TP.HCM: Q.1 tiêm vắc xin Covid-19 lưu động cho người dân khu phong tỏa chợ Tân Định
Hàng trăm người dân trong khu vực phong tỏa bên hông chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) được tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 lưu động để tăng miễn dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Sáng 2.8, tuyến đường Nguyễn Hữu Cầu (bên hông chợ Tân Định, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) vốn im ắng gần 1 tháng qua do bị phong tỏa bỗng trở nên nhộn nhịp hơn khi đoàn xe chở nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đến tổ chức tiêm vắc xin lưu động.
Khu chợ giữa trung tâm thành phố vốn sôi động suốt hàng chục năm qua, được nhiều du khách đến thăm quan, mua sắm, mấy tuần qua im ỉm vì liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM. Rồi dịch bệnh lây lan, các hộ dân xung quanh cũng bị phong tỏa, đường Nguyễn Hữu Cầu bị giăng dây từ phía tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng kéo dài đến đường Thạch Thị Thanh.
Ngồi chờ đến lượt khám sàng lọc, chị Nguyễn Ngọc Hiền (ngụ hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu) cho biết tối 2 hôm trước, cảnh sát khu vực thông báo tiêm vắc xin cho người dân trong khu phong tỏa. Thông qua kết nối nhóm chat Zalo với các hộ dân xung quanh, chị Hiện ngồi ghi danh sách từng người cư trú trong hẻm rồi chụp lại và gửi về cho cảnh sát khu vực.
“Riêng hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu có gần 200 người, chưa tính những người đi cách ly, còn những người ở bên đường Mã Lộ thì tính riêng”, chị Hiền nói.
“Tiêm xong thì mình thấy yên tâm hơn, chẳng may có nhiễm thì cũng đỡ trở nặng”, chị Hiền nói.
Theo thống kê của P.Tân Định, toàn bộ khu vực phong tỏa sát chợ Tân Định có hơn 550 người, những ai đủ điều kiện đều được tiêm vắc xin, không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú.
“Những ngày phong tỏa mình tắm nắng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nấu cơm xong mỗi ngày một tô ngồi ăn để phòng dịch bởi nếu một người bị nhiễm thì lây cho rất nhiều người”, một người dân chia sẻ.
Theo quy trình, người dân khi đến tiêm phải khai báo y tế, điền thông tin vào phiếu sàng lọc, sau đó chờ đến lượt đo huyết áp, rồi chuyển qua bàn tiêm chủng. Hai nhân viên y tế kiểm tra phiếu lần cuối, hướng dẫn người đăng ký tiêm đánh dấu vào mục đồng ý tiêm rồi thông báo loại vắc xin được tiêm (tại điểm tiêm này, buổi sáng nay có 2 loại là AstraZeneca và Moderna). Tiêm xong, người dân chờ ở khu vực theo dõi sau tiêm, khoảng 30 phút, người được chích vắc xin thấy bản thân ổn thì ra về.
Ưu tiên khu phong tỏa và khu vực có nguy cơ cao
Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết quận tổ chức 2 đội tiêm lưu động để tiêm chủng cho các khu vực mà người dân khó khăn về việc đi lại như khu phong tỏa, khu nguy cơ cao. Thông qua hình thức tiêm lưu động, phạm vi địa bàn được phủ vắc xin được mở rộng, tăng miễn dịch cộng đồng, làm giảm nguy cơ lây nhiễm đối với các khu vực này. Hiện toàn quận có 203 điểm phong tỏa, khu phong tỏa.
Về nhân lực cho công tác tiêm chủng, bà Hoa cho biết quận có 10 điểm tiêm cố định tại 10 phường, các điểm tiêm tại bệnh viện và 2 đội tiêm lưu động, Sở Y tế hỗ trợ 20 đội tiêm đến từ các bệnh viện khác nhau.
Cách đó chưa tới 1km, tại điểm tiêm chủng Trường Tiểu học Trần Khánh Dư (P.Tân Định, Q.1), công tác tiêm chủng cũng được thực hiện khẩn trương, bài bản. Điểm tiêm này đang ưu tiên tiêm trước cho người dân trên 65 tuổi cư trú trên địa bàn 9 khu phố. Người dân xếp hàng trên vỉa hè khai báo y tế, ghi phiếu sàng lọc sau đó vào bên trong trường chờ.
Anh Lê Trường An, Phó bí thư Đoàn P.Tân Định, cho hay bên trong được chia thành các khu vực: bàn tiếp nhận, khu vực chờ đo huyết áp, khu vực chờ đo huyết áp lại dành cho những người có huyết áp cao và khu vực theo dõi sau tiêm.
Ngồi chờ ở khu vực theo dõi sau tiếp, bà Đỗ Anh Nga (67 tuổi, ngụ hẻm 53 Trần Khánh Dư, cán bộ hưu trí) đánh giá công tác tổ bài bản, các tình nguyện viên hỗ trợ, hướng dẫn tận tình. Bà Nga cho biết ban đầu khi phường thông báo tiêm cho người trên 65 tuổi thì bản thân còn chần chừ vì muốn nhường vắc xin cho những người khác, nhất là những người có bệnh lý nền. “Mới đây, phường thông báo có đủ vắc xin tiêm cho toàn bộ người trên 65 tuổi nên tui đăng ký tiêm luôn cho an tâm”, bà Nga nói.
Minh Ngọc