+
Aa
-
like
comment

TP.HCM phát hiện 11 F1 liên qua 3 ca mắc Omicron ngoài cộng đồng

20/01/2022 18:07

Cả nước ghi nhận 108 ca mắc biến chủng Omicron, trong đó TP.HCM có 68 ca, ông Phạm Đức Hải cho biết các hoạt động đông người dịp Tết Nguyên đán chưa có gì phải thay đổi, thu hẹp dù ghi nhận số ca nhiễm biến chủng Omicron nhiều nhất cả nước.

Chiều 20/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp báo cung cấp thông tin định kỳ.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM có 68 ca nhiễm Omicron, trong đó 65 ca nhập cảnh, 3 ca cộng đồng.

Về chùm ca nhiễm biến chủng Omicron, bà Mai cho biết các cơ quan chức năng đã làm tròn trách nhiệm phát hiện sớm ca nghi ngờ mắc. Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục thực hiện hoạt động phòng, chống dịch đã kích hoạt; truy vết khoanh vùng dập dịch với trường hợp nhiễm mới.

Theo bà, ngành y tế tiếp tục rà soát, sàng lọc đối tượng có nguy cơ và khi nghi ngờ thì giải mã trình tự gene để phát hiện sớm.

Trong dịp Tết Nguyên đán, hoạt động phòng chống dịch của TP.HCM vẫn được duy trì, tăng cường, đặc biệt là trong dịp lễ hội.

Đến nay, tất cả đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế tại TP.HCM đã hoàn tất tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung. TP.HCM đang tiếp tục rà soát, lập danh sách người chưa tiêm và lập danh sách với cả nhóm trẻ em chưa tiêm để khi có thông tin từ Bộ Y tế thì sẽ triển khai (nhóm 5-11 tuổi – PV).

Ông Phạm Đức Hải.

Đến nay, TP.HCM tiêm 19.957 trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine tại TP.HCM, chiếm 78,1% trong tổng số người thuộc nhóm nguy cơ. Số còn lại là trường hợp nhiễm bệnh, được điều trị tại nhà hoặc cơ sở tập trung. Khi đủ điều kiện, ngành y tế sẽ tư vấn và đưa đội tiêm đến tận nhà.

Không thay đổi kế hoạch đến trường dù có ca mắc Omicron

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời về việc chủ trương tổ chức dạy và học trực tiếp đối với học sinh sau Tết có thay đổi khi TP.HCM phát hiện chùm ca nhiễm nCoV chủng Omicron trong cộng đồng đầu tiên.

Ông Trịnh Duy Trọng (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) cho biết trước mắt, chủ trương dạy học trực tiếp sau Tết không thay đổi. Tuy nhiên, Sở sẽ phối hợp Sở Y tế theo dõi, đánh giá, chủ động tham mưu cơ sở giáo dục trên địa bàn để chuẩn bị phương án dạy và học.

Theo ông Trọng, ngay từ đầu, khi thực hiện kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, UBND cấp quận, huyện, cơ sở giáo dục đã có quan điểm “an toàn đến đâu mở đến đó”. Cơ sở nào đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trước sẽ mở cửa trước.

“Dù dịch có diễn biến mới, địa phương sẽ căn cứ tình hình để có kế hoạch chuẩn bị, phương án cụ thể”, ông Trọng nói. Ông cho biết thêm Sở GD&ĐT vừa tổ chức 2 hội nghị để quán triệt đến cơ sở giáo dục ở từng cấp học về quy định phòng, chống dịch. Từ đó, mỗi cơ sở có sự chuẩn bị, chủ động xử lý tình huống ở giai đoạn sau Tết tốt nhất.

Ngày 19/1, Sở Y tế TP.HCM cho biết TP.HCM phát hiện một chùm ca Omicron lây nhiễm từ cộng đồng trong một gia đình có người từ Khánh Hòa về. Sau khi điều tra dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã chuyển các bệnh nhân qua Bệnh viện Dã chiến số 12 để điều trị.

Đây được xem là chùm ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại TP.HCM.

Phát hiện 11 F1 liên qua 3 ca mắc Omicron ngoài cộng đồng

Có cần thiết truy vết F1 liên quan các ca mắc Omicron khi Việt Nam đã sống thích ứng với Covid-19? Trả lời, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết theo chỉ đạo của Bộ Y tế, F1 liên quan biến chủng mới vẫn được khu trú, cách ly tại nhà theo quy định nếu đủ điều kiện, hoặc cách ly tập trung.

Giữa quy trình xử lý biến chủng Delta và biến chủng Omicron, bà Mai cho biết có 2 điểm khác biệt. Thứ nhất là có giải mã trình tự gene; thứ 2 là tập trung tất cả ca nghi mắc và mắc Omicron tại Bệnh viện dã chiến số 12 để điều trị. Còn lại, quy trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về trường hợp người về từ nước ngoài mắc Omicron trong cộng đồng tại TP.HCM, bà Mai cho biết ca này đã 2 lần âm tính (khi lên máy bay và sau 3 ngày thực hiện cách ly tại Nha Trang). Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Nha Trang, theo quy định, người này phải về nơi cư trú rồi tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà trong 7 ngày.

Về kết quả truy vết trường hợp liên quan ca mắc Omicron, ngành y tế TP.HCM phát hiện 11 F1. Sau khi truy vết, 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện thêm và đưa vào Bệnh viện dã chiến số 12 để điều trị, giải mã trình tự gene. Các trường hợp F1 còn lại (8 ca) được cách ly tại nhà.

TP.HCM không thay đổi các hoạt động đón Tết

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban Chỉ đạo), cho biết Việt Nam hiện ghi nhận 108 ca mắc Omicron (TP.HCM có 68 ca). Ông đề nghị người dân không quá hoang mang, lo lắng. TP.HCM đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó.

“Chúng ta hết sức bình tĩnh, chưa có gì phải thay đổi các hoạt động như đường hoa, đường sách, hội hoa xuân…Ý thức người dân là điều quyết định giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh”, ông Hải nói.

ca nhiem Omicron trong cong dong anh 1
Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM.

Theo Bộ Y tế, tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần với nhóm người chưa tiêm chủng và 3 lần với nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ. Đại diện Ban Chỉ đạo đề nghị người dân cần tiêm chủng đầy đủ.

Ông Hải đề nghị người dân, cơ quan và chính quyền không lơ trong việc việc khai báo và giám sát khai báo y tế.

3 giai đoạn diễn biến bệnh hậu Covid-19

Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh (Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh) cho biết việc nhiễm nCoV và số ca mắc trong thời gian qua ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, chất lượng cuộc sống người dân rất nhiều. Ngành y tế ghi nhận các ca bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, độ tuổi bao gồm cả người lớn, trẻ em.

Theo bác sĩ Khanh, trong 4 tuần đầu là giai đoạn khởi bệnh, từ 4-12 tuần là giai đoạn chuyển tiếp. Nếu những dấu hiệu kéo dài hơn 12 tuần là hội chứng hậu Covid-19.

Để ứng phó hội chứng này, bác sĩ Khanh nhận định nếu không triển khai hỗ trợ, điều trị kịp thời, đồng bộ, bệnh sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, thể chất con người và chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng xã hội.

Bác sĩ Khanh cho biết Sở Y tế TP đã chỉ đạo bệnh viện trên địa bàn tham gia thành lập các trung tâm, đơn vị hoặc phòng khám hậu Covid-19 (tùy khả năng) để khám, điều trị và phục hồi cho bệnh. Sau hơn 3 tháng thành lập Trung tâm phục hồi chức năng trị liệu hậu Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thăm khám hơn 1.000 lượt bệnh nhân từ khắp nơi, nặng nề nhất là di chứng về tâm lý. Do đó, ông cho rằng các cơ sở y tế trên địa bàn cần tập trung triển khai phòng khám tim mạch, nội tiết, cơ sinh khớp ảnh hưởng do Covid-19 để lại.

“Trong tình hình chủng Omicron xuất hiện, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng. Dù bệnh viện thu dung số 3 của TP.HCM đang tạm ngưng, nếu số ca biến chủng này lây lan nhanh và tăng lên, trong 24 giờ, cơ sở sẽ tái khởi động lại với trang thiết bị, thuốc đã được chuẩn bị”, bác sĩ Khanh nói

20 chợ chưa mở lại

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thành phố có 233 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối. Trong đó, ở đợt dịch vừa rồi, địa phương đã chủ động tạm dừng hoạt động các chợ.

Hiện, TP.HCM chỉ còn 20 chợ vẫn đóng cửa. Lý do là đa số chợ truyền thống tại TP.HCM đều có thời gian xây dựng lâu, chủ yếu là trước 1975 và đến nay, nhiều chợ xuống cấp. Một số chợ buộc phải di dời, giải tỏa theo quy hoạch chung.

Một số chợ giáp với tỉnh bạn, chủ yếu là Bình Dương. Các chợ này tiểu thương đa số là người của tỉnh bạn và đến nay chưa quay trở lại. “Chủ yếu đây là các chợ đã đóng cửa trước dịch chứ không phải do dịch mà đóng cửa”, ông Phương cho hay.

Công an nêu 3 tình huống dễ bị trộm cắp tài sản

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết từ 15/12/2021, Công an TP.HCM đã mở cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm. Theo đó, từ 15/12/2021 đến 14/1/2022, TP.HCM ghi nhận 309 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 33,55% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày xảy ra 9,97 vụ. Công an TP.HCM đã điều tra, khám phá 248/309 vụ, đạt 80,26%, và bắt 412 người.

Ông Hà cho biết cướp giật và trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu tội phạm. Do đó, ông khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trong bảo vệ tài sản.

“Có trường hợp không bị mất tài sản nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng”, ông Hà nói và cho biết tội phạm thường nhân lúc người dân nghe, sử dụng điện thoại trên đường, nơi công cộng… để ra tay.

ca nhiem Omicron trong cong dong anh 2
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM.

Đại diện Công an TP.HCM cảnh báo 3 tình huống thường bị trộm cắp tại TP.HCM. Thứ nhất, người dân ở trong nhà nhưng tập trung sử dụng điện thoại, không cảnh giác, không đóng cửa nhà.

Về các trường hợp cướp xe gắn máy, đặc thù chung là khi người dân cần giải quyết việc gì trong thời gian ngắn, nghĩ là trộm sẽ không kịp hoạt động. Nhưng thường trộm sẽ theo dõi và trộm tài sản ngay khi có cơ hội.

Cuối cùng, tội phạm trộm cắp tài sản trực tiếp đột nhập vào nhà dân, đặc biệt là hộ gia đình ở nơi vắng vẻ, nhà ven kênh rạch.

Sau khi nêu một số vụ việc điển hình, ông khuyến cáo người dân phối hợp với công an bằng cách nâng cao cảnh giác, phòng chống trộm cắp tài sản.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều