phần là tác động của dịch Covid-19.
TNO