+
Aa
-
like
comment

TP.HCM quy hoạch thoát nước rộng gấp 3 lần

25/06/2020 10:02

TP.HCM dự tính thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước ra 23 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ), nâng diện tích thoát nước từ 650km2 lên tới 2.095km2. Người dân thành phố có thể kỳ vọng gì vào bản quy hoạch này?

Bản quy hoạch này cho thấy vấn đề chống ngập đang được TP.HCM quan tâm và đầu tư dài hơi để nâng cao chất lượng sống cho người dân và ứng phó kịp thời trước các diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.

Mở rộng ra 23 quận huyện

TP.HCM quy hoạch thoát nước rộng gấp 3 lần - Ảnh 1.
Dự án chống ngập do triều đang xây dựng trên tuyến sông Cần Giuộc, quận 8, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Trong văn bản gửi Ban thường trực Thành ủy TP.HCM, Ban cán sự Đảng UBND TP cho biết mục tiêu chính của việc lập quy hoạch thoát nước lần này để tạo sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Trên cơ sở quy hoạch này sẽ triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước.

Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước lần này sẽ tập trung vào các công việc cần thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập quy hoạch được đánh giá là cần thiết vì (quyết định) quy hoạch theo quyết định 752 đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2001 (Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020) chỉ đề cập việc thoát nước khu vực trung tâm TP bao gồm diện tích 650km2, đến nay đã có nhiều yếu tố không còn phù hợp với thực tế và đã gần hết thời hạn quy hoạch.

Cụ thể, việc nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mới lần này được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095km2 bao gồm 23 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ). Trong khi đó, quy hoạch thoát nước 752 cách đây gần 20 năm chỉ tập trung trong diện tích 650km2 ở khu vực nội thành và vùng lân cận.

Đồng thời, quy hoạch mới còn bổ sung mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An để hoàn chỉnh quy hoạch thoát nước cho TP.HCM.

Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, TP.HCM đã định hướng mở rộng các quận 2, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú… nên cần nghiên cứu một quy hoạch mới cho toàn TP. Hơn nữa quy hoạch 752 chưa lường hết các yếu tố của ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, các vấn đề sụt lún nền đất tự nhiên cũng ảnh hưởng nặng đến tổng thể chung của hệ thống thoát nước.

Quy hoạch thoát nước mới sẽ cập nhật và điều chỉnh về cao độ nền và hệ thống nước mặt. Đồng thời cập nhật và điều chỉnh quy hoạch thoát nước thải, trong đó sẽ xác định vị trí, quy mô các nhà máy xử lý nước thải…

UBND TP.HCM cho biết quy hoạch thoát nước mới hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực, góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm TP.HCM và các đô thị khác trên địa bàn.

Cần “nương” theo tự nhiên

Trao đổi về bản quy hoạch này, TS Phạm Viết Thuận – viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên môi trường – cho biết địa hình của TP.HCM nghiêng dần về phía nam, với độ dốc trung bình khoảng 4%. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa đã lấp rất nhiều hệ thống kênh rạch tự nhiên, xây dựng các công trình ở phía nam làm tắc dòng chảy gây ngập cục bộ trên các tuyến đường nội thành.

Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Văn Linh cũng ngắt dòng chảy rất lớn mỗi khi có lượng mưa lớn trên địa bàn TP cần thoát ra khu vực phía nam rồi ra biển.

Theo số liệu ông Thuận cung cấp, trong giai đoạn từ năm 1995-2015, TP.HCM đã lấp đi 35 triệu m2 diện tích ao hồ, kênh rạch tự nhiên (tương đương với lưu lượng chứa nước mưa khoảng 40-45 triệu m3). Các yếu tố trên là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngập nước ngày càng gia tăng trên địa bàn TP bên cạnh yếu tố sụt lún và biến đổi khí hậu.

Ông Thuận cho rằng với hiện trạng TP không thể giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu để phục hồi phần diện tích đã san lấp. Biện pháp giảm ngập hiệu quả nhất là phải nạo vét hệ thống kênh rạch hiện hữu có thể thi công được. Trường hợp cần thiết thì tính đến phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trên cơ sở để đào kênh thoát nước.

Đồng thời việc xây dựng các hồ sinh thái trong khu dân cư, nơi có vùng trũng thấp được xem là hiệu quả và khả thi nhất. Việc dẫn lưu dòng chảy về các hồ sinh thái tránh lãng phí công sức và tiền của khi quy hoạch 1 hệ thống thoát nước mới chồng lên tất cả các hạ tầng khác trên địa bàn TP.

“Song song với nạo vét, khơi thông kênh rạch, việc xây dựng các hồ sinh thái tự nhiên phải đảm bảo diện tích lớn, ít nhất 1-3ha tùy theo từng khu vực sau khi được đánh giá và không bêtông hóa hồ sinh thái tạo độ thẩm thấu cao. Phần diện tích không gian mặt nước bên trên có thể quy hoạch thành bãi giữ xe, khu vui chơi, nhà văn hóa, khu triển lãm.

Ngoài ra, khi quản lý quy hoạch cần nắm tính chất địa hình, địa thế riêng của các vùng trên địa bàn TP để có quy hoạch thoát nước thuận theo dòng chảy tự nhiên. Trước sự phức tạp của biến đổi khí hậu thì các quy hoạch phải thuận theo quy luật của tự nhiên sẽ bền vững hơn” – ông Thuận hiến kế.

TP.HCM quy hoạch thoát nước rộng gấp 3 lần - Ảnh 2.
Tổng hợp: LÊ PHAN – Đồ họa: TUẤN ANH

2.095km2 chưa đủ, phải rộng hơn nữa

TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng ưu điểm lớn của quy hoạch mới này chính là phạm vi mở rộng ra 23 quận huyện, trong khi quy hoạch cũ chỉ gói gọn trong 650km2 quanh nội thành. Với tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị thì quy hoạch cũ này đã không còn phù hợp.

Nếu không mở rộng, sớm triển khai quy hoạch mới mang tính toàn diện, xây dựng hệ thống cống đảm bảo thoát mưa, thoát nước thải, thoát ngập thì e rằng trong chục năm nữa TP rất khó giải quyết được vấn đề ngập. Ngoài ra, các phương án đê bao trước nay chỉ làm ở khu vực nhỏ nằm ở bờ hữu sông Sài Gòn, nay phải nghiên cứu làm thêm khu vực bờ tả (phía đông TP.HCM).

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, TP không nên chỉ dừng lại ở mở rộng quy hoạch ra hơn 2.000km2 mà phải mở rộng hơn nữa. TP.HCM phải kết nối với các tỉnh để hình thành quy hoạch thoát nước cho cả vùng, trong đó chú trọng tới khu vực ĐBSCL” – TS Võ Kim Cương đề xuất.

Về nguồn vốn thực hiện, ông cho rằng ngoài vốn ngân sách, nên sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa. Cụ thể, có thể nghiên cứu tính hạ tầng trên từng mét vuông đất, doanh nghiệp sử dụng đất thì phải chi trả chi phí giao thông, chống ngập tương ứng…

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá việc mở rộng quy hoạch thoát nước là quy luật tất yếu, đô thị phát triển thì đi kèm là mở rộng giao thông, thoát nước…

Quan trọng hơn là có quy hoạch thì phải có triển khai nhanh chóng, hoàn tất đúng quy hoạch, giải quyết được các vấn đề hiện nay TP đang phải đối mặt. Chính vì vậy, với quy hoạch mới lần này, TP phải triển khai có lộ trình giải quyết ngập nơi nào trước, khu vực nào trước và tiến độ trong bao lâu.

TP có thể giao hẳn cho một đơn vị trực tiếp quản lý quá trình triển khai quy hoạch từng giai đoạn ra sao, bố trí vốn thế nào, cam kết hoàn thành đúng tiến độ và không thực hiện được thì xử lý ra sao. Tuyệt đối không để quy hoạch chỉ nằm trên giấy từ năm này sang năm khác, tình trạng ngập thì càng lúc càng nghiêm trọng hơn.

Tháng 9-2020 hoàn thành đồ án quy hoạch

Theo đại diện Ban quản lý dự án 5 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, việc thực hiện quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Hiện nay liên danh tư vấn SWECO (Đan Mạch) và NIHON SUIDO (Nhật Bản) đang lập đồ án quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, nước thải ở TP.HCM.

Dự kiến đến cuối tháng 9 năm nay, liên danh tư vấn sẽ hoàn thành cơ bản đồ án quy hoạch hệ thống thoát nước TP. Sau đó, đồ án quy hoạch này sẽ được các sở ngành và các chuyên gia trong nước và quốc tế góp ý. Tiếp đó, Bộ Xây dựng sẽ xem xét thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lập bộ tiêu chí giải quyết từng yếu tố gây ngập

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, quy hoạch thoát nước lần này còn phải lập ra bộ tiêu chí riêng về giải quyết triều, mưa, lún, trong đó có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, dự báo tương lai xa để chuẩn bị phương án xử lý lâu dài, bền vững.

Chống ngập tốt là phải làm tốt việc ngăn chặn, kiểm soát, thích nghi bền vững, mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu thiệt hại. Do đó, bộ tiêu chí này ra đời sẽ góp phần dự báo, chuẩn bị, triển khai tốt các phương án chống ngập lâu dài, bền vững, giảm tối thiểu thiệt hại ngập có thể gây ra.

N.ẨN – L.PHAN – T.DUNG/TT

Bài mới
Đọc nhiều